Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Sẽ mở thêm thương vụ Việt Nam tại châu Phi"
04 | 12 | 2008
Hiện nay, tại khu vực Trung Đông, Việt Nam đã mở 5 thương vụ tại các nước Kuwwait, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Iraq. Còn mạng lưới đại diện thương mại của Việt Nam ở châu Phi hiện còn quá mỏng, mới chỉ có 5 thương vụ trên tổng số 54 nước.
"5 cơ quan đại diện là quá ít so với tiềm năng của khu vực này, vì vậy, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để mở thêm một số cơ quan thương vụ ở khu vực này. Mới đây, Chính phủ đã có quyết định để Bộ Công Thương làm đề án mở thương vụ tại Ghana, Tanzania...", ông Nguyễn Công Hiến, Phó vụ trưởng Vụ Châu Phi và Tây Á - Nam Á (Bộ Công Thương) cho biết khi trao đổi với phóng viên về cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Đông và châu Phi.

Ông nói:

- Doanh nghiệp kinh doanh thì phải mạnh bạo, mặc dù thị trường Trung Đông, châu Phi có nhiều khó khăn và thách thức, nhưng “có vào hang thì mới bắt được cọp”. Hơn nữa, doanh nghiệp muốn xâm nhập được vào thị trường mới thì cần phải kiên trì.

Chúng tôi đã có kế hoạch đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vào thị trường châu Phi. Năm 2008, Chính phủ chọn Trung Đông là thị trường trọng điểm. Năm 2009, dù Chính phủ có lựa chọn là thị trường trọng điểm hay không thì chúng tôi vẫn đánh giá châu Phi là một thị trường mới cần quan tâm.

Chúng tôi đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại để xây dựng một số chương trình xúc tiến thương mại quốc gia gồm có các đoàn doanh nghiệp đi sang châu Phi để thúc đẩy quan hệ thương mại với một số nước. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến khu vực thị trường Nam Phi (khu vực kinh tế đầu tàu của châu Phi), Tây Phi và Đông Phi.

Đối với thị trường châu Phi, hàng hóa của Việt Nam chưa xuất khẩu được nhiều, phải chăng là do công tác xúc tiến thị trường của Việt Nam chưa tốt?

Đúng là hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi ít hơn so với các khu vực thị trường khác như châu Mỹ, châu Âu, châu Á và Trung Đông. Nguyên nhân thứ nhất là do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và châu Phi rất xa. Thứ hai, từ trước tới nay các doanh nghiệp Việt Nam và cả doanh nghiệp châu Phi còn rất thiếu thông tin.

Tất nhiên, khi đưa hàng hóa vào thị trường châu Phi còn gặp phải một số khó khăn khác như khả năng thanh toán, với khó khăn này thì tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp Việt Nam với khả năng linh hoạt và sáng tạo có thể tìm ra được những phương thức thâm nhập vào thị trường châu Phi.

Theo số liệu của hải quan thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Phi thời gian qua cũng tăng nhanh, tất nhiên chưa được như mong muốn.

Điều này thể hiện rằng các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều sáng tạo, ví dụ như doanh nghiệp linh hoạt áp dụng chỗ nào xuất khẩu được trực tiếp thì xuất khẩu trực tiếp, chỗ nào xuất qua đại lý thì xuất qua các tổ chức như Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), hoặc có thể sản xuất, xuất khẩu tại chỗ.

Tôi được biết có nhà máy thuốc lá của Việt Nam đang giao dịch với Cameroon để có thể sản xuất được thuốc lá ngay tại nước này, hoặc doanh nghiệp có thể phối hợp với một số nước châu Phi sản xuất rượu, bia ngay tại thị trường đó.

Điều này vừa có thể tận dụng được nhân công rẻ của khu vực, vừa tận dụng được nguyên liệu tại chỗ, vừa có thể xuất hàng ngay tại thị trường nước sở tại và các nước lân cận, đặc biệt là tận dụng được thuế ưu đãi phổ cập GSP để có thể xuất khẩu vào châu Âu và châu Mỹ.

Năm 2008 được Chính phủ chọn là năm trọng điểm trong quan hệ với Trung Đông. Vậy quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Đông có khả quan so với mục tiêu đặt ra không, thưa ông?

Quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Đông năm 2008 đã có những bước phát triển vượt bậc so với năm 2007 do Việt Nam và các nước Trung Đông đang cùng đẩy mạnh quan hệ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế - thương mại, đầu tư và hợp tác công nghiệp.

Điều đáng lưu ý trong quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Đông trong hai năm qua là sự chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu, ngoài UAE, Việt Nam đã vươn tới các thị trường khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Isarel và Arập Xêút.

Cán cân xuất nhập khẩu đã có sự thay đổi lớn, Việt Nam đã chuyển sang thế xuất siêu từ chỗ nhập siêu. Dự kiến năm 2008, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Đông tăng khoảng 30% so với năm 2007

Tôi nghĩ rằng thành quả bước đầu trong đẩy mạnh quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Trung Đông đã tương xứng với mục tiêu đặt ra. Nhưng bởi những năm tới, diễn biến kinh tế sẽ rất khó khăn nên chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa để có thể đạt được kết quả ngang bằng hoặc cao hơn năm 2008.

Theo số liệu của hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Đông tăng rất nhanh, đặc biệt là những mặt hàng chứa hàm lượng lao động và hàm lượng chất xám cao như mặt hàng giày da, hàng điện tử.

Đó sẽ tiếp tục là những mặt hàng có khả năng tăng trưởng cao trong năm 2009 và những năm tới. Bên cạnh đó là những mặt hàng nông sản mà tại khu vực Trung Đông không cấy trồng được như lương thực, thực phẩm.



Nguồn: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường