Ông đề nghị: “Cần phải tôn trọng, khuyến khích, động viên người trồng lúa vì họ làm ra lúa gạo nuôi sống con người. Phải biết lắng nghe những mong mỏi, kỳ vọng của họ để tìm cách làm cho họ không còn nghèo nữa”.
Ông Phan Văn Chinh, vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương, thừa nhận từ năm 2003 đến nay VN đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai thế giới nhưng điều đáng buồn là gạo VN chủ yếu phục vụ thị trường gạo cấp trung bình và thấp. Trong khi đó nước láng giềng Thái Lan, thậm chí là Pakistan đã giành được thị phần đáng kể tại các thị trường tiêu thụ gạo cao cấp. Nhiều chuyên gia còn dẫn chứng gạo VN và Thái Lan cùng loại, chất lượng ngang nhau nhưng gạo VN luôn bán với giá thấp hơn khoảng 100 USD/tấn so với gạo Thái Lan. Đây là thiệt thòi rất lớn không chỉ cho doanh nghiệp mà còn đối với người nông dân dãi nắng dầm mưa làm ra hạt gạo.
Ông Richard Moore, chuyên gia thương hiệu Mỹ, nói điểm yếu của việc kinh doanh gạo VN là chưa quan tâm nhiều đến tâm lý, thái độ của người tiêu dùng. Nếu không quan tâm làm tốt việc xây dựng thương hiệu thì chắc chắn gạo VN sẽ còn thua gạo Thái Lan và nhiều nước khác. Và hệ quả là người trồng lúa vẫn nghèo. Nhưng xây dựng thương hiệu gạo VN như thế nào?
Ông dẫn chứng: “Vợ tôi là người Nhật, chắc chắn khi đi mua gạo bà sẽ chọn gạo có thương hiệu. Thương hiệu cũng giống như con người, tức có tính cách riêng, nên cần xây dựng thương hiệu cho khách hàng thấy có sự khác biệt”. Ông Hermawan Kartajaya, chủ tịch Hiệp hội Marketing thế giới, đề nghị phải nghiên cứu xác định được sự khác biệt nổi bật của gạo VN so với gạo của các nước khác. Từ đó sẽ định vị thương hiệu gạo VN với lời cam kết chất lượng ổn định thì chắc chắn sẽ thành công.
Bác bỏ quan điểm cho rằng gạo là hàng hóa thiết yếu ai cũng cần nên buộc phải mua, ông Abhishek Sahai, phó chủ tịch ban điều phối gạo Tập đoàn OLAM, cho rằng mặc dù châu Phi nhập khẩu rất nhiều gạo (năm 2009 nhập gần 2 triệu tấn gạo VN), người dân còn nghèo nhưng đa số họ lại có nhu cầu sử dụng gạo ngon, chất lượng tốt nhất. Gạo VN đã “đánh bật” gạo Thái Lan ra khỏi thị trường này, nhưng nếu không duy trì tốt chất lượng và có thương hiệu mạnh thì khó giữ được thị trường.
Để xây dựng thương hiệu gạo VN đủ sức cạnh tranh, ông Herby Neubacher đề nghị Nhà nước phải xây dựng thương hiệu chung cho gạo VN, còn các doanh nghiệp cũng phải xây dựng thương hiệu riêng cho các loại gạo khác vì gạo có nhiều loại khác nhau, không thể gọi chung chung gạo VN như trước nay là “gạo trắng, hạt dài”, không có ấn tượng gì cả!