“Nông dân ở các đồng bằng trung tâm đất nước có thể trồng lúa vào mùa khô để kiếm tiền nhưng ở miền đông bắc, người ta không trồng nhiều được”, ông Amar cho biết.
Dù là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhờ diện tích trồng lúa rộng và dân số tương đối ít nhưng năng suất trồng lúa ở Thái Lan vẫn thấp và không thể dự đoán.
Kwanchai Gomez, một nhà nghiên cứu gạo kỳ cựu trong 30 năm qua, cho rằng nước tưới là yếu tố quan trọng nhất để giữ rủi ro ở mức thấp.
“Rủi ro là vấn đề của hầu hết nông dân, năm nay trời không mưa song năm kế tiếp lại lũ lụt. Nông dân phải đi vay và khi mùa màng thất bát, họ lâm vào cảnh nợ nần. Hầu hết nông dân ở đây đều mắc nợ ngân hàng”, ông Kwanchai nói.
Trong nhiều thập niên qua, hoàn cảnh khó khăn của nông dân phần lớn đều bị chính phủ phớt lờ. Thái độ đó bắt đầu thay đổi hồi đầu thế kỷ. Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã “làm cách mạng” hệ thống chính trị Thái Lan bằng chủ trương xây dựng chính sách phải phù hợp với nhu cầu của nông dân. Nông dân ủng hộ chủ trương này và đã giúp ông Thaksin giành được những thắng lợi vang dội trong các kỳ bầu cử cho đến khi ông bị quân đội làm đảo chính lật đổ ba năm về trước.
Trong lúc còn tại nhiệm, ông Thaksin đã đưa ra một chương trình quan trọng: chính phủ phải mua hết lúa gạo cho nông dân với giá bảo đảm có lời. Chính sách này được gọi là Chương trình thế chấp gạo (the rice mortgage scheme) và được phổ biến rộng. Nhưng chương trình này khá tốn kém cho ngân sách, nhất là khi chính phủ đưa ra mức giá sai.
“Sai lầm chính xảy ra vào năm ngoái khi giá gạo trên thị trường thế giới cao ngất ngưởng. Khi giá gạo bắt đầu giảm vào tháng 5, Chính phủ Thái Lan vẫn nhấn mạnh rằng, giá gạo mua của nông dân phải được duy trì ở mức rất cao”, ông Nipon Poapongsakorn, một trong những chuyên gia hàng đầu về gạo của Thái Lan, cho biết.
Chính phủ Thái hiện đang nắm giữ một lượng gạo dự trữ rất lớn đã được mua vào trong thời điểm giá cao. Là nhà cung cấp nhiều gạo nhất ra thị trường thế giới, Thái Lan không thể bán hết lượng gạo này mà không làm giá gạo giảm thêm.
Những cáo buộc tham nhũng giờ đây đang rộ lên trong khắp ngành kinh doanh gạo. Phó thủ tướng Kobsak Sapavasu phụ trách giải quyết vấn nạn này cho biết: “Chúng tôi đang tiêu tiền vào một chính sách sai lầm, và dù có nỗ lực hết sức, chúng tôi cũng sẽ mất thêm 20 tỉ baht nữa”.
Vào lúc kinh tế khủng hoảng, chương trình thế chấp gạo có thể làm cho Thái Lan mất tiêu 1 tỉ đô la Mỹ. Tệ hơn nữa, theo nhà kinh tế học Nipon Poapongsakorn, chương trình này mang lại lợi ích cho những người không thuộc diện được hưởng.
“Thật chẳng may vì hầu hết họ là những nông dân giàu có ở các đồng bằng trung tâm. Nhờ hệ thống thủy lợi, nông dân khu vực này có thể trồng lúa ba vụ mỗi năm. Trong khi những nông dân nghèo ở miền đông bắc, vì không có dư gạo để bán nên chẳng được hưởng lợi gì từ chương trình này”, ông Poapongsakorn giải thích.
“Đây là chính sách có lợi cho doanh nghiệp và cho nông dân giàu, về cơ bản đây là chương trình tài trợ các cuộc vận động chính trị,” ông nói thêm.
Phó thủ tướng Kobsak nói rằng, ông muốn thay thế chương trình thế chấp gạo bằng việc chính phủ bảo đảm giá gạo trực tiếp cho nông dân mà không phải mua gạo của họ. Dù vậy, ở thời điểm hiện nay các đối tác trong liên minh cầm quyền đang buộc Chính phủ Thái Lan phải giữ nguyên chương trình cũ. Nhà kinh tế học Amar Siamwalla thì tin rằng sự can thiệp của chính phủ gây hại nhiều hơn là làm lợi cho ngành công nghiệp gạo.
“Tôi nghĩ điều tốt nhất mà chính phủ có thể làm là đứng ngoài thị trường gạo. Chính phủ nên để cho các nhà máy xay xát, thương nhân, doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân phát triển kỹ năng vốn có của họ trong việc sản xuất gạo chất lượng cao. Việc trồng lúa đòi hỏi nhiều kỹ năng cho dù trồng lúa là nghề của những người nghèo nhất. Hãy để họ tự trau dồi kỹ năng làm ra hạt gạo có chất lượng tốt nhất, để tăng thu nhập lên mức tối đa và điều này sẽ tốt cho tất cả mọi người”, ông Amar nói.
Nhưng nền chính trị đang rối loạn của Thái Lan có lẽ vẫn chưa đồng thuận được những chính sách có khả năng nâng cao năng suất của nông dân trên đất nước này.