Nếu như lạm phát của giai đoạn 1986 được nhìn nhận sớm có thể các giải pháp đưa ra sớm hơn, nền kinh tế VN không phải mất nhiều năm tháng vật lộn đến như vậy. Đó là việc đã qua, nhưng bài học vẫn còn đó. Quá trình chống lạm phát năm 1986 và những năm tiếp theo đến nay cho nhiều bài học quí giá bổ sung cho lý thuyết và những kinh nghiệm thực tiễn về sau này.
Sức công phạt cực mạnh của chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ là giải pháp quan trọng đầu tiên cần được tính đến trong các cuộc chống lạm phát. Nhưng đó là liều thuốc công phạt hết sức mạnh. Kiềm chế lạm phát nhanh nhưng sức tàn phá năng lực nội sinh của nền kinh tế cũng rất lớn. Các công ty và hộ kinh doanh nền kinh tế nước ta nhỏ, kinh nghiệm chưa nhiều, khả năng hồi phục sau mỗi cơn bão táp không mạnh. Với những giải pháp vừa mạnh tay vừa đột ngột thì mức độ sát thương là rất lớn.
Chính vì vậy, cùng với liều thuốc đưa ra thì cần phải xây dựng kịch bản dự liệu mức độ tổn thương và chuẩn bị thật sớm liều thuốc phục hồi ngay khi có dấu hiệu thay đổi trong nền kinh tế.
Đánh giá cao đồng nội tệ đều hết sức nguy hiểm, vì nó sẽ triệt tiêu chính sách lãi suất cao để đối phó lạm phát, làm gia tăng thâm hụt thương mại. Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam thì nông sản mang lại thặng dư ngoại tệ nhiều hơn hàng gia công. Giá nông sản thấp sẽ làm thiệt hại người nông dân và không khuyến khích sản xuất. Với giá cả cao các công ty xuất khẩu chỉ được lợi sau khi xuất khẩu thu về với tỷ giá cũng cao. Với tính toán đó họ sẽ chấp nhận vay vốn lãi suất cao để mua hàng vào chế biến. Ngược lại, dù ngân hàng có thừa tiền họ cũng ngần ngại khi vay vì không tin là được lãi.
Bài toán đó các công ty xuất khẩu trong các năm 1986-1990 đã tính đến. Họ đã bám trụ trong thời gian lạm phát, nhưng đổ vỡ lại chính vào lúc tỷ giá đồng nội tệ bị đánh giá cao. Nếu muốn khuyến khích xuất khẩu, giảm thâm hụt thương mại thì chính sách tỷ giá phải nới lỏng, ngược lại nếu muốn gia tăng nhập khẩu, đẩy nhập siêu lên cao thì thực hiện chính sách tỷ giá cứng, đánh giá đồng nội tệ cao.
Điều này không chỉ xảy ra qua các số liệu các năm 1989 đến 1992 mà còn được kiểm chứng trong các tháng đầu năm 2008 này. Khi đồng nội tệ lên giá, ở mức 15.600 VND/USD thì các công ty đã gia tăng nhập khẩu. Nhập siêu tháng 5 lên đến mức báo động. Người nuôi cá và các công ty xuất khẩu thủy sản kêu trời. Khi tỷ giá trở lại mức trên 16.000 VND/USD thì các công ty đã nhập khẩu hàng hóa lo tìm cách tái xuất. Nhập siêu tháng 5 tăng vọt rõ ràng là nhắc lại vấn đề kinh điển và thực tế của đất nước.
Từ những thực tế này, nếu Chính phủ xác định rõ ràng hơn về thái độ đối với tỷ giá, cơ chế lãi suất thì nhập siêu tháng 6 và đặc biệt trong tháng 7 sẽ giảm mạnh.
Gánh nặng đè lên nông nghiệp
Tình trạng hàng nghìn hộ nuôi cá không bán được, thậm chí phải bán lỗ nặng nề là dấu hiệu bộc lộ điểm chệch choạc trong biện pháp tiền tệ cần được khắc phục không chỉ với ngành cá mà với nền kinh tế. Thắt chặt tín dụng trong trường hợp này làm tăng nguy cơ thâm hụt thương mại và tan vỡ năng lực sản xuất của người nông dân, nguy cơ rối loạn đời sống ở nông thôn.
Thâm hụt thương mại tuy khó khăn nhưng có thể bù đắp từ nguồn vay với bên ngoài trong trường hợp xấu nhất. Nhưng năng lực sản xuất và cơ sở kinh tế xã hội ở nông thôn khi bị hủy hoại thì phải mất hàng chục năm mới có thể phục hồi, mức độ nguy hiểm là cực kỳ lớn.
Tình hình tương tự dường như đang xảy ra với lúa gạo. Vẫn còn hàng chục nghìn tỉ đồng tồn đọng trong các kho hàng của các công ty lương thực do gạo chưa được xuất khẩu. Số tồn kho lớn này không chuyển thành ngoại tệ để làm giảm thâm hụt trong cán cân thương mại, cũng không chuyển được thành VNĐ cho chu trình lưu thông mới thì lấy đâu ra tiền mặt để mua số lúa gạo sắp thu hoạch.
Nỗ lực kiềm giữ giá lúa qua việc giữ gạo trong kho ít nhất cũng đã một lần thất bại trong lần tăng giá đột ngột cuối tháng 4 vừa qua. Đây là yếu kém nghiêm trọng trong hệ thống phân phối. Đó là năng lực tổ chức của các tổng công ty lương thực quốc gia. Một hệ thống rất to với vài chục công ty thành viên, không hề thiếu vốn, nhưng chỉ mỗi lo việc chờ xuất khẩu và cũng đóng góp rất ít cho việc hình thành nền công nghiệp chế biến thực phẩm, thiết nghĩ nên có sự cải tổ mạnh mẽ.
Nhưng đó cũng có sự đóng góp của những khiếm khuyết trong cơ chế thuế. Với lúa gạo khi xuất khẩu thì thuế VAT bằng không, nhưng kinh doanh nội địa thì VAT là 5%. Không chỉ ở các công ty lương thực mà ở các công ty thủy sản đều gặp vấn nạn như vậy. Chi phí để xây dựng hệ thống phân phối nội địa rất tốn kém nhưng không được khen hay thưởng (ví dụ như thưởng xuất khẩu chẳng hạn!) trái lại còn thêm gánh nặng thuế VAT.
Tác động của tâm lý
Trong bối cảnh Chính phủ đang tập trung chống lạm phát, thì điều cần lưu ý với các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là với hoạt động nhập khẩu là không thể phán đoán theo cách nghĩ thông thường về hành vi của Chính phủ để lập kế hoạch kinh doanh ngắn hạn của mình. Khả năng phá sản là rất lớn đối với các công ty liều lĩnh, không hiểu mối nguy của lạm phát và rủi ro từ các chính sách chống lạm phát là gì. Sự thay đổi đột ngột là luôn xảy ra.
Lạm phát khi đã đi vào đời sống luôn mang yếu tố tâm lý nguy cơ, trong đó có cả tâm lý người sản xuất và tâm lý người tiêu dùng. Từ đây cũng có thể tạo ra những vòng xoáy mới về giá cả một khi đã tăng lên thì rất khó thay đổi, đặc biệt đối với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Cơn sốt gạo vừa rồi là một bằng chứng.
Cũng vì tác động tâm lý và sự biến động nhạy cảm của hàng thiết yếu, cần tách việc đánh giá chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ra thành 2 thành phần. CPI chung bao gồm cả yếu tố lương thực thực phẩm như hiện nay và CPI lõi không bao gồm giá lương thực (và có thể không bao gồm giá nhiên liệu, như một số nước đã làm) để có thể đo lường sát hơn, có cách nhìn đầy đủ hơn về chiều sâu sự thay đổi của thị trường, giá cả, tâm lý tiêu dùng. Điều này sẽ cải thiện tốt hơn trong điều hành và tâm lý xã hội.
Võ Hùng Dũng (VCCI Cần Thơ)