Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tránh rủi ro từ chính sách
26 | 08 | 2008
Gần đây, giới doanh nghiệp (DN) thường than phiền trước những chính sách thay đổi một cách đột ngột, khiến DN không kịp trở tay.

Trước hết là quyết định tạm dừng cấp phép thành lập ngân hàng để chờ ban hành quy chế mới về tiêu chí thành lập ngân hàng thương mại cổ phần trong nước. Đây được xem là một quyết định hợp lý trong bối cảnh hiện nay tuy nhiên đã làm lao đao nhiều nhà đầu tư pháp nhân và thể nhân. Nhiều người tự hỏi, nếu như giữa năm 2007, Ngân hàng Nhà nước không “bật đèn xanh” cho những hồ sơ xin thành lập ngân hàng mới, thì liệu có hiện tượng bội thực việc thành lập ngân hàng mới như thời gian qua? Chưa kể 51 hồ sơ xếp hàng xin thành lập, không biết bao giờ mới giải tỏa. Ngoài trường hợp Ngân hàng Hồng Việt hiện nay vẫn chưa giải quyết vấn đề đã lỡ mua – bán cổ phần ra ngoài và trong nội bộ cổ đông, hiện có ít nhất 5 đơn vị khác cũng đang đau đầu về chuyện phải trả lại vốn cho cổ đông. Thậm chí, có “đại gia” đã bị mất đứt 0,2% chi phí/cổ phiếu cho nhà đầu tư. Tính sơ, chỉ riêng thủ tục và việc thu xếp trả lại vốn cho cổ đông cũng đã mất tiền tỉ/dự án thành lập ngân hàng. Chưa kể hàng ngàn tỉ đồng đang nằm “chết” do chưa được cấp phép hoạt động.

Gần đây là chuyện dự án bãi đậu xe ngầm Lam Sơn bị ách lại trước giờ G. Ròng rã gần 4 năm trời, trải qua hàng trăm thủ tục, chủ đầu tư đã tiêu tốn trên 30 tỉ đồng nhưng đến gần ngày khởi công dự án, UBND TP lại đề nghị tạm dừng vì cho rằng không bảo đảm cho công trình Nhà hát TP và hệ thống metro. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao ngay từ đầu khi kêu gọi đầu tư, TPHCM không có sự khảo sát, nghiên cứu vấn đề này? Hiện TPHCM có 8 vị trí, địa điểm được UBND TP quy hoạch xây dựng bãi đậu xe ngầm. Liệu có chủ đầu tư nào dám mạo hiểm khi bài học về bãi đậu xe Lam Sơn của Công ty TNHH Đông Dương vẫn chưa ráo mực?

Tương tự là trường hợp của một DN bất động sản. Khi đầu tư vào một chung cư cũ trên địa bàn TP, DN này dự kiến sẽ xây dựng một chung cư mới khoảng 20 lầu và đã bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng. Theo tính toán, chỉ cần xây dựng với nửa độ cao trên, DN đã hòa vốn và phần còn lại sẽ thu lời. Nhưng đùng một cái, chung cư đó đã thuộc diện bị khống chế chiều cao, chỉ được xây chưa đến 10 lầu, do TP có quy hoạch mới.

Không chỉ nhà đầu tư trong nước, mà khi đầu tư vào VN, điều mà nhà đầu tư nước ngoài sợ nhất vẫn là rủi ro từ chính sách. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, thay đổi về chính sách là bất khả kháng nhưng nếu dự báo tốt và nhất quán, hẳn DN sẽ không phải hứng chịu thiệt thòi.

 



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường