"Gần như gia đình nào ở ĐBSCL cũng có vài cây ăn trái, rau thì hái ngoài vườn, nên nếu không có chiến lược xuất khẩu cho rau và trái cây ĐBSCL thì không thị trường nội địa nào tiêu thụ nỗi" - ông Huỳnh Quang Đấu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN kiêm Giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang nói. Mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 6,5 triệu tấn trái cây các loại, trong đó ĐBSCL chiếm hơn 46%. Đa phần các nhà vườn không có hệ thống kho trữ, không có công nghệ chế biế, trong khi trái cây và rau là loại hàng hóa "sáng rau chiều rác", không bán kịp chỉ còn cách đổ bỏ. Ông Đầu cho biết, khách hàng Nga đang đặt hàng khóm (dứa) tươi của công ty nhưng thời gian thu hoạch và vận chuyển sang Nga dài, rất dễ bị hư hỏng. Trong khi 10 ngày nữa, các tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang bắt đầu thu hoạch rộ khóm, sản lượng chừng 150.000 tấn. Rộ mùa, không có biện pháp tồn trữ thì trái cây lại mất giá.
"Nhà nước bảo đảm nông dân trồng lúa được lời ít nhất 30%. Nhà vường tụi tôi cũng yêu cầu nhà nước chỉ cách nào để lời như nông dân trồng lúa." - ông Ba Minh, một nhà vườn ở Tam Bình (Vĩnh Long) đề nghị. Ông Minh cho hay, bạn ông vừa điện thoại cho biết giá xoài cát Chu ở Đồng Tháp đang chỉ xấp xỉ 2.000 đồng/kg (giá giao tại vựa chỉ 1.800 đồng/kg), khiến các nhà vườn lỗ nặng. Nhãn cũng vậy. Mùa rộ, nếu bán được cho thị trường Trung Quốc thì được 7.000 đ/kg, nhưng nếu Trung Quốc không "ăn", giá chỉ còn 2.000 - 3.000 đ/kg. Nhưng hết mùa, chỉ sau nửa tháng là giá tăng vọt. Nếu có kho mát trữ trái, nông dân, nhà vường sẽ không còn ngồi trên đống lửa mỗi mùa thu hoạch rộ.
"Thị trường có, nguồn cung có, cái nông dân và nhà vườn cần nhất bây giờ là công nghệ bảo quản. Nhà nước có chính sách xuất khẩu lúa, có chính sách xuất khẩu cá da trơn, nhưng đã có chính sách xuất khẩu trái cây chưa? Xuất khẩu cá tra tắt thì Thứ trưởng Bộ NN&PTNT bay sang Nga giải cứu, còn nông dân trồng dưa miền Trung trắng tay vụ vừa rồi thì sao?" - ông Huỳnh Quang Đẩu bức xúc