Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bán lúa không cần thương lái - Bao giờ?
23 | 10 | 2008
Giá lúa ở ĐBSCL đang giảm, nông dân khó bán lúa. Song, nếu nông dân bán lúa thì vẫn phải bấm bụng bán giá thấp qua nhiều tầng nấc trung gian.
Nông dân: Mất 800 - 1.200 đồng/kg lúa

Câu chuyện TPHCM và ĐBSCL “sốt gạo” cách đây mấy tháng đã phơi bày “lỗ hổng” trong kênh phân phối quá lệ thuộc vào các tiểu thương, chủ vựa gạo… cũng như phần nào lộ rõ yếu kém các doanh nghiệp (DN) lương thực nhà nước trong kênh phân phối ở thị trường nội địa.

Vậy còn kênh tiêu thụ lúa gạo hiện nay ở ĐBSCL? Câu trả lời: Còn tệ hơn kênh phân phối. Hiện nay, gần 95% sản lượng lúa của nông dân ĐBSCL phải trông cậy vào thương lái. Và tỷ lệ này cũng tương đương với DN xuất khẩu gạo.

Chỉ có điều, thương lái mua lúa, còn DN thì mua gạo. “Chuyện DN thu mua lúa trực tiếp của nông dân thông qua hợp đồng bao tiêu nông sản đã đề cập lâu và nhiều rồi, nhưng đến nay, nói là nói chỉ để… “vui” chứ có mấy DN mua và thực hiện” – một nhà khoa học ở ĐBSCL nhận định.

Cái “đau” của nông dân ĐBSCL là phải chấp nhận “chung sống với thương lái”. Nông dân bán lúa cho thương lái, thương lái bán lúa cho nhà máy làm gạo lức, nhà máy làm gạo lức bán cho chủ kho – vựa gạo làm lau bóng; giới chủ vựa – chủ kho gạo bán cho DN rồi mới… xuất khẩu. Kênh phân phối nhiều tầng trung gian này đã “cuỗm” của nông dân khoảng 800 – 1.200 đồng/kg lúa.

ại sao phải lệ thuộc quá nhiều vào các trung gian? Câu trả lời đơn giản: Vì không mấy DN dám đầu tư và đủ lực để mua lúa trực tiếp từ nông dân! Nhưng nhìn lại, nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc các địa phương khi “chia tay” thời bao cấp đã bán và “xóa sổ” hầu hết các điểm thu mua lương thực dày đặc một thời nằm tận các xã, ấp ở ĐBSCL.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân: “90% lúa hàng hóa của nông dân phải trông cậy vào thương lái. Với thực lực hiện nay, nhiều DN khó có khả năng mua lúa hè thu trực tiếp với nông dân, do 3 nguyên nhân chính: Không đủ nhân lực triển khai thu mua, thiếu phương tiện luồn lách vào vùng sâu và thiếu kho dự trữ”.

Người tiêu dùng: Mất 1.500 - 2.000 đồng/kg gạo

Chuyện cân đong gian lận, lợi dụng lúc lúa thu hoạch nhiều, ép giá nông dân trong cánh thương lái là có, nhưng hiện nay rất hiếm. Lên án hay phê phán giới chủ vựa và thương lái thật ra chưa đúng địa chỉ, mà cần “điểm mặt” những DN đã khôn khéo chuyển “trái bóng lúa – gạo” về tay thương lái và các chủ vựa.

“Ngay chuyện kho chứa lương thực hiện nay của Tổng công ty Lương thực miền Nam cũng không mạnh, khó có thể mua lúa dự trữ với số lượng lớn. Chính vì vậy, cần xem xét lại khả năng dự trữ của DN và năng lực thu mua lúa trực tiếp của họ” – ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, nhận định.

Theo ông, một phần yếu kém trong kênh tiêu thụ lệ thuộc quá nhiều vào thương lái hiện nay là: các HTX nông nghiệp chưa đủ khả năng tổ chức và gom lúa của nông dân để làm đối trọng và ra giá bán lúa với DN.

Hiện nay, các DN lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh lúa gạo chủ yếu đặt trọng tâm vào thị trường xuất khẩu. Một số DN cũng có kinh doanh gạo ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, chỉ làm gạo bịch (dạng 5 - 10 kg/bịch). Đây chủ yếu là loại gạo thơm, đặc sản được xem là “cao cấp”, bày bán ở các siêu thị lớn (giá 10.000 – 17.000 đồng/kg). Tuy nhiên, số lượng gạo dạng này vẫn hạn chế - do nhu cầu ít.

Một số DN nhìn nhận, làm gạo thơm vô bịch bán ở các siêu thị chủ yếu để “đánh bóng” thương hiệu chứ hiệu quả kinh doanh không bao nhiêu. Chính vì vậy, thị trường gạo nội địa chủ yếu do các chủ vựa và tiểu thương chi phối. Các tiểu thương bán gạo ở các đô thị lớn như Long Xuyên – An Giang, quận Ninh Kiều – TP Cần Thơ, Vị Thanh – Hậu Giang… thường mua gạo từ 2 - 3 chủ vựa gạo.

Các chủ vựa gạo này sau khi mua gạo nguyên liệu từ các thương lái hoặc nhà máy xay xát sẽ lau bóng bán lại cho các tiểu thương. Giá gạo các chủ vựa bán cho thương lái: giá thành + 500 đồng/kg. Và khi tới tay các tiểu thương quy trình này sẽ lặp lại: giá thành + 500 đồng/kg.

Như vậy, giá lúa gạo từ nông dân, qua 4 - 5 trung gian đến tay người tiêu dùng đã “đội thêm” hơn 2.000 đồng/kg – khoảng chênh lệch này chiếm gần 50% giá lúa hiện nay của nông dân. Như vậy, khi bán lúa qua nhiều trung gian, nông dân “mất” khoảng 1.000 đồng/kg, trong khi đó, người tiêu dùng trong nước phải “gánh” thêm 1.500 – 2.000 đồng/kg gạo.

Nhiều năm trước, khi lúa – gạo hàng hóa ở ĐBSCL bị ứ đọng như hiện nay, người ta đã đề xuất cho dân gởi lúa vào kho, xây dựng chợ đầu mối lúa – gạo… Thậm chí có nhà khoa học đề xuất khi cổ phần hóa DN lương thực nhà nước nên xem xét cho nông dân mua cổ phần.

Từ đó, nông dân và DN sẽ “ngoéo tay” chặt hơn, loại bỏ những tầng nấc trung gian không cần thiết. Khi ấy, cả nông dân và người tiêu dùng sẽ được lợi nhiều hơn. Song đến nay chỉ có một – hai chợ đầu mối lúa gạo mọc lên nên nông dân phải chờ và tự hỏi “Bao giờ cho đến tháng mười”!

Hiện nay, các mặt hàng nông sản bán ở hệ thống siêu thị Metro thường có giá thấp hơn các chợ bán buôn. Nguyên nhân chủ yếu, các nguồn hàng nông sản bán tại siêu thị do Metro trực tiếp mua tại rẫy, vườn… của nông dân sản xuất. Việc thu mua trực tiếp từ nông dân đã giúp Metro loại bỏ những trung gian không cần thiết.

Theo đó, giá bán hàng nông sản của Metro thường thấp hơn hệ thống chợ bên ngoài. Đây là điển hình sinh động về “cạnh tranh” bán hàng khi loại bỏ những trung gian không cần thiết.




Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường