Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo ngon chờ thương hiệu
14 | 11 | 2011
Có một điểm chung giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn hay nhỏ tham gia trưng bày tại Festival lúa gạo 2011 vừa kết thúc tại Sóc Trăng, chính là cố gắng giới thiệu gạo thơm, gạo trắng cao cấp... mang thương hiệu của riêng mình như một cách để nâng cao hình ảnh, thoát ra khỏi khái niệm doanh nghiệp gia công gạo xuất khẩu.

Làm thương hiệu với gạo thơm

Chọn hình ảnh cây tre xanh làm ý tưởng chủ đạo trong triển lãm, bà Lưu Thị Lan, Phó giám đốc Công ty Gentraco Cần Thơ, cho biết đó là ý tưởng quảng bá cho sản phẩm gạo chất lượng cao và thân thiện với môi trường, sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) mà công ty đang theo đuổi.

Mô hình cánh đồng Global Gap với giống lúa thơm đặc sản ST13 của tỉnh Sóc Trăng được bà Lan giới thiệu với hội thảo "Định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam", sẽ được nhân rộng, từ 21 héc ta năm 2009 lên 150 héc ta trong năm 2012, hướng đến 800 héc ta trong năm 2015. Sản phẩm gạo thơm xuất khẩu tuy mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng xuất khẩu của Gentraco, tương đương 30.000 tấn nhưng theo bà, tỷ trọng sẽ nhanh chóng thay đổi trong tương lai.

"Sản xuất gạo xuất khẩu theo tiêu chuẩn Global Gap, không chỉ để đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu và phân phối ở siêu thị nước ngoài, mà còn là một cách làm thương hiệu, giúp chất lượng hạt gạo cao và ổn định, không pha trộn bằng nhiều giống khác nhau", bà Lan cho biết.

Công ty Gentraco cùng 4 công ty khác vừa qua đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng trao quyền sử dụng nhãn hiệu "Gạo thơm Sóc Trăng" thời hạn ba năm. Điều này được xem như là tiền đề để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, tiến xa hơn trên con đường xây dựng và phát triển lúa gạo chất lượng cao.

Quan sát tại Festival lúa gạo vừa qua, một số đoàn khách Hong Kong - thị trường ưa chuộng gạo thơm - đã đến tìm hiểu tận nhà máy của các doanh nghiệp xuất khẩu, so giá và đặt vấn đề cung ứng. Cũng theo các doanh nghiệp thì giá gạo thơm những ngày này đã vượt ngưỡng 700 đô la Mỹ/tấn, gây khó khăn cho gạo thơm Thái vẫn “treo” ở mức giá chào từ 1.000 – 1.100 đô la Mỹ/tấn, trong điều kiện hạ tầng, vận chuyển tê liệt vì lũ lụt chưa có dấu hiệu rút.

Theo ông Anthony Lam, Phó chủ tịch Golden Resources, công ty chuyên nhập khẩu và phân phối gạo của Hong Kong, thì Việt Nam đang đứng trước thời điểm chín muồi để phát triển thị phần gạo thơm, gạo cao cấp. Cụ thể là ở Hong Kong và Trung Quốc, nơi sản lượng nhập khẩu các loại gạo nổi tiếng như gạo thơm Jasmine và Hotmali của Thái Lan đã giảm khá mạnh từ 80% trong các năm 2002-2009 xuống còn gần 68% trong năm 2010, trong khi đó, nhập khẩu gạo Việt Nam đã tăng từ chỉ 3% lên 18% trong năm 2010 (số liệu tham khảo của Golden Resouces).

“Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, thu nhập người dân ngày càng cao thì nhu cầu ăn gạo ngon tất yếu tăng theo. Khách hàng chính của gạo chất lượng cao sẽ là những người giàu có, các khách sạn cao cấp, đặc khu kinh tế ven biển”, ông nói.

Với xuất khẩu vào Hong Kong tăng nhanh, Việt Nam đang bước vào chính con đường gạo Thái đã làm cách đây nhiều năm, ông Anthony Lam cho biết thêm.

Thời cơ, ai nắm?

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tỷ trọng gạo cao cấp chiếm bình quân 35% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong 5 năm gần đây và có xu hướng tăng dần do cơ cấu thị trường thay đổi, khả năng đáp ứng nhu cầu chủng loại gạo này của Việt Nam cũng tăng lên. Riêng trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam (chủ yếu đi thị trường Hong Kong, Trung Quốc) tăng 109% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi các giao dịch thương mại hầu như ngưng trệ trong vài tháng qua vì giá các loại gạo thông dụng của Việt Nam hầu như không thể cạnh tranh nổi với Ấn Độ thì chỉ có giao dịch gạo thơm là thành công. 

Tuy có mức tăng trưởng mạnh, tỷ trọng gạo thơm trong cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm chỉ chiếm khoảng 6,3%, xấp xỉ 400.000 tấn.

VFA nhận định, xuất khẩu gạo thơm trong cả năm nay cũng sẽ dao động quanh mốc 400.000 tấn, hướng đến xuất khẩu nửa triệu tấn trong năm 2012. Bên cạnh gạo thơm, thì gạo trắng hạt dài cao cấp cũng là một mặt hàng gạo chất lượng cao dành cho xuất khẩu. Riêng ở thị trường châu Phi, sau khi để mất thị phần gạo cấp thấp vào tay gạo giá rẻ từ Ấn Độ và Pakistan, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA cho biết sắp tới sẽ đẩy mạnh xuất gạo chất lượng cao vào châu Phi.

Ông Huệ nhận xét tại một hội thảo trong khuôn khổ Festival Sóc Trăng, gạo chất lượng cao sẽ còn nhiều dư địa để phát triển nếu có những sự thay đổi phù hợp về thị trường, đầu tư.  

Tuy nhiên, theo ông Anthony Lam, một người đã có nhiều năm nhập các loại gạo cao cấp của Việt Nam thì các doanh nghiệp vẫn còn đánh đồng “cá mè một lứa” sản phẩm gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao của Việt Nam.

“Các bạn cứ quảng bá gạo ngon chung chung và bán hàng một cách khá bị động. Trong khi điều chúng tôi cần là phải phân định rõ, thế nào là gạo ngon, gạo chất lượng cao, gồm những chủng loại nào, chất lượng ra sao”, ông nói.

Còn thực tế phát triển gạo thơm, gạo cao cấp của Việt Nam, theo một nhà xuất khẩu gạo xin giấu tên, sẽ khó trở thành một đường hướng chính thức.

“Vì chính VFA hiện nay cũng không muốn đối đầu trực tiếp với các nhà xuất khẩu gạo Thái bằng chính thế mạnh, thương hiệu từ mấy chục năm nay của họ. Trong bối cảnh này, cạnh tranh với Ấn Độ trên phân khúc gạo trung bình xuất sang các thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines vẫn dễ hơn là đối đầu với Thái Lan”, ông này nói.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường