Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Tạm" cũng cần... ổn định
10 | 12 | 2010
Việc thực hiện giải pháp tạm trữ nông sản nếu được triển khai nghiêm túc và kịp thời thì hoàn toàn đáp ứng được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra. Đó là đảm bảo có lãi cho nông dân

Khi vào chính vụ thu hoạch, giá lúa, cá, muối, cà phê… giảm liên tục và xuống rất thấp, nông dân gặp khó và khả năng lỗ đã trong tầm tay. Chính phủ lập tức chỉ đạo hỗ trợ bằng cách cho doanh nghiệp vay vốn và bù 100% lãi vay ngân hàng để doanh nghiệp mua tạm trữ nông sản của nông dân để đảm bảo nông dân có lãi từ 30% trở lên.

Lẽ ra giải pháp này sẽ mang lại niềm vui lớn cho nông dân. Vậy mà thực tế nông dân lại chẳng vui. Vì hầu hết bà con chưa được hưởng lợi từ chính sách của Chính phủ giành cho mình. Tạm trữ hiện nay dường như vẫn chỉ mang tính tạm thời - đúng với ý nghĩa của chữ tạm mà thôi. Chứ chưa đạt được mục tiêu gỡ khó kịp thời và tiến tới hỗ trợ nông dân thật sự để phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững như kỳ vọng.

Thực tế trong sản xuất, nhiều loại nông sản lâu nay khi vào vụ thu hoạch hoặc thậm chí trước đó nữa, người sản xuất đã phải bán sản phẩm ngay để có tiền chi phí cho đời sống và trang trải các món nợ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ đầu vụ nay đã đến hạn trả, rồi lại cả nhân công thu hoạch. Trong khi đó, thời gian là quá lâu từ khi chính sách thu mua tạm trữ được ban hành rồi triển khai đến ngân hàng, doanh nghiệp, địa phương để đến người nông dân khi nông sản đang ứ đọng.

Rất nhiều trường hợp khi chính sách đến tới đồng ruộng thì bà con đã bán gần hết nông sản từ trước đó với giá rất thấp. Và trong nhiều trường hợp, nếu doanh nghiệp muốn thì có thể dễ dàng sử dụng khoản tiền được hỗ trợ để áp dụng cho lượng nông sản đã được mua bằng cách này hay cách khác trước đó mà vẫn kê khai vào mục mua tạm trữ của nông dân.

Căn cứ để tính giá thành sản xuất, giá sàn thu mua để từ đó tính được 30% lãi cho người sản xuất như quy định của Chính phủ cũng chưa được xác định thống nhất. Thật ra, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cách tính giá thành chung cho lúa gạo. Từ đó mỗi địa phương sẽ tính toán cụ thể. Thế nhưng thực tế, do không thống nhất về số liệu tính toán ban đầu ở mỗi địa phương cho mỗi loại nông sản, nên doanh nghiệp chỉ mua tạm trữ với giá bảo đảm hiệu quả kinh doanh của mình mà không tính đến người sản xuất. Như vậy mục tiêu hỗ trợ nông dân cũng không đạt được.

Từ thực tế thu mua tạm trữ, đa số người sản xuất đều cho rằng việc thực hiện mua tạm trữ nên được công bố và áp dụng ngay từ đầu vụ thu hoạch. Tránh để đến lúc lượng nông sản tồn đọng quá lớn và giá cả xuống thấp mới thực hiện. Có như vậy, người sản xuất mới chủ động trong tiêu thụ sản phẩm và doanh nghiệp thì chủ động để quyết định hoạt động kinh doanh của mình.

Một yêu cầu quan trọng khác là phải có giá sàn thu mua tạm trữ để đảm bảo sự hỗ trợ mang lại hiệu quả thật sự. Khi có quy định giá sàn thì hạn chế được việc doanh nghiệp trì hoãn mua tạm trữ. Và khi có giá sàn thì trong trường hợp giá thị trường xuống thấp nông dân vẫn được bảo đảm để có thể bù đắp được các chi phí sản xuất tối thiểu. Và muốn bảo đảm để nông dân có lãi 30% trở lên như chỉ đạo của Chính phủ, phải có căn cứ tính giá thành một cách thống nhất cho mỗi loại nông sản ở những địa bàn tương tự nhau. Tránh tình trạng bất đồng ý kiến như đang xảy ra trong nhiều trường hợp khiến việc thu mua không mang lại hiệu quả hỗ trợ nông dân.

Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn nhiều khó khăn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thông tin, thị trường, thời tiết, việc hỗ trợ tạm trữ nông sản là một giải pháp cần thiết, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với người sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, những giải pháp “tạm” này nếu được triển khai nghiêm túc và kịp thời thì hoàn toàn đáp ứng được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra. Đó là đảm bảo có lãi cho nông dân.

Để chương trình hỗ trợ tạm trữ đến tận tay người nông dân và mang lại hiệu quả thật sự, việc hỗ trợ nên thực hiện trực tiếp cho người sản xuất - người nông dân. Để khuyến khích nông dân phát triển sản xuất một cách ổn định và bền vững, cần hỗ trợ trực tiếp một cách thiết thực hơn và bằng nhiều cách hợp lý khác nhau. Như hỗ trợ nguồn vốn vay cho sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao, hỗ trợ thông tin và dự báo thị trường kịp thời... Những hỗ trợ này mang lại hiệu quả cao mà không hề trái các cam kết với các tổ chức kinh tế quốc tế mà nước ta tham gia.



Theo Báo TNVN
Báo cáo phân tích thị trường