Co.opmart, Maximart chỉ là… cửa hàng
Trong một cuộc họp bàn về hệ thống phân phối hiện đại trên thị trường TPHCM, một đại diện của hệ thống siêu thị Co.opmart cho rằng, cái mà ở Việt Nam nhiều người đang gọi là siêu thị hiện nay, nếu ở Nhật hay một vài quốc gia phát triển khác, họ gọi tạm dịch ra tiếng Việt là cửa hàng bách hóa tổng hợp (general merchandise store - gọi tắt là GMS).
Sự khác biệt của GMS với các siêu thị ở Việt Nam nằm ở chỗ GMS của nước ngoài đa phần bán hàng thiết yếu hàng ngày trong gia đình như thực phẩm, hóa phẩm, hoặc có thêm quần áo hay giày dép nhưng không phải là hàng thời trang mà là quần áo, giày dép dùng trong nhà.
Còn các siêu thị của Việt Nam hiện nay, vừa bán hàng thực phẩm, phi thực phẩm, có cả khu vực bán hàng thời trang, thậm chí là hàng kim khí điện máy. Nhưng dù sao, mô hình siêu thị tổng hợp (tức không tính siêu thị chuyên doanh một mặt hàng (special store) như siêu thị điện máy, siêu thị điện thoại...) hiện tại trên thị trường có nhiều nét tương đồng với GMS hơn là siêu thị (super market) đúng nghĩa của nó.
Nhưng ngay cả nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối khi đưa loại hình đại siêu thị (hyper market) vào Việt Nam thì người tiêu dùng vẫn quen gọi chung là siêu thị.
Một chuyên gia nghiên cứu về hệ thống phân phối hiện đại cho biết điển hình của trường hợp này là Cora Đồng Nai, nay gọi là Big C Đồng Nai ở ngã ba Vũng Tàu.
Cho tới nay, mô hình đại siêu thị ở Việt Nam được ông cho là chỉ có ở Big C Đồng Nai, còn các Big C ở các nơi khác cũng chỉ là siêu thị thông thường, như là GMS đã nói ở trên. Sở dĩ ông gọi Big C Đồng Nai là mô hình đại siêu thị của nước ngoài là dựa vào vị trí nằm ở rìa thành phố, có diện tích lớn, chủng loại hàng hóa phong phú, đặc biệt có hàng điện gia dụng, cơ khí điện máy, nông ngư cụ, quầy kệ thì lớn, cao.
Việt Nam hiện có 6 loại hình phân phối
Một nhà quản lý lâu năm trong một hệ thống siêu thị ở TPHCM nói, có thể tạm chia thành 6 loại hình phân phối hiện đại trên thị trường phân phối hiện nay với từng đặc điểm nhận dạng đặc trưng, bao gồm đại siêu thị, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi và các siêu thị chuyên doanh.
Đầu tiên là loại hình đại siêu thị (hyper market), hiện chỉ có, mang dáng dấp của đại siêu thị nước ngoài là Big C Đồng Nai nhưng quy mô còn nhỏ hơn nhiều so với các đại siêu thị trên thế giới; có thể nhà đầu tư đã điều chỉnh loại hình này cho phù hợp điều kiện thị trường Việt Nam.
Riêng hệ thống các trung tâm của tập đoàn Metro Cash & Carry ở Việt Nam có vẻ “lai” với đại siêu thị nhưng lại không phải, bởi khách hàng mà Metro nhắm tới là người tiêu dùng có tổ chức, mua hàng của họ để bán lẻ, còn đại siêu thị thì bán cho người tiêu dùng cuối cùng.
Sau đại siêu thị là siêu thị (super market), dù nhiều chuyên gia cho rằng siêu thị của ta hiện na ná như cửa hàng bách hóa ở các nước nhưng thị trường Việt Nam vốn dĩ đã quen với khái niệm này, nên vẫn có thể xem Co.opmart, Maximart hay Big C (trừ Big C Đồng Nai) là siêu thị.
Thứ ba là các trung tâm thương mại (department store), thường bán hàng cao cấp, giá đắt; ngay cả siêu thị bên trong department store cũng có giá đắt hơn các siêu thị thông thường. Ở TPHCM, các department store nổi tiếng như Diamond Plaza, Parkson…
Thứ tư là trung tâm mua sắm (shopping mall), một khái niệm khá mới mẻ và ở TPHCM hiện nay mới chỉ có Lotte Mart được xem là na ná như shopping mall. Đặc điểm của loại hình này là rộng lớn hơn cả đại siêu thị, thậm chí ở Singapore, loại hình này bên trong nó chứa cả đại siêu thị, siêu thị, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, siêu thị chuyên doanh… với nhiều dãy nhà mà người tiêu dùng, nếu đi hết các khu vực bán hàng, phải mất cả ngày.
Thứ năm là cửa hàng tiện lợi, phục vụ hàng ngày cho người tiêu dùng. Ở các nước, loại hình cửa hàng tiện lợi len lỏi trong các khu dân cư, được gọi là cửa hàng bán hàng bổ sung, tức bổ sung cho việc quên mua hàng ở đại siêu thị, siêu thị, hay hết hàng trong nhà mà chưa tới thời gian đi siêu thị. G7 Mart, Shop & Go hiện nay đang đi theo mô hình cửa hàng tiện lợi.
Các cửa hàng chuyên bán thực phẩm Co.op Food của Saigon Co.op hiện nay cũng có thể xếp vào loại hình này, tức vừa nhỏ hơn siêu thị, vừa len lỏi trong khu dân cư và bán các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu gia đình.
Tuy nhiên, Co.op Food cũng có thể xếp vào loại hình cuối cùng là cửa hàng chuyên doanh như các siêu thị điện thoại di động, trung tâm điện máy hiện nay, vì nó chuyên một nhóm hàng thực phẩm.