NẶNG LÒNG VỚI QUÊ HƯƠNGÔng Ba Ngầu sinh ra và lớn lên ở Bà Đầm thuộc xã Trường Xuân, huyện Cờ Đỏ (trước là huyện Ô Môn) đúng vào thời buổi loạn lạc. Thôi học văn hóa, chuyển sang học nghề nhiếp ảnh, năm 20 tuổi, ông Ba Ngầu đã “cứng tay” và mở một tiệm chụp hình riêng. Cuối năm 1959, đầu năm 1960, nơi ông sinh sống, nhiều người buộc phải bỏ quê hương đi xứ khác vì đâu đâu cũng toàn là đồn bót giặc. Cả nhà ông ba Ngầu lúc đó cũng kéo nhau lên Sài Gòn chạy giặc. Ở Sài Gòn làm nghề nhiếp ảnh, nhờ chịu thương, chịu khó, tìm tòi học hỏi, ông Ba Ngầu cũng có chút tiếng tăm. Ông lập gia đình khi vừa tròn 32 tuổi.
Đất nước thống nhất, nỗi nhớ quê hương lại trỗi dậy da diết trong lòng ông Ba Ngầu. Năm nào ông cũng sắp xếp công việc để về Bà Đầm thăm quê hương, dòng họ, viếng mồ mả tổ tiên. Sau những lần về quê ấy, trong đầu ông cứ vương vấn hình ảnh người dân quê còn nhiều khó khăn: Hôm trước, dì Hai có một quày chuối ngon muốn bán kiếm tiền đong gạo nhưng không ai mua; thằng Tư có mấy cây đu đủ trái sai oằn, chín đỏ, lớp ăn, lớp cho hàng xóm, lớp bỏ trôi sông vì không có nơi tiêu thụ... Trong khi đó, ở thành phố, một cọng rau, trái ớt cũng phải mua. Trong lòng ông Ba Ngầu có một nỗi băn khoăn cứ lớn dần: “Đời sống của người dân nông thôn nơi đây khó khăn quá, còn quá cách biệt so với thành phố. Phải làm gì để giúp bà con?”. Và cái ý định “phải làm một cái gì đó giúp đỡ bà con thân tộc ở quê hương có được cuộc sống khá lên” cứ lớn dần trong ông.
Đến tháng 5-2006, ông Ba Ngầu đứng ra vận động thành lập Hợp tác xã (HTX) Sông Trường, ở ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Cờ Đỏ và ông được tín nhiệm bầu giữ cương vị Trưởng Ban quản trị - Chủ nhiệm HTX. Ngành nghề đăng ký kinh doanh của HTX là: san lấp mặt bằng, nạo vét kinh mương, dịch vụ nông nghiệp; quản lý và khai thác chợ, kinh doanh các mặt hàng nông sản, bách hóa tổng hợp... Ông ba Ngầu nói: “Đây là bước đệm để hình thành “siêu thị nông thôn” tại Bà Đầm. Một ý tưởng tôi đã ấp ủ từ nhiều năm nay”.
Ý TƯỞNG TÁO BẠO!
Muốn biết thực hư cái ý tưởng siêu thị nông thôn và người đưa ra ý tưởng khá táo bạo ấy như thế nào, đầu năm nay, tôi đến xã Trường Xuân tìm gặp ông Ba Ngầu. Khi được hỏi ý tưởng” siêu thị nông thôn” được hình thành như ra sao, ông Ba trả lời nửa đùa, nửa thật: “ Ý tưởng thành lập “siêu thị nông thôn” ra đời cũng giống như cái cốc chứa đầy nước thì phải tràn thôi”. Rồi ông kể hàng loạt lý do: Nào là chuyện ông thấy “ức” vì nông phẩm của nông dân làm ra giá cả luôn bấp bênh vì không có nơi tiêu thụ ổn định; nào là chuyện ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mai mọc lên, còn chợ ở nông thôn thì lộn xộn, giá cả trên trời, dưới đất; rồi chuyện mấy bà, mấy chị ở nông thôn một nắng hai sương không dễ gì tìm mua thỏi son, hộp kem dưỡng da về làm đẹp, rồi chuyện nông dân thường xuyên mua nhầm hàng hóa vật tư nông nghiệp dỏm, giả... Nhiều chuyện như vậy cộng lại thúc giục ông Ba Ngầu phải biến ý tưởng “siêu thị nông thôn” thành hiện thực.
|
Ông Ba Ngầu, đang thuyết minh về dự án “siêu thị nông thôn”. Ảnh: THANH LONG |
Ông Ba Ngầu tâm sự: “Nền móng cơ bản là HTX Sông Trường đã có nhưng cái khó nhất hiện nay là chưa có cơ sở pháp lý để thành lập siêu thị nông thôn”. Thế là, ông phải thường xuyên tới lui Sở NN&PTNT TP, Sở Kế hoạch -Đầu tư, Sở Thương mại TP Cần Thơ... nhưng chưa đến đâu. Một trong những nguyên nhân “chưa đến đâu”, theo lời ông Ba “là bởi nhà quản lý bảo trong danh mục nhà nước không có tên gọi “siêu thị nông thôn” nên không biết xử lý ra sao. Có người bảo: dân Trường Xuân khoảng 12.000 người, phần lớn còn nghèo thì xây siêu thị làm gì, xem ra không ổn”.
Nhưng cũng may cho ông là được mấy nhà quản lý chỉ đường bắt đầu bằng chuyện làm dự án. Ông đã gặp, trình bày và được sự thống nhất cao từ các chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (MDI) - Trường Đại học Cần Thơ về ý tưởng hình thành “siêu thị nông thôn”. Có được sự hậu thuẫn từ MDI, lòng ông Ba Ngầu như cờ gặp gió.
DỰ ÁN BAO GIỜ THÀNH HIỆN THỰC ?
Khi tôi hỏi: “Siêu thị nông thôn đã làm được đến đâu?”, ông Ba đáp: “Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL đã giúp HTX hoàn thành xong đề án. Bây giờ chúng tôi đang trong giai đoạn xin thủ tục.
- Vì sao ông lại chọn hình thức siêu thị mà không phải là chợ chuyên doanh hay trung tâm thương mại?
Ông Ba bình thản trả lời:
- Sản xuất nông nghiệp thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, mang tính tự phát, không cân đối cung - cầu dẫn đến giá cả không ổn định; thông tin thị trường đến với nông dân thiếu và không kịp thời; việc kết nối giữa thị trường với người sản xuất còn rất hạn chế. Ở đây có chợ Bà Đầm nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều người dân, nhà bán lẻ phải mua những hàng hóa ở Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai... Hình thành siêu thị sẽ dần giải quyết những vấn đề này, vì loại hình này có tính liên kết cao. Mặt khác, hình thành siêu thị nông thôn sẽ tạo ra mô hình sản xuất theo định hướng thị trường, giúp người dân nông thôn tiếp cận với phong cách phục vụ “công nghiệp”... Tôi nghĩ, việc đầu tư này rất cần thiết vì sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với chủ trương rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn của Đảng và nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
- Nhưng thị trường đầu vào và đầu ra sản phẩm hàng hóa được tổ chức như thế nào?
- Xã Trường Xuân có diện tích đất nông nghiệp trên 2.550 ha, khá thuận lợi trong việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông nghiệp đầu vào. Chúng tôi sẽ kết hợp chặt với Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, các công ty để cung cấp lúa giống, vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng... Còn đầu ra, chúng tôi sẽ nỗ lực phối hợp với các siêu thị lớn hiện có ở Cần Thơ như: Citimart, Co.opMart, Vinatex, Metro... làm nơi tiêu thụ, cung ứng sản phẩm. Còn những người bán lẻ ở chợ Bà Đầm và những chợ khác ở vùng lân cận sẽ là nơi tiêu thụ hàng tiêu dùng cho siêu thị nông thôn.
- Nhưng ông làm thế nào để đảm bảo việc điều hành và quản lý siêu thị mang tính chuyên nghiệp?
- Mục tiêu chính của dự án “siêu thị nông thôn” là nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp và cung cấp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Vì thế, chúng tôi có kế hoạch và cũng đã được Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Sở NN&PTNT Cần Thơ, Liên minh HTX thành phố... hứa hỗ trợ thông qua các lớp tập huấn nâng cao trình độ quản lý HTX, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, kỹ năng quản lý kinh tế hộ cho xã viên và người nông dân.
- Xem ra nhiều người cũng còn chưa tin cách làm này?
- Nhiều người cũng nghi ngờ lắm. Nhưng ngày 14-11-2006, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL đã tổ chức hội thảo về dự án “Phát triển “siêu thị nông thôn” của HTX Sông Trường”. Tại hội thảo, các đại biểu rất cho rằng đây là ý tưởng hay, mới mẻ, phù hợp yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Có sự hậu thuẫn từ Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, chúng tôi quyết tâm thực hiện đến cùng.
***
Hôm tôi đến HTX Sông Trường cũng là lúc ông Ba Ngầu cho xây dựng văn phòng của HTX. Dẫn tôi tham quan ngôi nhà còn đang xây dựng dở dang, ông tâm sự: “Xây trụ sở để sau này tiện việc liên hệ. Với lại, tôi cũng có dự định biến đây là nơi sinh hoạt của câu lạc bộ người cao tuổi. Xây dựng trụ sở xong, có cơ ngơi ổn định, thỉnh thoảng tôi dẫn bà xã về đây ở chơi 5-10 ngày gì đó để bả thấy và hiểu được ý nghĩa những việc làm của tôi”.
Ý tưởng hình thành “siêu thị nông thôn” của ông Ba Ngầu vẫn đang chờ ngày thành hiện thực? Nó có thành công giống như ông mong muốn hay không vẫn còn là chuyện “hạ hồi phân giải”. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, nếu mô hình này thành công thì đây sẽ là mô hình đặc sắc về phát triển thương mại nông thôn của TP Cần Thơ. Ông Ba Ngầu đã và đang đổ dồn tâm huyết cho dự án này và đang rất mong có được sự ủng hộ từ các ngành hữu quan và cấp chính quyền địa phương.