Sadiq Jaffer, Giám đốc phụ trách xúc tiến đầu tư, Bộ Thương mại và Công nghiệp Nam Phi (DIT) nói rằng Nam Phi luôn coi Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng trong khu vực châu Á.Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Nam Phi tổ chức tại Hà Nội ngày 24/5, ông Jafer cho rằng Việt Nam là một đối tác tiềm năng của Nam Phi, tuy nhiên kim ngạch thương mại hai chiều vẫn chưa tương xứng với mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước do doanh nghiệp hai nước vẫn chưa có đủ thông tin về thị trường và nhu cầu của phía đối tác.
Ông Jafer hy vọng diễn đàn này sẽ là cầu nối, để doanh nghiệp hai nước có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, khám phá nhu cầu của đối tác và triển vọng kinh doanh tại mỗi nước.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng bộ Thương mại Lương Văn Tự đã kêu gọi các doanh nghiệp Nam Phi đầu tư vào những lĩnh vực họ có thế mạnh như chế tác kim cương, chế biến gỗ, và khai thác khoáng sản - một trong những lĩnh vực Việt Nam dành ưu tiên phát triển.
Ông Trần Quang Huy, Phó Vụ trưởng vụ châu Phi, Tây Á và Nam Á, cho biết bộ Thương mại đang nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam để thành lập các trung tâm thương mại tại Nam Phi, trực tiếp trưng bày, giao dịch và tạo lập kênh phân phối trực tiếp các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường châu Phi tiềm năng này.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới thị trường Nam Phi đã liên tục tăng lên trong các năm gần đây, từ mức 15,5 triệu USD năm 2002 lên 22,66 triệu USD năm 2003 và hơn 56,8 triệu USD năm 2004. Trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2006 đạt hơn 39,6 tỷ USD, thì mức tăng cao nhất của xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Nam Phi mới chỉ là 112 triệu USD năm 2005, rồi lại sụt xuống 101 triệu USD năm 2006.
Ông Huy hy vọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu trung bình của cả nước, và đạt 150 triệu USD năm 2007 trong tổng số 850 triệu USD xuất khẩu sang toàn châu Phi, và 1,5 tỷ USD vào năm 2010.
Cuối quý 3 năm nay, Bộ Thương mại sẽ tổ chức một đoàn doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường châu Phi, trong đó có Nam Phi, đồng thời dự kiến cuối năm sẽ đón đoàn Nam Phi sang dự kỳ hợp thứ 2 Uỷ ban Thương mại hỗn hợp, nhân đó sẽ tổ chức các diễn đàn giới thiệu cơ hội hợp tác kinh doanh, thúc đẩy sự hiểu biết cho doanh nghiệp hai nước hơn nữa.