Người đứng đầu hiệp hội lẫn doanh nghiệp của một số hiệp hội như tiêu, cà phê, điều, thủy sản... đã phải tìm mọi cách, thậm chí phải bỏ tiền hay thân chinh ra nước ngoài mở rộng thị trường. Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại hạn chế xuất khẩu gạo đối với doanh nghiệp như vừa qua thì thật khó hiểu.
Các nhà xuất khẩu đều cho rằng để mặt hàng nông sản ra được nước ngoài là điều không hề giản đơn. Chưa nói đâu xa, sự kiện nước Nga tạm dừng nhập khẩu mặt hàng thủy sản Việt Nam vì liên quan đến vấn đề chất lượng sản phẩm đã khiến những người đứng đầu Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) mất ăn mất ngủ. Doanh nghiệp làm sai thì chịu hậu quả nhưng qua sự việc này, VASEP với vai trò của mình đã làm tốt vai trò “con dại cái mang”! Nhiều hành động thiết thực được đưa ra với mục đích chung nhất là phải xuất khẩu trở lại thủy sản vào Nga để doanh nghiệp cũng như người nuôi đều có lợi.
Ngay chính Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng từng tuyên bố bằng mọi giá phải mở rộng thị trường xuất khẩu mặt hàng nông sản trong tình hình khó khăn này. Không ít lần làm việc với doanh nghiệp, bộ trưởng đã khẳng định, nếu doanh nghiệp thấy cần thì đích thân bộ trưởng sẽ cùng với doanh nghiệp ra nước ngoài để mở rộng thị trường.
Trở lại cách hành xử của VFA với doanh nghiệp dưới quyền mà ở đây chính là Công ty Du lịch và thương mại Kiên Giang. Trong vụ việc này, doanh nghiệp cũng có phần thiếu sót khi dám “xé rào” quy chế điều hành của VFA. Nhưng lẽ ra với vai trò của mình, VFA phải tạo điều kiện hay gỡ khó để giúp doanh nghiệp tiêu thụ được hàng, từ đó góp phần kéo giá lúa trong nước lên chứ không nên vin vào quy chế gây thiệt hại và làm mất uy tín doanh nghiệp với nhà nhập khẩu. Chưa kể là trong quy chế điều hành còn chứa đựng một số điều chưa hợp lý, không minh bạch lẫn cảm tính trong phân bổ quota khiến doanh nghiệp chưa phục.
Có thể xuất khẩu lúa gạo lợi thế hơn các mặt hàng nông sản khác khi mỗi năm chúng ta có những hợp đồng dài hạn với số lượng lớn, điển hình như Philippines nhập tới 1,7 triệu tấn/năm nên việc tiếp xúc hay mở rộng thị trường đối với người đứng đầu VFA được xem là không cần thiết hay còn khá xa lạ. Nhưng nếu đặt giả thiết khi những thị trường nhập khẩu truyền thống có sự thay đổi thì sao? Kinh nghiệm trong xuất khẩu nông sản là không nên ỷ lại vào một số ít thị trường truyền thống mà cần phải mở rộng nhiều thị trường mới để mỗi khi có biến động, doanh nghiệp, hiệp hội dễ bề xoay xở.