Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bài học đắt giá trong hội nhập quốc tế
20 | 01 | 2009
Trung Quốc hiện có lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, khoảng 1800 tỷ USD. Đây là thắng lợi của chính sách đẩy mạnh xuất khẩu Trung Quốc thực thi trong nhiều năm qua. Dĩ nhiên tình hình xuất siêu quá lớn của Trung Quốc đã ảnh hưởng xấu tới lợi ích thương mại của nhiều nước khác, nhất là Mỹ, và họ đều kêu gọi Trung Quốc giảm xuất khẩu, tăng nhập khẩu. Trung Quốc cũng đã chú ý tới các yêu cầu đó song việc giảm xuất siêu tiến triển rất chậm.

Có nhiều dự trữ ngoại tệ tuy là điều rất đáng mừng song cũng gây ra nỗi lo cho chính phủ Trung Quốc, vì nếu không xử lý tốt số ngoại tệ khó nhọc mới kiếm được này thì rất có thể sẽ xảy ra kết cục “của thiên trả địa”, nhất là trong tình hình khủng hoảng tài chính toàn cầu có nhiều nhân tố chưa xác định và lắm rủi ro bất ngờ như hiện nay.

Biện pháp gìn giữ và tăng giá trị lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ

Cho dù tháng 9 năm nay nước Mỹ bùng phát cơn bão tài chính, chính phủ Trung Quốc vẫn chủ trương tăng mua trái phiếu của chính phủ Mỹ: lượng mua trong tháng 10 tăng 11,2% so tháng 9; tính đến cuối 10-2008 Trung Quốc đã mua cả thảy 652,9 tỷ USD công trái Mỹ. Số công trái mua thêm chủ yếu là loại ngắn hạn, Mặt khác, nhà nước Trung Quốc ra sức khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.

Các nhà kinh tế Trung Quốc có những ý kiến khác nhau về chủ trương giữ nhiều công trái Mỹ trong tình hình khủng hoảng tài chính nước sôi lửa bỏng hiện nay. Một số người cho rằng việc tăng mua công trái Mỹ sẽ làm cho rủi ro đầu tư trở nên quá tập trung, có thể bất lợi cho việc tăng giá trị của lượng ngoại tệ dự trữ.

Một số người lại cho rằng công trái do chính phủ Mỹ phát hành có mức tin cậy tốt nhất. “Chưa có mặt hàng nào tốt hơn công trái Mỹ”  và “Không riêng Trung Quốc mà các nguồn vốn khác trên thế giới cũng chuyển sang đầu tư vào công trái Mỹ” – một nhà phân tích chứng khoán Trung Quốc nói. Đồng đô-la Mỹ hiện chiếm 60-70% lượng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc. Giáo sư Lục Lỗi ở Học viện Tài chính Quảng Đông cho rằng nếu lúc này Trung Quốc lại bán tháo công trái Mỹ thì đồng USD sẽ bị sụt giá, khiến niềm tin của thị trường bị chao đảo, không có lợi cho Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không tăng mua công trái Mỹ thì Mỹ buộc phải tăng lãi suất của số công trái sắp phát hành (nhằm lấy tiền cứu thị trường) và như vậy thì giá trị số công trái Mỹ do Trung Quốc nắm giữ sẽ bị giảm sút.

Nhằm tăng cường tìm kiếm các khả năng tăng giá trị của lượng dự trữ ngoại tệ, tháng 9-2007 chính phủ Trung Quốc đã thành lập Công ty Đầu tư Trung Quốc (China Investment Corp.), được cấp vốn ban đầu 200 tỷ USD (vào loại lớn nhất thế giới) lấy từ nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia. Ban lãnh đạo công ty này gồm 11 vị, trong đó có đại diện của chính phủ (một thứ trưởng Bộ Tài chính), Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức ngân hàng nhà nước; phó Thống đốc), Bộ Thương mại, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (Cục trưởng). Công ty Đầu tư Trung Quốc hoạt động theo cơ chế tách rời doanh nghiệp với chính quyền, tự chủ kinh doanh, thương mại hóa. Trước mắt công ty này sẽ chủ yếu đầu tư vào các sản phẩm tài chính ở nước ngoài. Tuy hành động rất thận trọng nhưng do nhiều nguyên nhân, một số vụ đầu tư vừa qua của Công ty Đầu tư Trung Quốc đã bị thua lỗ nặng.

Đồng thời một số công ty Trung Quốc kể cả quốc doanh và dân lập đã ra nước ngoài mạnh dạn đầu tư trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản ... chủ yếu là mua cổ phần của các công ty nước ngoài. Với chiến thuật biển người, các công ty này đã ồ ạt xông vào các thị trường nước ngoài tìm mua tài sản có thể mua được, kể cả tuyển mộ các chuyên gia tài chính nước ngoài bị mất việc hoặc giảm lương trong đợt khủng hoảng tài chính hiện nay.

