Giống như các nước trên thế giới, DNNVV tại Việt Nam luôn chiếm tỷ lệ lớn nhất (95%). Hiện, cả nước có gần 350.000 DNNVV, tổng vốn đăng ký của các DNNVV là gần 1.400 nghìn tỷ VND, tức là bình quân khoảng 4 tỷ VND/DN.
Hiệu quả là hạn chế !
Số liệu vốn đăng ký và bình quân vốn đăng ký của các DNNVV chỉ có giá trị tương đối. Sự thiếu này đã dẫn tới các cơ chế quản lý không đạt được hiệu quả kích thích tiềm năng của DN phát triển đúng mức. Cụ thể là không đạt được mục tiêu thu hút tối đa lượng vốn đầu tư vào khối DN phát triển mạnh nhất, số lượng lớn nhất này. Thể hiện ở việc hệ thống ngân hàng thiếu tin tưởng vào các DNNVV và rót phần lớn vốn cho khối DNNN. Trong khi khối DNNVV lại khó khăn về vốn, kinh nghiệm hoạt động nhất. Và khi ngay các yếu tố “đầu vào” khi thành lập DN như thực hiện vốn đăng ký, tư cách người đại diện trước pháp luật của DN... còn khó theo dõi, giám sát, thì khó có thể nói hiệu quả của cơ chế quản lý là tốt. Tại Hội thảo sơ kết 2 năm thực hiện Luật DN và Luật Đầu tư mới được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Đình Cung - Thư ký Tổ Công tác thi hành hai luật này của Chính phủ cho biết, tổng kết tình hình hoạt động của DN trong các năm gần đây cho thấy tình trạng: Quy mô doanh thu của DN từ năm 2000 đến nay không thay đổi, quy mô lao động giảm, quy mô vốn cũng không thay đổi... Điều đó cho thấy các cơ chế quản lý tác động chưa tốt vào chất lượng hoạt động, phát triển của DN. Cụ thể, theo thông tin của Hiệp hội DNNVV đưa ra, do khó khăn kinh tế thời gian vừa qua, có khoảng 20% số DN đang đứng trước nguy cơ phá sản, 60% giảm hiệu quả sản xuất. Còn theo luật gia Vũ Xuân Tiền - TGĐ Cty CP Tư vấn Quản lý và Đào tạo Việt Nam (VFAM): “Với các DNNVV, quy mô kinh doanh nhỏ, lợi nhuận thu được hàng năm rất ít trong điều kiện bình thường, quỹ dự phòng tài chính gần như không có”.
Bệ phóng
Tại Báo cáo Thông lệ tốt trong thực hiện Luật DN và Luật Đầu tư, ông Đậu Anh Tuấn - Ban Pháp chế VCCI nêu 9 thực tiễn tốt trong thực hiện hai luật này tại các địa phương trên cả nước. Cụ thể như việc cải cách hành chính, cắt giảm thời gian thủ tục cho DN, thay đổi quan điểm tiếp cận với DN, kịp thời giải quyết vướng mắc, cung cấp, cập nhật thông tin... cho DN... Báo cáo này cũng xác định cơ chế trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh thông qua hai hình thức tham quan học hỏi các tỉnh thành công và thông qua cơ chế hợp tác vùng. Còn tại Báo cáo đánh giá 2 năm thực hiện Luật DN và Luật Đầu tư, Tổ Công tác thi hành hai luật này cho biết: hai năm qua, trong số 31 luật, 11 pháp lệnh, 406 nghị định do Quốc hội, Chính phủ ban hành, có khoảng 20 luật, pháp lệnh và khoảng hơn 100 nghị định có tác động và liên quan tới hoạt động đầu tư và kinh doanh của DN. Ngoài ra, còn có 650 quyết định của Thủ tướng, 567 thông tư, 1471 quyết định của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ... Liên quan tới hoạt động của DN. Đó là chưa tính tới các văn bản liên quan tới thực hiện hai luật này do các địa phương ban hành... Tất nhiên, không thể đòi hỏi các cơ chế chính sách ấy phải có hiệu quả ngay. Nhưng, rõ ràng là, Chính phủ đang nỗ lực tối đa để xây dựng hành lang pháp lý hoạt động tốt nhất có thể để phục vụ phát triển DN.
Tuy nhiên, hành lang pháp lý là điều kiện cần, nhưng chưa phải điều kiện đủ để nâng cao chất lượng hoạt động của các DN, từ đó tác động tích cực tới chiến lược phát triển DN. Một thống kê của Vụ Tín dụng - Ngân hàng nhà nước cho thấy, chỉ có 50% DN ngoài quốc doanh có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Nhưng tỷ lệ DN thực tế vay được tiền từ ngân hàng thì còn thấp hơn nhiều. Và số DN còn lại, đương nhiên, phải tự xoay sở từ các nguồn tài chính khác ngoài ngân hàng, nếu không nói là chấp nhận đi vay với lãi suất “cắt cổ” – nghĩa là giảm khả năng, tốc độ và sự an toàn trong tích lũy để tăng trưởng. Tình hình này đưa tới kết quả Nhà nước gặp khó khăn khi tổng kết thực tế hoạt động của khối DNNVV để làm cơ sở ban hành, điều chỉnh chính sách.
Tình hình này cũng đưa đến một “đặc trưng” khác trong phát triển DN tại Việt Nam là xuất hiện “trào lưu” các DN ngoài quốc doanh “xin” vào làm thành viên của các DNNN. Theo đó, trong phần lớn các trường hợp, DNNN chỉ góp bằng... thương hiệu. Trong những cuộc “hôn nhân vì lợi nhuận” này, DNNN được lợi khi gia tăng giá trị tài sản... trên giấy, còn DN được gia nhập có cơ hội vay vốn ngân hàng hoặc bán được cổ phần giá cao với bảo lãnh, về thực chất, là của Nhà nước. Giá trị vốn hóa của DN, do vậy, không phản ánh thực tế chất lượng phát triển DN.
Ai cũng rõ, tính minh bạch hoạt động, tiềm lực về vốn, năng lực quản lý, điều hành luôn là những yếu điểm cố hữu của các DNNVV. Dù đây là lực lượng chiếm tỷ lệ đóng góp phần rất lớn vào GDP của mỗi nước. Và do vậy, các DNNVV Việt Nam đang mong chờ chính sách có tính “mở” cao hơn nữa về tín dụng. Chẳng hạn như các hình thức bảo lãnh tín dụng, các giải pháp phát hành cổ phiếu, hình thành các quỹ hỗ trợ vay vốn và đa dạng hóa các hình thức cho vay, miễn giảm thuế... Điều mà cả DN và Nhà nước cùng mong muốn là mục tiêu có 500.000 DN vào năm 2010 hoàn toàn có thể đạt được. Nhưng chắc chẳng ai mong 50%, 70% hoặc cao hơn nữa số DN ấy chỉ thuần túy có tên trên... giấy !