Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 19-4, ông Nguyễn Hùng Linh - tổng giám đốc Công ty DLTM Kiên Giang - nói hiện 17 tàu vào nhận hàng đã có bảy tàu phải rời VN vì họ không thể kiên nhẫn chờ đợi. Các tàu còn lại đang nằm vật vờ tại cảng Sài Gòn và cảng Mỹ Thới (An Giang), khả năng họ cũng sẽ phải rời VN trong nay mai. Trong suốt buổi chiều 19-4, PV Tuổi Trẻ nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Hiệp hội Lương thực VN để tìm câu trả lời nhưng vẫn không thể gặp được ai. |
Theo ông Nguyễn Hùng Linh - tổng giám đốc Công ty Du lịch thương mại Kiên Giang (DLTMKG), số gạo 53.500 tấn này đơn vị đã ký với các đối tác và sẽ được xuất đi châu Phi và Đông Timor. Trong đó khách hàng Win Agro Pte Ltd (10.625 tấn), Grain Mineral Resources Pte Ltd (40.000 tấn) và Wee Tiong (S) Pte Ltd (2.875 tấn).Các đối tác đã mở L/C (tín dụng thư - một điều khoản ràng buộc giao hàng) và đã đưa tàu cập các bến cảng ở TP.HCM và Mỹ Thới (An Giang) để nhận hàng. Nhưng cho đến nay phía VN vẫn chưa thể giao hàng. “Vì thời hạn phải giao hàng chậm nhất trong tháng 4-2009, nên gần tháng qua chúng tôi liên tiếp gửi văn bản tới Hiệp hội Lương thực VN và các cơ quan hữu quan khẩn thiết xin “giải cứu” 53.500 tấn gạo nhưng vẫn bị... tắc” - ông Linh bức xúc.
Vướng văn bản của hiệp hội
Ông Linh cho biết trước đó khi Công ty DLTMKG đang làm thủ tục giao hàng thì đùng một cái, ngày 20-2-2009, Hiệp hội Lương thực VN ra thông báo: “Từ ngày 21-2-2009, văn phòng hiệp hội chỉ đăng ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu gạo có thời hạn giao hàng từ tháng 7 đến 9-2009”. Trong khi đó, hầu hết các hợp đồng xuất khẩu gạo của Công ty DLTMKG đều được ký kết trước khi có thông báo của hiệp hội. Cụ thể tổng số lượng hợp đồng đã ký khoảng 130.000 tấn, trong đó 53.500 tấn phải giao trong tháng 3 và 4-2009.
Vẫn theo ông Linh, đây là những khách hàng truyền thống, rất cần chữ tín để làm ăn lâu dài. Việc xuất khẩu ngưng trệ làm công ty phải chịu lãi suất ngân hàng, tàu neo đậu lâu sẽ bị phạt, kho chứa gạo đầy không thể tiếp tục mua lúa cho dân. “Phía đối tác đang dọa sẽ kiện công ty ra tòa án quốc tế vì vi phạm hợp đồng. Việc hiệp hội cho rằng chúng tôi vi phạm quy chế hợp đồng tập trung là không có cơ sở pháp lý” - ông Linh khẳng định.
Trong một văn bản ngày 30-3-2009 gửi cơ quan chức năng, Công ty DLTMKG cho rằng cách thức điều hành xuất khẩu gạo, đăng ký hợp đồng xuất khẩu của chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN là chưa công khai, chưa công bằng đối với các DN xuất khẩu gạo.
Có chỉ đạo vẫn chưa thể xuất
Trước nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xuất khẩu gạo cũng như việc thu mua lương thực trong dân, đích thân ông Trương Quốc Tuấn - bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang - đã ra Hà Nội báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin “giải cứu” số gạo này. Và Thủ tướng đã chỉ đạo Hiệp hội Lương thực VN phải cho Kiên Giang xuất ngay 53.500 tấn gạo đã ký.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 16-4, Hiệp hội Lương thực VN đã có công văn thông báo cho xuất 10.000 tấn, và chiều cùng ngày lại tiếp tục có văn bản cho xuất tiếp 43.500 tấn còn lại. Tuy nhiên, trong công văn này lại kèm theo điều kiện: Công ty DLTMKG phải phân ủy thác 30% số lượng hợp đồng cho các đơn vị ở các tỉnh sản xuất lúa hàng hóa tham gia thực hiện. Và phải có văn bản cam kết các hợp đồng trên xếp hàng tại cảng Sài Gòn (TP.HCM) và không dỡ hàng tại cảng của Malaysia, để tránh cạnh tranh phá giá, ảnh hưởng đến giao dịch và ký kết hợp đồng tập trung của Chính phủ với đối tác Malaysia.
Phản ứng với hai điều kiện trên, ngày 17-4, Công ty DLTMKG cho rằng hiệp hội đang làm khó và công ty vẫn không thể xuất hàng được. Lý do, theo ông Linh, là vì công ty ký hợp đồng xuất khẩu gạo với thương nhân Singapore trên cơ sở giá FOB, tức là giao hàng qua lan can tàu tại cảng xếp hàng của VN là hết trách nhiệm. Còn việc người mua thuê tàu vận chuyển hàng đến cảng của nước nào công ty hoàn toàn không có quyền can thiệp. “Công ty không thể ký cam kết như hiệp hội yêu cầu. Sau khi ký hợp đồng, chúng tôi đã triển khai thu mua lúa gạo của nông dân (hiện công ty còn tồn kho 100.000 tấn) và tiến hành dệt bao bì, đóng gói giao hàng ra cảng nên cũng không thể phân chia 30% số lượng hợp đồng đã ký cho các doanh nghiệp của tỉnh khác” - ông Linh nói.