Thông tin trên được Hiệp hội Lương thực VN thông báo trong cuộc họp báo ngày 9-9 về tình hình thu mua lúa gạo trong nước cũng như xuất khẩu.
Dù được mùa nhưng giá lúa thấp, có nơi chỉ 2.600 đồng - 3.000 đồng/kg nên nông dân vẫn chưa có lãi nhiều.
Trong ảnh: Thu hoạch lúa hè thu ở huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: NG.TRINH
Giá gạo thế giới sẽ tăng từ tháng 11
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực VN, tính đến hết tháng 8, các thành viên của hiệp hội đã thu mua lúa vụ hè thu được 490.841 tấn gạo (kế hoạch là 400.000 tấn). Vụ lúa hè thu tại các tỉnh ĐBSCL cơ bản đã thu hoạch xong với sản lượng 4 triệu tấn lúa (tương đương 2 triệu tấn gạo). Do giá lúa hiện vẫn ở mức thấp, thương lái thu mua tại ruộng (lúa ướt, độ ẩm cao và chất lượng kém) có nơi chỉ ở mức 2.600 đồng- 3.000 đồng/kg nên hiệp hội sẽ chủ động thu mua thêm đợt 2 với giá tối thiểu từ 3.800 đồng/kg lúa để kéo giá lúa tăng lên. Theo tính toán, giá thành sản xuất lúa vụ hè thu là 2.950 đồng/kg, nếu thu mua với giá 3.800 đồng/kg thì sẽ bảo đảm nông dân có lãi 30%.
Hiện các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội tồn kho tổng cộng khoảng 1,6 triệu tấn gạo, với lượng lúa thu mua đợt 2 tương đương thêm 500.000 tấn gạo thì lượng tồn kho sẽ lên 2,1 triệu tấn gạo. Tình hình giao dịch mua bán gạo trên thế giới đang rơi vào thời kỳ trầm lắng. Tuy nhiên, nhận định của hiệp hội là từ tháng 11 tới giá gạo thế giới sẽ tăng trở lại.
Bán phá giá sẽ bị xử lý nghiêm
Tình trạng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo chào bán với giá thấp vẫn đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến giá lúa gạo trong nước. Cùng kỳ này năm ngoái, đã có hợp đồng xuất khẩu tập trung sang thị trường Malaysia lên đến 200.000 tấn nhưng từ đầu năm đến nay không xuất được hạt nào sang thị trường này. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp chào bán với giá chỉ có 360 USD/tấn gạo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ký hợp đồng tập trung với giá tốt. Tương tự, với thị trường Philippines đáng lẽ cách đây 3 tháng đã gút được hợp đồng lên đến 700.000 tấn với giá tốt nhưng có đến 7 doanh nghiệp chào bán phá giá tại thị trường này (họ đã xuất bán khoảng 300.000 tấn với giá thấp). Nếu không có tình trạng bán phá giá thì giá lúa gạo trong nước sẽ ở mức cao chứ không giảm liên tục như thời gian qua.
Theo hiệp hội, những doanh nghiệp bán phá giá sẽ bị công bố danh tánh và bị cấm xuất khẩu gạo trong vòng một năm. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ có biện pháp mạnh hơn.
Ông Nguyễn Thọ Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, cho biết việc thu mua lúa gạo dự trữ đợt 2 ngoài việc không để tư thương ép giá nông dân còn nhằm thu mua hết lúa gạo, không để các doanh nghiệp làm ăn chụp giựt có cơ hội gom hàng chào bán giá thấp khi xuất khẩu. Chủ trương của hiệp hội là giữ giá gạo xuất khẩu khoảng 400 USD/tấn, không chấp nhận giảm giá.
Khó thu hộ thuế thu nhập cá nhân khi người dân bán lúa Các doanh nghiệp tham gia thu mua lúa gạo đang lo lắng trước thông báo của cơ quan thuế ở TP Cần Thơ và các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang là từ ngày 1-10, các đơn vị thu mua lúa trong dân phải thu hộ thuế thu nhập cá nhân khi người dân bán lúa để giao nộp cho cơ quan thuế, nếu doanh nghiệp nào không thu hộ sẽ phải tự bỏ tiền ra nộp thay. Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, điều này rất dễ dẫn đến việc người dân không bán lúa cho doanh nghiệp mà bán cho thương lái để được lợi hơn. Hiệp hội Lương thực VN đang kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét vấn đề này để tìm ra giải pháp tốt nhất.
|