“Học phí” quá đắt !

Các hoạt động nói trên trong thời gian qua đã không mang lại kết quả mong muốn, tới mức làm các công ty Trung Quốc đều co lại hoặc đình chỉ nghiệp vụ đầu tư vào thị trường tài chính ở nước ngoài. Báo “Chứng khoán Trung Quốc” ngày 19-12 cho biết: trong việc mua các tài sản ở nước ngoài, Trung Quốc đã bị thiệt hại tổng cộng 200 tỷ CNY (tức Nhân dân tệ viết theo tiếng Anh).

Ngày 3-12 vừa qua ông Lầu Kế Vĩ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Đầu tư Trung Quốc cho biết công ty này bị thiệt hại 6 tỷ USD trong vụ đầu tư vào hai tập đoàn Morgan Stanley và Blackstone. Công ty bảo hiểm tư nhân “Trung Quốc Bình An” lớn thứ nhì Trung Quốc (chỉ sau công ty bảo hiểm của Nhà nước) được đánh giá là kinh doanh rất giỏi, vừa qua bị mất trắng 17,7 tỷ CNY  trong vụ mua cổ phiếu của công ty Phú Thông, tức Fortis của Bỉ, do cổ phiếu Fortis sụt giá mạnh trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Cuối cùng Bình An buộc phải hủy bỏ ý định mua lại Fortis. Quỹ Nam Phương tháng 9-2007 phát hành cổ phiếu QDII (Qualified Domestic Institutional Investor) bị lỗ 60 tỷ CNY.

Phần lớn các vụ doanh nghiệp Trung Quốc mua cổ phần của công ty nước ngoài đều có nhiều rủi ro cao và bất ngờ, tưởng là thắng lớn, ai ngờ cuối cùng lỗ to. Xin nêu một thí dụ điển hình là vụ giao dịch của ngành khoáng sản. Công nghiệp luyện thép Trung Quốc có năng lực sản xuất 600 triệu tấn/năm, lớn nhất thế giới nhưng Trung Quốc lại chỉ tự túc được chưa đến 50% nhu cầu quặng sắt, vì thế ngành thép Trung Quốc rất quan tâm tìm nguồn cung cấp ổn định. Nhằm mục đích đó, năm ngoái Công ty Nhôm Trung Quốc Chinalco (quốc doanh) lên kế hoạch mua lại 19,9% cổ phần của công ty Rio Tinto, một đại gia khoáng sản ở Australia đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Anh Quốc. Cuối tháng 8 năm nay chính phủ Australia phê chuẩn vụ giao dịch này, nhưng chỉ cho Chinalco được sở hữu nhiều nhất 14,99% cổ phần của Rio Tinto Anh Quốc, song dù sao như vậy Chinalco cũng đạt được mục đích trở thành cổ đông lớn nhất của Rio Tinto. Phía Trung Quốc tỏ ý cảm ơn chính phủ Australia và hứa sẽ làm đúng như vậy, đồng thời cam kết sẽ không cử người vào Hội đồng Quản trị Rio Tinto Anh Quốc hoặc Rio Tinto.

Vụ giao dịch nói trên đã gây khó khăn cho việc thực thi một dự án quan trọng của BHP Billiton Ltd., đại gia lớn nhất toàn cầu ngành khoáng sản. Từ tháng 11-2007, khi giá quặng sắt trên thế giới đang tăng thì Billiton đề xuất yêu cầu mua lại Rio Tinto để hợp nhất thành một công ty khổng lồ. Billiton đề nghị với Rio Tinto là cứ 3 cổ phiếu Billiton đổi 1 cổ phiếu Rio Tinto; nhưng vì chê trả rẻ nên Rio Tinto chưa đồng ý mà tiếp tục đàm phán. Ý đồ bành trướng của Billiton bị một số nước phản đối, vì cho rằng như vậy sẽ dẫn đến sự tăng giá quặng sắt. Là nước “đói” quặng nhất thế giới nên Trung Quốc càng phản đối mạnh, vì vậy Công ty Đầu tư Trung Quốc đã chủ trương cho Chinalco mua thêm cổ phần của Rio Tinto.

Nhưng do nóng lòng ngăn cản ý đồ bành trướng của Billiton mà Chinalco đã vội vã mua cổ phiếu của Rio Tinto với giá quá cao (vì lúc ấy quặng sắt đang tăng giá). Ngày 25-11-2008, Billiton tuyên bố bỏ ý định mua lại Rio Tinto, chủ yếu vì họ thấy trong tình hình thị trường quặng sắt nửa cuối năm 2008 sa sút nhanh, cung lớn hơn cầu, giá cổ phiếu của hai đại gia này sụt mạnh thì dự án mua Rio Tinto sẽ không mang lại lợi ích cho các cổ đông.

