Trong những năm gần đây, trong triển khai chính sách đã xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực tham nhũng, lãng phí, tác động tiêu cực tới nền kinh tế và xã hội. Điều này cho thấy công tác quản lý và giám sát việc thực hiện và triển khai các chính sách hiện nay chưa hiệu quả.
Ngay trong những ngày đầu xuân năm nay, vụ việc ăn bớt tiền Tết của người nghèo đã gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội. Điều đáng bàn ở đây là hiện tượng này đã xuất hiện từ những năm trước đây và vẫn với những cách thức sai phạm cũ nhưng năm nay, mức độ sai phạm có phần nghiêm trọng hơn, xảy ra ở hàng loạt địa phương.
Tiền hỗ trợ người nghèo được đưa đến các cấp cơ sở, nhưng từ cấp cơ sở lại không đến được với tay người dân là do một bộ phận cán bộ yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức. Việc thôn làm mà xã không biết, xã làm mà huyện không biết, cùng với những hạn chế của người dân trong việc tiếp cận thông tin, cũng như tham gia vào chủ trương chính sách này, thể hiện sự bất hợp lý cũng như sự thiếu chặt chẽ, thiếu sát sao trong việc quản lý và giám sát việc thực thi chính sách.
Kinh nghiệm trong việc thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo như Chương trình 134, 135 cho thấy, muốn nguồn vốn hỗ trợ đến được với người dân hiệu quả, ngoài sự giám sát của cơ quan chức năng, thì chính người dân, những người được thụ hưởng chính sách phải được tham gia, quyết định cũng như giám sát thực thi chính sách đó. Như thế tiêu cực, sai phạm sẽ nhanh chóng được phát hiện.
Không chỉ đối với việc hỗ trợ tiền Tết cho người dân nghèo mà ở nhiều lĩnh vực khác nữa, công tác giám sát quản lý cũng bị buông lỏng. Việc phát hiện và ngăn ngừa sớm những sai phạm hầu như không làm được và chỉ sau khi hậu quả đã quá lớn hoặc có cơ quan thanh tra, kiểm toán vào cuộc, thì những sai phạm này mới được phát hiện.
Ví dụ như Đề án tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước, gọi tắt là Đề án 112, mất đến 5 năm triển khai, tiêu tốn cỡ 1.000 tỷ đồng thì mới phát hiện không có hiệu quả, có thất thoát. Hay như kết quả kiểm toán trong lĩnh vực xây dựng cơ bản được kiểm toán Nhà nước công bố trong năm 2008, cho thấy rất nhiều những sai phạm đáng báo động. Một đoạn đường quốc lộ gần 1km trong một dự án lớn, đầu tư hàng chục tỷ đồng, huy động hàng vạn công lao động và phải trải qua nhiều khâu trong việc lập và duyệt dự án, qua rất nhiều cấp nhiều ngành, thế nhưng đến khi hoàn thành thì mới phát hiện là thi công nhầm vào hành lang lưới điện 500kV và phải tốn thêm nhiều tỷ đồng để phá bỏ. Hay như dự án hồ chứa nước ngọt xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, đầu tư hơn 40 tỷ đồng, sau khi xây xong bỏ hoang, chi bởi một lý do rất đơn giản là không có hệ thống dẫn nước vào hồ. Người làm gian dối, cẩu thả, đơn vị làm gian dối, cẩu thả đã đáng trách, nhưng đáng trách hơn là người giám sát, cơ quan giám sát.
Mỗi năm cả nước có hàng vạn dự án đầu tư từ ngân sách Nhà nước và dự án nào cũng buộc phải có khâu giám sát đầu tư. Thế nhưng, theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2008 chỉ có chưa đến 52% các dự án có giám sát; các dự án giám sát thì hầu như chỉ mang tính thủ tục.
Đã đến lúc cần phải tăng cường và chấn chỉnh lại công tác giám sát thực thi các chính sách, trong đó có giám sát đầu tư. Sự thiếu nghiêm túc và thiếu trách nhiệm trong quản lý giám sát đã và đang để lại những hậu quả nặng nề, gây thiệt hại về kinh tế, làm xói mòn lòng tin của người dân vào các chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước. Đã và đang có tình trạng hậu quả từ việc thực thi chính sách, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, không tìm được địa chỉ trách nhiệm, hay không xác định rõ trách nhiệm khi để xảy ra tiêu cực, thất thoát. Song hành với quá trình triển khai chính sách, cần phải minh bạch trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân giám sát, cần phải minh bạch trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân giám sát, buộc họ phải có trách nhiệm đến cùng, đảm bảo cho chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, tạo ra những hiệu quả tích cực cho sự phát triển xã hội. Và hơn hết, cần tạo những điều kiện pháp lý khả thi để người dân, các tổ chức xã hội tham gia giám sát và phản biện chính sách.