Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam ưu tiên chính sách xóa đói giảm nghèo
26 | 09 | 2008
Theo chuẩn nghèo quốc gia thì tỷ lệ số hộ nghèo toàn quốc đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 14,8% năm 2007, theo chuẩn quốc tế thì cũng giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 24% vào năm 2004
Ngày 25/9 tại New York, phát biểu tại Cuộc thảo luận bàn tròn về Mục tiêu xóa đói giảm nghèo trong Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện Các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã nêu bật nỗ lực của Việt Nam biến cam kết thành hành động thực tế nhằm tiến tới thực hiện tám mục tiêu xóa đói giảm nghèo vào năm 2015.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói: "Việt Nam hết sức coi trọng phiên họp cấp cao lần này của Đại hội đồng LHQ nhằm đánh giá những kết quả, bài học kinh nghiệm của nửa chặng đường thực hiện Các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG), từ đó đề ra các kế hoạch cùng biện pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành vào thời hạn năm 2015. Các mục tiêu này là nội dung quan trọng của Chiến lược tổng thể được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ năm 2000 của các quốc gia thành viên LHQ, nhằm huy động trách nhiệm tập thể vì một thế giới mới công bằng, bình yên hơn.

Quá trình thực hiện vừa qua cho chúng ta thấy rõ ý nghĩa chiến lược của MDG là đã trở thành khuôn khổ chung cho hợp tác phát triển trên bình diện quốc tế và định hướng chính sách phát triển kinh tế-xã hội trong phạm vi quốc gia. Chúng ta vui mừng về những đổi thay tích cực mà người dân đã được hưởng từ quá trình này, đó là có thêm 1,6 tỷ người được tiếp cận với nước sạch so với năm 1990, số người mắc và tử vong vì một số căn bệnh như lao, HIV/AIDS đã bắt đầu giảm, có tiến bộ đáng kể về bình đẳng giới, ở nhiều nơi số trẻ em đi học tiểu học đạt trên 90%. Đặc biệt là tỷ lệ nghèo tính chung cho cả thế giới đã giảm từ 41% vào năm 1990 xuống còn 26% vào năm 2005.

LHQ và các đối tác phát triển khác đã ghi nhận những kết quả ấn tượng về thực hiện MDG ở Việt Nam thể hiện qua thực tế là Việt Nam đã đạt hoặc vượt ở nhiều mục tiêu và nhiều khả năng sẽ hoàn thành các mục tiêu còn lại trước năm 2015. Theo chuẩn nghèo quốc gia thì tỷ lệ số hộ nghèo toàn quốc đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 14,8% năm 2007, theo chuẩn quốc tế thì cũng là từ 58% năm 1993 xuống còn 24% vào năm 2004 và do vậy, đã sớm đạt Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo".

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Về mặt chính sách, những thành tựu nêu trên có nguồn gốc sâu xa từ tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ngay sau khi Việt Nam giành lại độc lập vào năm 1945 là phải chống cả giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt. Các kế hoạch phát triển của Chính phủ Việt Nam luôn bao gồm cả hai mặt kinh tế, xã hội và hiện nay là thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Tám MDG toàn cầu đã được cụ thể hóa thành 12 Mục tiêu phát triển của Việt Nam (VDG) cho sát thực với hoàn cảnh của đất nước, lồng ghép vào các chiến lược, chương trình phát triển kinh tế xã hội của cả nước và từng địa phương. Xóa đói giảm nghèo là một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu và Chính phủ cũng thực hiện nhiều chương trình cụ thể, trong đó có việc xây dựng những cơ sở hạ tầng cơ bản, hỗ trợ vốn sản xuất, chăm sóc y tế, giáo dục miễn phí không mất tiền để giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống của mình.

Những kết quả đó gắn liền với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới toàn diện được tiến hành ở Việt Nam từ giữa những năm 1980, trong đó có tăng trưởng khá cao trong thời gian dài, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có các tổ chức LHQ. Trong năm nay, Việt Nam cũng gặp phải một số khó khăn kinh tế do những yếu tố khách quan và chủ quan. Ưu tiên hàng đầu hiện nay của Việt Nam là thực hiện tốt các nhóm giải pháp đồng bộ được Chính phủ đề ra nhằm phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; tới nay, việc triển khai quyết liệt các giải pháp này đã đem lại những kết quả tích cực chiếu theo các chỉ số quan trọng.
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói tiếp: "Báo cáo của các quốc gia và LHQ đều cho thấy hiện còn nhiều thách thức phải giải quyết vì kết quả đạt được chưa đều giữa các mục tiêu cũng như giữa các quốc gia và nếu theo như xu hướng hiện nay thì hàng chục nước đang phát triển có thể không đạt được các mục tiêu theo đúng thời hạn. Ở Việt Nam, chúng tôi cũng cần nỗ lực để đạt tiến bộ đồng đều giữa các mục tiêu, vùng miền, nhóm dân cư và nâng cao tính bền vững của những kết quả đạt được”.

Việt Nam khuyến nghị LHQ tổng hợp thực tiễn, ý kiến đóng góp nêu tại Phiên họp này để bổ sung cho chương trình hành động trong thời gian tới. Chúng tôi ủng hộ các khuyến nghị đã được nhiều nước nêu trong cuộc thảo luận và được đề cập trong các báo cáo chuẩn bị trong dịp này. Điều cần nhấn mạnh là tầm quan trọng của việc xây dựng các chính sách phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên cho người nghèo ở các quốc gia và tăng cường hợp tác để tạo điều kiện cần thiết cho MDG như môi trường quốc tế hòa bình, kinh tế toàn cầu ổn định, quan hệ kinh tế, thương mại quốc tế bình đẳng hơn và những nguồn lực lớn hơn. LHQ có vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ thực hiện MDG cũng cần tiếp tục được cải tổ, nâng cao năng lực để phát huy vai trò đó. Chúng ta cũng cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để xử lý những vấn đề hiện đang đặt ra về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và an ninh lương thực".

Cuộc họp cấp cao này, do Tổng thư kí Ban Kimoon và Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 63, ông Miguel D'Escoto, triệu tập với sự tham dự của gần 100 nhà lãnh đạo cấp cao cùng đại diện 192 nước thành viên LHQ, diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang vật lộn với hàng loạt khó khăn do giá nhiên liệu tăng và cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng, gây trở ngại nghiêm trọng cho nỗ lực nhằm xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, giảm tỉ lệ tử vong của trẻ em, và đặt ra những thách thức mới cho các nước nghèo trong việc thực hiện một vài trong số tám mục tiêu này.
Bên lề cuộc gặp cũng đã diễn ra một số sự kiện, như việc phát động Kế hoạch Hành động toàn cầu chống bệnh sốt rét - nhằm xóa bỏ tình trạng tử vong vì bệnh sốt rét vào năm 2015.



Nguồn:TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường