Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chợ tạm Hà Nội: Buồn hiu ngày giáp Tết!
20 | 01 | 2009
Năm 2008, hơn một ngàn tiểu thương của ba chợ: chợ Mơ, chợ Hàng Da và chợ 19.12 được chuyển sang hai khu chợ tạm để xây dựng lại chợ thành trung tâm thương mại. Nhưng chợ tạm cũng có nhiều vấn đề phải bàn...

Chợ tạm là chợ… tạm bợ?

Đa số bà con đang kinh doanh tại hai khu vực chợ tạm định nghĩa: “Chợ tạm là chợ tạm bợ!” Có quá nhiều khó khăn mà các hộ kinh doanh phải đối mặt nảy sinh từ việc lựa chọn địa điểm chuyển chợ.

Tại phố Phùng Hưng, giờ có tên mới là phố chợ tạm, có những hộ kinh doanh bán được không quá 50.000 đồng mỗi ngày! Nguyên nhân Phùng Hưng vốn là con đường một chiều, rất bất tiện cho người mua, kẻ bán. Chị Trần Thị Nhung, chủ ki-ốt đồ khô khu chợ tạm chợ Hàng Da kể: “Đường một chiều, nên khách muốn đi bộ và ngó nghiêng hàng thoải mái khó lắm vì luôn có còi xe đằng sau. Người ta ghé một hai lần là ngại chẳng muốn quay lại, chứ đừng nói mua”. Và thế là khách quen vốn đã mất khi đổi địa điểm kinh doanh, lại mất thêm đáng kể.

Anh Hùng, chủ ki-ốt bán rượu Hùng Ánh thuộc chợ 19.12 phàn nàn: trước kia, rượu bán lẻ một ngày, cửa hàng anh tiêu thụ được vài chục chai, nhất là dịp lễ tết. Nhưng từ khi về ở đây, doanh thu nhà anh chỉ còn trông chờ vào mối quen lấy nhiều. “Mình còn phải thêm cả dịch vụ đưa hàng tận nơi cho người ta để giữ mối, chứ không thì chết! Chợ có lối đi bé, trong khi xe thì nhiều, bước một bước là sang vỉa hè, ki-ốt bán hàng cũng chật chội, bảo sao khách người ta chẳng chán”, anh Hùng nói.

Ông Nguyễn Văn Phòng, trưởng ban quản lý (BQL) chợ Hàng Da, cho biết mọi vấn đề bức xúc của các hộ kinh doanh đều được BQL chợ đang tìm cách khắc phục. Nhưng theo ông Phòng, “địa điểm dựng chợ đã được lựa chọn, thành phố cũng đã xây dựng ki-ốt, ổn định kinh doanh cho bà con, vì thế bà con nên hợp tác khắc phục khó khăn với thành phố”.

“Tưởng Tết sẽ khá hơn, ai dè…”

Bà Lê Hương Mai, 56 tuổi, người đã kinh doanh rau quả ở chợ 19.12 gần 15 năm ngán ngẩm thở dài. Bà cũng như mọi tiểu thương mong Tết là dịp để bán được nhiều hàng, nhưng thực tế khó khăn chung của nền kinh tế, và tình cảnh chợ tạm đã khiến Tết ở đây buồn hơn khu chợ nào.

Ngày 23 tháng chạp tiễn ông Táo thường là ngày nhộn nhịp chợ búa. Nhưng ở những khu chợ tạm này, không khí chẳng khác mấy ngày thường. “Khách mua quen ở chợ Đồng Xuân, chợ đầu mối Long Biên rồi, người ta chẳng ra đây mua hàng”, bà Mai tâm sự. Những thứ tưởng bán chạy ngày này như đồ vàng mã, bánh chưng, giò chả cũng ế ẩm, thỉnh thoảng mới có người ghé mua. Khá nhiều hộ kinh doanh tại hai khu chợ tạm sau mấy tháng làm ăn ì ạch, đã lựa chọn giải pháp… đóng cửa hàng, thậm chí trả lại mặt bằng cho BQL để xoay hướng làm ăn khác.

Ông Hùng, chủ quán nước lọt thỏm giữa những cửa hàng chim, cá cảnh nổi tiếng của chợ Hàng Da nói: “Tôi hiểu phá sản là kinh doanh không có lãi, và nợ nần không trả được. Mà nếu đúng thế, từ hồi chuyển ra khu chợ tạm này, ở đây nhiều người rơi vào hoàn cảnh đó lắm”.

Người kinh doanh buôn bán nhỏ vẫn chờ đợi ở BQL chợ sẽ tìm ra giải pháp khắc phục. Nhưng dường như điều này sẽ chẳng dễ dàng, bởi đường một chiều thì khó mà chuyển thành hai chiều, mà trung tâm thương mại được hứa hẹn thì cũng chưa làm xong phần móng. Đã đến lúc thành phố Hà Nội và các BQL chợ cần có ý thức đúng đắn hơn về vấn đề lựa chọn điểm đặt chợ tạm. Bài học của chợ Thượng Đình, quận Thanh Xuân vẫn đang diễn ra. Chợ xây xong khang trang sạch đẹp, nhưng chẳng có ai chịu vào thuê ki-ốt.

Phùng Hưng và Kim Ngưu vẫn là những con phố nhộn nhịp. Nhưng người ta cũng chỉ vút qua, không mấy ai đoái hoài tới những hộ kinh doanh đang thấp thỏm với cuộc mưu sinh ngày cuối năm trong cái kiếp chợ tạm buồn hiu.



Nguồn: www.doanhnghiep24g.vn
Báo cáo phân tích thị trường