Phía Trung Quốc hoan nghênh tin này, cho rằng như thế sẽ giảm được sức ép mang lại cho ngành thép Trung Quốc đang phải giảm sản xuất vì khủng hoảng tài chính. Song quyết định của Billiton đã làm cho nhà tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới là Trung Quốc bị hớ một vố đáng kể; bởi thế báo “Chứng khoán Trung Quốc” cho rằng phía Trung Quốc đã phải trả một khoản “học phí” trị giá 90 tỷ CNY trong các giao dịch nói trên.

Dự án hợp nhất Billiton với Rio Tinto tung ra vào lúc giá quặng sắt đang tăng lên, tin ấy làm cho thị trường càng dự đoán giá quặng sẽ còn lên nữa. Đúng lúc đó Trung Quốc vội vã mua 90 triệu tấn quặng sắt. Sau đó giá quặng từ mức 1800 CNY/tấn nhanh chóng hạ xuống, mỗi tấn bớt 300-500 CNY. Hậu quả làm Trung Quốc bị thiệt hơn 35 tỷ CNY. Đồng thời, vì để ngăn cản dự án hợp nhất hai đại gia nói trên, Chinalco đã đầu tư mạnh vào Rio Tinto nhằm giành quyền tham gia quyết định có để cho Rio Tinto bị Billiton thôn tính hay không. Chinalco mua cổ phần của Rio Tinto khi công ty này đang cao giá, nhưng sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính thì giá cổ phiếu Rio Tinto từ 60 bảng Anh rớt xuống còn 15 bảng. Khoản đầu tư của Chinalco là 14 tỷ USD, kết cục bị lỗ 8 tỷ USD, tương đương 54,4 tỷ CNY. Tổng cộng hai khoản thua thiệt trên là 89,4 tỷ CNY, một khoản “học phí” quá lớn khiến các công ty Trung Quốc đều đau xót thấy mình còn quá thiếu kinh nghiệm trên thương trường.

Bài học

Các nhà phân tích kinh tế cho rằng qua vụ này Trung Quốc có thể rút được ít nhất 3 bài học. Thứ nhất, dùng tư duy của nhà sản xuất-chế tạo để ứng phó với tư duy chiến lược của tư bản tài chính thì rất khó có thể thắng. Phương thức tư duy của nhà sản xuất là một kiểu quan điểm mua bán – cần gì mua nấy, như cần quặng sắt thì mua quặng sắt. Kết cục là Trung Quốc mua thứ gì cũng đắt, bán thứ gì cũng rẻ, ngược lại với tư bản tài chính.

Thứ hai, bảo đảm an toàn cho sản xuất là cần thiết song phải không được vượt quá mức giá thành nhất định; bảo đảm an toàn sản xuất với bất cứ giá nào là một quan điểm sai lầm. Công nghiệp thép Trung Quốc có năng lực sản xuất lớn nhưng chỉ tự cung được chưa đến 50% nhu cầu quặng sắt, cho nên Trung Quốc ở vào thế yếu khi đàm phán về chiến lược tài nguyên, do đó rất dễ bị ép mua đắt bán rẻ. Khi đầu tư vào Rio Tinto, Chinalco đã bị ép mua cổ phiếu giá quá cao.

Thứ ba, ngành thép Trung Quốc cần thống nhất thành một khối hoàn chỉnh đại diện cho lợi ích quốc gia; nếu không thì Trung Quốc chỉ ở vào thế yếu trong đàm phán với các đại gia ngành khoáng sản. Hiện nay các xí nghiệp thép dân doanh chiếm 60% sản lượng ngành thép Trung Quốc; khi quặng sắt lên giá, các xí nghiệp dân doanh đều nhanh chóng giảm sản lượng, cuối cùng giảm tới 50%, làm cho Trung Quốc không còn nhu cầu mua 300 triệu tấn quặng nữa. Việc hai khối xí nghiệp quốc doanh và dân doanh không phối hợp với nhau đã gây khó khăn trong đàm phán với nước ngoài.

Sau mấy vụ giao dịch thua lỗ nói trên hiện nay giới đầu tư Trung Quốc hầu như đã đình chỉ việc mua các tài sản tài chính (như cổ phiếu) mà chỉ chú trọng mua tài sản có tính vật chất (tài nguyên).



Nguồn: www.doanhnghiep24g.vn
Báo cáo phân tích thị trường