Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế Việt Nam 2009: Tin tưởng trong hy vọng
19 | 01 | 2009
Mở đầu cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là sự sụp đổ của thị trường bất động sản Mỹ đã kéo theo sự đổ vỡ của cả hệ thống ngân hàng và lan truyền ra thế giới. Giá cả biến động từng ngày và không thể kiểm soát…

Không biết từ bao giờ, cứ đến độ 23 tháng chạp, ngày ông Táo chầu trời là mỗi người Việt Nam lại bình tĩnh ngồi kiểm lại thành quả sau một năm lao động cật lực để rồi sau đó, tạm gác mọi toan tính cho lòng thanh thản đón một mùa xuân mới.

Nhưng năm nay, điều đó có vẻ đã không còn chính xác khi trên gương mặt của mỗi người dù đi lễ ở chùa, lăng miếu hay đang du ngoạn trên các di tích văn hoá, lịch sử hình như đều phảng phất một suy tư, một bài toán, một phương án về kinh tế còn đang chờ thực hiện.

Vượt qua thử thách ban đầu

Năm 2008, kinh tế thế giới đã trải qua những biến động lớn với những khó khăn chồng chất. Mở đầu cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là sự sụp đổ của thị trường bất động sản Mỹ đã kéo theo sự đổ vỡ của cả hệ thống ngân hàng và lan truyền ra thế giới. Giá cả biến động từng ngày và không thể kiểm soát, đặc biệt là dầu mỏ và lương thực.

Đối với Việt Nam, khó khăn càng tăng lên gấp bội khi vừa bước vào những năm đầu hội nhập với nền kinh tế thế giới. Chúng ta thiếu đủ thứ từ tiềm lực tài chính cho đến kinh nghiệm.

Thế nhưng, bằng những chính sách đúng đắn và hợp lý của Chính phủ, bằng sự nỗ lực của các doanh nghiệp, bằng sự quyết tâm, ủng hộ, sẻ chia của nhân dân, đất nước ta đã bước đầu vượt qua những thử thách cam go dù con đường còn rất dài, rất gian nan đang chờ ở phía trước.

Bài toán cho 6 tỉ USD kích cầu

Thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái trầm trọng không kém giai đoạn khủng hoảng kinh tế những năm 1929 - 1933 đã tác động không nhỏ đến cuộc sống của hàng tỷ người trên hành tinh chúng ta.

Kinh tế mỗi gia đình, doanh nghiệp đến các quốc gia và vùng lãnh thổ đều phải tính ngắn, tính dài để có biện pháp tối ưu nhất nhằm đối phó với những nguy cơ đã lộ diện cũng như còn tiềm ẩn.

Những nguy cơ rình rập, đe dọa đến sự ổn định của thế giới có thể ập tới bất cứ lúc nào như: nạn đói, thất nghiệp, thiên tai, dịch họa, ô nhiễm môi trường... tất cả đều đứng trước nguy cơ gia tăng vượt tầm kiểm soát.

Chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước đang tập trung mọi nguồn lực tài chính để vực dậy nền kinh tế của chính quốc gia mình bằng nhiều biện pháp.

Việt Nam chúng ta đã và đang đồng hành cùng thế giới trong cuộc chiến cam go này. Trong đó, có gói kích cầu 6 tỷ USD hỗ trợ cho doanh nghiệp và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp từ Quí IV năm 2009.

Biện pháp này nhìn từ hai phía, khách quan và chủ quan đều là biện pháp hợp lý, là quyết định đúng đắn và kịp thời nhằm hỗ trợ và vực dậy các doanh nghiệp qua đó, bình ổn sản xuất và bảo đảm công việc cho người lao động. Nhưng giải pháp đúng vẫn chưa đảm bảo sự thành công nếu các cơ quan công quyền thực hiện không tốt.

Binh pháp Tôn tử có câu "Binh tới thì lính ngăn, nước tới thì đắp đê". Áp dụng vào lĩnh vực kinh tê, đây là bài toán phải lập trình được theo hai phương án thuận nghịch để lựa chọn một giải pháp hợp lý nhất.

Theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nguồn vốn này chủ yếu là dành để đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, trong đó có phần nhỏ cho giáo dục, đào tạo. Câu hỏi đặt ra là đối tượng đầu tư như vậy có hợp lý không?

Nguồn vốn 6 tỷ USD sẽ là quá nhỏ cho các kế hoạch dài hơi như: Cơ sở hạ tầng, hàng không, cảng biển... bởi số trên sẽ mua được mấy cái máy bay, bao nhiêu con tàu, làm được bao nhiêu km đường cao tốc? Thế nhưng nó lại cực lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho giáo dục dạy nghề.

Kinh nghiệm cho thấy khi phải đương đầu với bão tố, thì giải pháp hợp lý nhất là tránh tâm bão, nghĩa là tránh nặng, lấy nhẹ. Sáu tỷ USD nếu đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ góp phần giải quyết được hàng triệu lao động tiếp tục có công ăn việc làm, hàng chục ngàn doanh nghiệp được an toàn trước bờ phá sản.

Nếu đầu tư cho giáo dục dạy nghề, sẽ có hàng triệu lao động phổ thông có cơ hội trau dồi tay nghề và ý thức lao động trong thời kỳ hội nhập...

Biện pháp này trở thành mắt xích quan trọng trong chính sách vĩ mô về kinh tế; duy trì, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh quốc phòng được nâng cao tối đa trong lúc thế giới đang có nhiều tác động xấu, đồng thời ngăn chặn và giảm thiểu các tiêu cực có thể bùng phát.

Những năm qua, Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn trên con đường hội nhập với nền kinh tế thế giới vào thời điểm nhiều biến động, đặc biệt là năm 2008.

Điều này đã tạo cơ sở vững chắc cho niềm tin vào khả năng ứng phó nhạy bén và phương án giải quyết hiệu quả của Chính phủ. Những giải pháp đúng đắn, được triển khai có hiệu quả sẽ làm điểm tựa vững chắc cho người lao động có việc làm và các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, tái đầu tư sản xuất, đẩy lùi khó khăn, vững bước đi lên.



Nguồn: dantri.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường