Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cán cân thương mại 2009: Nhiều thử thách
26 | 02 | 2009
Năm 2009, theo dự báo, tiếp tục là một năm khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu…

Vì thế, việc tháng 1/2009 xuất siêu được coi là một bất ngờ thú vị. Tuy nhiên, để cán cân thanh toán cả năm có được kết quả khả quan, cần giải quyết nhiều khó khăn đang hiện hữu.

Tín hiệu lạc quan

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu tháng 1/2009 chỉ đạt gần 3,8 tỷ USD, giảm tới 18,6% so với tháng 12/2008, nhập khẩu tháng 1/2009 cũng giảm rất mạnh, tới 41,2% so với tháng trước đó và chỉ còn hơn 3,3 tỷ USD.

Như vậy, xuất siêu của Việt Nam trong tháng 1/2009, lần đầu tiên kể từ sau tháng 1/2006, đạt khoảng 467 triệu USD. Cán cân thương mại tháng 1/2009 đã “đảo chiều” so với dự báo được Tổng cục Thống kê công bố trước đó là: xuất khẩu ước khoảng 3,8 tỷ USD và nhập khẩu dự kiến đạt 4,1 tỷ USD, nhập siêu ước khoảng 300 triệu USD.

Kết quả này được coi là khá lạc quan, song nhiều người cũng có cái nhìn thận trọng về tình hình xuất nhập khẩu trong thời gian tới khi phân tích những nguyên nhân dẫn đến kết quả này.

Đó là, các doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện các hợp đồng gia công, xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài còn dang dở từ năm 2008; nhờ được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và tranh thủ được nguồn nhân lực rẻ và sẵn; những tháng cuối năm 2008, nước ta liên tục nhập siêu mà tình hình tiêu thụ trong nước chững lại dẫn đến hàng tồn nhiều khiến các nhà nhập khẩu trong nước phải chùng xuống, đến nay, giá hàng nhập khẩu giảm khiến các nhà nhập khẩu sẽ bị lỗ và cạn vốn nếu tăng cường nhập tiếp.

Trông chờ gói kích cầu của Chính phủ

Mặc dù Tổng cục Thống kê hiện vẫn chưa đưa ra được con số cụ thể về các mặt hàng giảm mạnh nhập khẩu trong tháng 1, nhưng khả năng xuất siêu sẽ còn được thử thách trong những tháng tới, khi mà kinh tế Việt Nam ngày càng chịu áp lực mạnh của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khi các nền kinh tế khác trên thế giới ngấm đòn suy thoái sâu hơn. Cùng với đó, xu hướng tiêu dùng tại các thị trường sẽ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tâm lý và niềm tin vào các giải pháp chống suy thoái của Chính phủ.

Việt Nam đã và đang có các giải pháp kích cầu tích cực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, nổi bật với chính sách bù lãi suất 4% cho các doanh nghiệp. Mặc dù đây có thể chỉ là giải pháp tình thế trong một khoảng thời gian không dài, nhưng nó cũng có những triển vọng tích cực nhằm giảm bớt căng thẳng về ngoại tệ trong ngắn hạn, giúp cân bằng cán cân thanh toán, một trong những yếu tố để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu. Thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất này, cùng với những cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính, nguồn nhân công rẻ… sẽ giúp doanh nghiệp có được chi phí đầu vào hợp lý hơn, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như hàng hóa nước ta trên thị trường thế giới, để tiếp tục duy trì một cán cân thương mại khả quan của cả năm chứ không chỉ một tháng.

Cần cơ chế giám sát chặt chẽ

Tuy nhiên, để chính sách cấp bù lãi suất thực sự đem lại kết quả, rất cần có sự giám sát của các cơ quan chức năng và sự tham gia của các tổ chức hội - hiệp hội ngành nghề, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp. Việc làm cấp bách lúc này là xây dựng được một cơ chế giám sát thích hợp, nhằm tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra như, đầu cơ lãi suất, xuất khống, xuất sai hoặc móc ngoặc trục lợi…

Vì vậy, dù rất khuyến khích xuất khẩu, song chúng ta cũng cần thực hiện giám sát để đảm bảo từng đồng tiền ngân sách hỗ trợ lãi suất được sử dụng chính xác và hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng còn phải quan tâm đến chiến lược xuất khẩu tại chỗ, xây dựng thị trường nội địa vì nền kinh tế nước ta bị đánh giá là có độ “mở” quá mức, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), rất dễ bị tác động bởi bên ngoài.

Vì vậy, xuất siêu tháng 1/2009 dù được coi như thành công bước đầu, song cán cân thương mại của cả năm đang hiện hữu khá nhiều thách thức. Chính sách chỉ đạo linh hoạt không thôi là chưa đủ mà đây chính là lúc đòi hỏi sự đồng thuận cao giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong việc nắm bắt cơ hội, khai thác lợi thế và chủ động đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.



Nguồn: vovnews.vn
Báo cáo phân tích thị trường