Mua gạo giá cao có kích được giá lúa?
|
Việc mua gạo của doanh nghiệp chỉ dừng lại ở các nhà máy xay xát, còn nông dân vẫn phụ thuộc thương lái nên rất ít hộ bán được giá lúa 3.800đ/kg. Ảnh minh hoạ: H.B |
Ông Nguyễn Thọ Trí, phó chủ tịch VFA cho biết, mục đích của đợt mua dự trữ lần này vừa nhằm không tạo áp lực làm giảm giá lúa gạo trong nước, vừa tránh nước ngoài ép giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Giá mua sẽ tuỳ theo phẩm chất từng loại lúa gạo (đảm bảo cho nhu cầu chế biến xuất khẩu) nhưng không thấp hơn giá sàn quy định là 3.800đ/kg lúa (đã qua phơi sấy, độ ẩm bình quân 17%). Mức giá 3.800đ/kg dựa trên kết quả điều tra giá thành sản xuất lúa vụ hè thu của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh ĐBSCL, được bộ Tài chính thống kê, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. “Chi phí sản xuất lúa trung bình là 2.900đ/kg, mức giá mà VFA đưa ra đảm bảo nông dân có lời tối thiểu 30%", ông Trí nói.
Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, rất ít nông dân bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp, mà phải qua thương lái, nhà máy xay xát. Doanh nghiệp mua gạo dự trữ phải qua tầng lớp trung gian (nhà máy xay xát, hàng xáo), nên cho dù VFA có định hướng giá mua gạo để đảm bảo quy đổi ra giá lúa 3.800đ/kg thì mức giá này cũng khó đến tay nông dân. Một thương lái có thể xuống tận ruộng mua lúa tươi, hoặc vào nhà mua lúa khô, nhưng trước viễn cảnh thị trường xuất khẩu ế ẩm hiện nay, họ không dại gì đẩy giá mua lúa lên cao.
Chính vì vậy, đợt mua dự trữ gạo hồi tháng 8, mặc dù doanh nghiệp tổ chức rầm rộ, đồng loạt ở hầu hết địa phương, nhưng do việc mua gạo chỉ dừng lại ở các nhà máy xay xát, còn nông dân vẫn phụ thuộc thương lái nên rất ít hộ bán được giá lúa 3.800đ/kg như kỳ vọng của VFA. Đại diện VFA thừa nhận, việc kiểm soát giá lúa giữa nông dân và thương lái nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cố gắng mua gạo giá cao để nâng giá lúa lên, chứ không thể tổ chức mua lúa trực tiếp cho nông dân.
Chủ động tồn kho chờ giá lên
Hiện nay, lượng gạo tồn trong kho của các doanh nghiệp khá lớn, khoảng 1,6 triệu tấn. Nếu mua thêm 500 ngàn tấn, gạo trong kho doanh nghiệp sẽ lên tới 2,1 triệu tấn, trong đó mới chỉ có 941.000 tấn ký được hợp đồng xuất khẩu, chờ giao cho khách hàng. VFA cho rằng, lượng gạo tồn kho này nằm trong kế hoạch xuất khẩu của doanh nghiệp, chứ không bị động như những năm trước đây; do việc ký hợp đồng xuất khẩu từ nay đến cuối năm cho số gạo này không phải là vấn đề lớn. Theo phân tích, thị trường gạo thế giới tuy đang trầm lắng, nhưng vào khoảng tháng 11 năm nay sẽ có những phát sinh lớn về nhu cầu, không loại trừ chúng ta sẽ bán được gạo với giá cao. Cơ sở của nhận định này là hiện nay, nhiều nước châu Phi có nhu cầu lớn về gạo nhưng lại thiếu tiền. Vài tháng tới, khi họ không thể cầm cự được nữa, chắc chắn thế giới sẽ phải có những biện pháp hỗ trợ để chính phủ các nước này có tiền mua gạo. Bên cạnh đó, kho gạo dự trữ của nhiều nước tiêu thụ gạo đang cạn dần. Và khoảng cuối năm nay, những nước này sẽ phải mua thêm gạo dự trữ mới.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, áp lực hạ giá xuất khẩu gạo để đẩy hết số gạo tồn kho lúc này là không cần thiết, vì điều này có thể tạo điều kiện cho khách hàng tìm cớ để đòi giảm giá, thậm chí huỷ bỏ những hợp đồng đã ký giá cao trước đây nhưng chưa đến ngày giao hàng. Do đó, giá sàn xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Namvẫn được thống nhất giữ ở mức 400 USD/tấn, gạo 15% tấm là 360 USD/tấn và gạo 25% tấm là 350 USD/tấn.