Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chinh phục những thị trường mới
13 | 09 | 2007
Nếu biết nhìn xa, các doanh nghiệp có thể tìm được thị trường mới, ngoài thị trường truyền thống là Nhật, EU, Mỹ. Tuổi Trẻ đã trao đổi với đại sứ VN tại Brazil, Nam Phi và Úc. Hàng chất lượng, đẹp, kiến thức pháp luật quốc tế, ngôn ngữ sở tại, đường chuyên chở thuận lợi... Cần nhiều nữa để hàng VN chinh phục thị trường mới.

Đại sứ VN tại Úc Nguyễn Thanh Tân: Hàng có chất lượng, đẹp thì mới nghĩ đến thị trường Úc

Tuy chỉ có 20,6 triệu dân nhưng Úc là thị trường lớn bởi thu nhập đầu người rất cao (32.000 USD/người/năm) nên sức mua rất lớn. Úc hiện là đối tác thương mại lớn thứ bảy của VN (năm ngoái trao đổi mậu dịch đạt 3,06 tỉ USD) nhưng nhìn chung DNVN vẫn chưa khai phá hết.

Một hạn chế là chúng ta mới dừng lại ở việc chuyên chở hàng tới những nơi có đường bay thẳng như Melbourne, Sydney..., chưa vươn tới các vùng xa hơn như Perth, Adelaide... Nước Úc rất rộng, bay từ Canberra đến Perth cũng mất năm tiếng. Khắc phục được điều này thì thị trường Úc còn rất nhiều tiềm năng.

Điều cần lưu ý là thị trường Úc rất khó tính. Có thể thấy được yêu cầu này khi đến Úc, người Việt mang hàng theo đường xách tay thường bị hải quan Úc yêu cầu bỏ hàng lại, không được mang vào vì hàng hóa không rõ nguồn gốc và xuất xứ.

DN cũng đừng quên lượng khách Úc du lịch tại VN. Nếu họ mua một món đồ và sau khi về Úc, chỉ qua vài lần sử dụng đã hỏng thì điều này sẽ gây tác động dây chuyền, tạo ấn tượng không tốt về hàng VN.  Hiện nay chúng tôi đang triển khai xây dựng cơ quan đánh giá chất lượng tại VN. Khi đó, các DN Úc có thể thuê cơ quan độc lập này kiểm tra hàng hóa ngay từ VN. Tôi tin là điều này sẽ góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy thương mại giữa hai bên.

Đại sứ VN tại Brazil Nguyễn Thạc Dĩnh: Muốn bán hàng ở Brazil, hãy học tiếng Bồ Đào Nha

Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Brazil và VN chỉ đạt 113,8 triệu USD, trong đó VN nhập siêu. Cách trở về mặt địa lý, giá vận chuyển tàu biển cao khiến hàng của VN khó cạnh tranh. Với diện tích 8,5 triệu km2 và dân số 183 triệu người, Brazil là một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng. Giày dép, hàng may mặc, đồ thủ công mỹ nghệ của VN là những mặt hàng được Brazil ưa chuộng và có thể đẩy mạnh xuất khẩu.

Cùng với thành công của diễn đàn DN được tổ chức nhân dịp chuyến thăm chính thức Brazil của nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tháng 3-2006, việc Bộ Thương mại phối hợp với đại sứ quán tổ chức diễn đàn về cơ hội đầu tư, kinh doanh tại VN ở Sao Paolo tháng 7-2006 đã làm DN hai nước hiểu thêm về tiềm năng của nhau và cơ hội kinh doanh với nhau. Chính vì vậy tổng kim ngạch buôn bán giữa hai nước năm nay đạt 190 triệu USD, tăng 68% so với năm ngoái.

Một đặc điểm mà các DN cần lưu ý là Brazil sử dụng tiếng Bồ Đào Nha. Vì vậy, để chinh phục thị trường này cần phải có cán bộ biết tiếng Bồ Đào Nha. Về cơ hội hợp tác, Brazil đang rất thành công trong việc sản xuất cồn ethanon (nhiên liệu chiết xuất từ mía) để dùng thay xăng chạy ôtô. Họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với VN trong lĩnh vực này.

Đại sứ VN tại Nam Phi Trần Duy Thi: Vào châu Phi từ Nam Phi

Nam Phi nói riêng và các nước châu Phi nói chung là thị trường mới. Đặt chân vào được thị trường Nam Phi sẽ gần như bước chân vào cả thị trường các nước lân cận như Mozambique, Namibia, Madagascar, Zambia và Zimbabwe. Muốn làm ăn với họ phải xác định lâu dài, nghiên cứu kỹ lưỡng và chắc chắn.

Do chúng ta thâm nhập thị trường Nam Phi muộn hơn so với DN của Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN nên cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Tuy nhiên, các nước châu Phi đều muốn hợp tác với VN trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, y tế, giáo dục, dạy nghề, thủy sản và khoa học - công nghệ. Tổng thống Namibia từng hỏi tôi rất nhiều về phát triển nông nghiệp và tỏ ý mong muốn các DNVN sang giúp đỡ họ để làm sao chỉ cần đạt sản lượng 3 tấn/ha lúa là họ đủ thỏa mãn nhu cầu trong nước rồi.

DNVN nên tìm hiểu pháp luật liên quan của các nước này vì pháp luật của họ rất chặt chẽ và họ rất đề cao luật pháp trong quan hệ buôn bán, làm ăn. Các DN châu Phi rất coi trọng việc trực tiếp tìm hiểu, liên hệ với nhau. Hội chợ thương mại ở VN thường đông vui, nhộn nhịp người tiêu dùng mua sắm, DN tranh thủ bán hàng. Nhưng ở Nam Phi, hội chợ hay triển lãm chủ yếu là để các DN làm quen, tìm hiểu lẫn nhau.

HƯƠNG GIANG - CẨM HÀ thực hiện

Xuất khẩu thời kỳ hội nhập WTO: Hoa Kỳ là thị trường số 1

Đồ gỗ, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường Hoa Kỳ - Ảnh: N.C.T.
Nhận định này được Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh tại tọa đàm “Tiếp cận thị trường Hoa Kỳ và Dubai thời kỳ hội nhập WTO” diễn ra ngày 29-11 tại Hà Nội.

“Là thị trường có nhu cầu tiêu dùng cao, đồng thời có 2 triệu người VN đang sinh sống, thị trường Hoa Kỳ càng trở thành tiềm năng lớn đối với các DN và hàng hóa VN” - phân tích của Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại). Bên cạnh các mặt hàng vốn đang chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu sang Hoa Kỳ như hàng dệt may, hàng công nghiệp, đồ gỗ... các loại hàng nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ cũng có nhiều tiềm năng thâm nhập thị trường này. “Gia nhập WTO, xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ thuận lợi cho những mặt hàng như quần áo may sẵn, giày dép, hàng nông sản vì chế độ hạn ngạch đã được bãi bỏ” - ông Kenji Togawa, chuyên gia cao cấp của JICA, nhận xét.

Tuy nhiên, các mặt hàng này sẽ phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ hàng Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Á khác, chưa kể những hàng rào kỹ thuật, bảo hộ sản xuất nội địa khác.



Theo tuoitre
Báo cáo phân tích thị trường