Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Hai lúa” làm chuyên gia
19 | 01 | 2009
Vừa trở về sau chuyến xuất ngoại đến Nicaragua (Trung Mỹ) làm chuyên gia hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chọn tạo và lai giống lúa, “Hai lúa” Trần Thanh Hùng (SN 1954) lại bắt tay vào việc xuống giống vụ lúa mới đông xuân và đang sở hữu trên 20 giống lúa sắp thuần chuẩn bị trình làng trong năm nay

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp ở xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên - An Giang, Hùng đã biết đến đồng ruộng khi còn là cậu bé mới lên 10. Từ đó, ngoài giờ đi học, Hùng thường theo ra đồng phụ giúp cha làm lúa. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hùng vừa học hết phổ thông, với điều kiện gia đình khá giả, Hùng hoàn toàn có thể học tiếp vào đại học, nhưng anh lại xin về... làm ruộng. Gia đình lấy làm bất ngờ trước quyết định khác thường của con trai, nhưng rồi cũng không ai ngăn cản.


Thời điểm ấy vùng Bảy Núi chủ yếu làm lúa mùa để có lúa gạo ăn, chứ chưa nói đến làm kinh tế. Năm 1994, phong trào thay đổi tập quán sản xuất ồ ạt lan tỏa về cả xã vùng sâu Núi Voi, Hùng cũng tham gia hưởng ứng. Từ lúa mùa, anh chuyển sang làm lúa thần nông, mỗi năm sản xuất 2 vụ cho năng suất khá cao nên rất phấn khởi. Nhờ chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi kinh nghiệm và đi đầu trong ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mỗi năm nông dân trẻ này có thể đổ bồ hơn 2.000 giạ lúa. Liên tục các năm từ 2004 đến 2007, ông Hùng đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh và mới đây, năm 2008, ông được vinh dự nhận bằng khen nông dân sản xuất giỏi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.


Lai lúa... trên sân thượng

Năm 1999, Nhà nước có chủ trương xã hội hóa công tác giống, ông Hùng đã tham gia lớp tập huấn làm giống lúa. năm 2004, ông tham gia lớp tập huấn về “Kỹ năng chọn tạo và sản xuất lúa giống” do Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL phối hợp với địa phương tổ chức tại xã Núi Voi. Sau 2 vụ lúa chính trong năm, tới mùa nước nổi rảnh rỗi đến mấy tháng trời, ông trồng mấy chục giỏ lan trên sân thượng để tiêu khiển. Thấy còn khoảng sân trống, ông nảy ra ý định trồng lúa để lai giống để vừa chăm sóc lúa và lan vừa “thử” thực hành với kiến thức học được lại có cơ hội thực hiện ước mơ ấp ủ trong lòng nhiều năm qua. Vẫn biết chuyện lai tạo giống lúa đối với một nông dân là điều khó khăn ngoài sức tưởng tượng, nhưng ông vẫn làm. Mỗi tối sau khi từ đồng ruộng trở về, ông lại lên mạng internet online thâu đêm suốt sáng để tìm tài liệu nghiên cứu về các loại giống lúa.

Nghĩ là làm. Ông bắt tay vào việc lai lúa giống. Lúc đầu, ông cấy mạ, chỉ khoảng vài bụi để chọn ra cây bố mẹ.


Là nông dân, nhưng ông Trần Thanh Hùng sử dụng máy tính và internet thuần thục

Ông chọn giống Khaodawmali (cây mẹ) lai với MTL233 (cây cha). Cái khó nhất là chọn giống, vì nông dân chỉ quan sát bằng mắt thường và cảm tính, thấy cây nào tốt, ưng ý thì chọn chứ đâu có biết thử hay có máy móc gì hỗ trợ. Ông Hùng cho biết: “Lai lúa giống cực lắm. Phải chính tay mình gieo, cấy mạ, nâng niu, chăm sóc đám lúa từng ngày không rời mắt”. Khi cây lúa trổ bông, ông trực canh xuyên suốt, chọn bông tốt vừa trổ (còn nguyên phấn) cắt xéo 1/3 vỏ trấu (khoảng 50 hạt) rồi dùng tăm nhọn khử đực (lấy nhụy bên trong hạt lúa ra) xong gói kỹ vào giấy bạc chờ sáng hôm sau thụ phấn. Trong số 50 hạt được thụ phấn chỉ đạt được chừng 10 hạt, còn những hạt khác đều lép xẹp. Đem gieo 10 hạt vừa lai thì chỉ có vài hạt nảy mầm, sau đó ông tiếp tục đem trồng những hạt lúa mới này. Thành công ban đầu tuy rất khiêm tốn, nhưng đã mở ra cho ông một niềm tin rằng có thể lai tạo giống được. Cứ như vậy, sau mỗi đời lai chọn dòng phân ly, ông ghi chép lại cẩn thận. Ròng rã suốt 8 vụ lúa âm thầm trồng trên sân thượng, ông mới có được giống lúa thuần đặt tên NV1. Tuy nhiên, lúc này ông cũng chưa dám khoe với xóm giềng mà đem gieo sạ thử trên diện tích đất nhà để kiểm tra và so sánh với các giống lúa khác. Sau vụ lúa này, ông thu hoạch hơn 7 tấn/ha, lại kháng rầy, chịu phèn, nhẹ phân bón, ông mới dám trình làng giống lúa mới. Giống NV1 gởi về các huyện trồng khảo nghiệm được các nhà khoa học đánh giá cao. Sau đó, giống NV1 được Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL tiến hành các đánh giá cơ bản và đăng ký khảo nghiệm giống quốc gia. Hiện nay, giống NV1 đã vượt qua 2 vòng loại khảo nghiệm và đang ở chặng thứ 3 được đánh giá khá cao ở miền Bắc. Nếu qua được vòng này, NV1 sẽ được công nhận giống lúa quốc gia.


Từ khi thành công với NV1, ông tiếp tục lai tạo thành công giống NV2, TB và còn đang dang dở 20 tổ hợp lai khác sắp thuần. Theo dự kiến, đầu vụ đông xuân 2010, ông sẽ trình làng 4 giống lúa mới.


Xuất ngoại

Từ khi lai tạo thành công các giống lúa triển vọng, “Hai lúa” Trần Thanh Hùng trở thành người nổi tiếng. Mới đây, ông còn được Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL mời xuất ngoại đến Nicaragua, đại diện cho nông dân Việt Nam thời hội nhập để hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và lai tạo giống cho nông dân nước này.

“Hai lúa” Trần Thanh Hùng đang trình diễn lai tạo trên cây lúa miến tại Nicaragua. (ảnh do nhân vật cung cấp)

Đang nói chuyện, ông Hùng kéo chiếc cặp lôi ra cái laptop Acer mới cáu. Ông click chuột online để truy tìm tài liệu và hình ảnh của chuyến xuất ngoại vừa rồi. Ông Hùng cho biết sau 6 ngày báo cáo, thảo luận tại hội nghị, đoàn đại biểu vượt hàng trăm cây số về một vùng nông thôn nghèo để trình diễn lai tạo thực tế. Theo ông Hùng, nông nghiệp của Nicaragua không giống nước ta. “Điều ấn tượng đối với tôi là Nicaragua có nền nông nghiệp sạch. Họ trồng lúa miến và hoa màu đều bằng phân bón vi sinh, không dùng các loại phân bón hữu cơ, hóa chất”. Ông Huỳnh Quang Tín, điều phối dự án bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học cộng đồng, người đồng hành cũng là phiên dịch viên cho ông Hùng đến Nicaragua, nhận xét: “Ông Hùng là một nông dân bản lĩnh. Tham gia báo cáo tại nước ngoài, ông rất tự tin. Khi được mời lai tạo trên cây lúa miến, ông đã thực hành rất nhuyễn và thu hút sự quan tâm của nông dân nước bạn. Kiến thức và cách làm của ông Hùng làm cho nông dân các nước càng yêu mến và thán phục nông dân Việt Nam hơn”. Nói về giống lúa NV1, ông Tín không tiếc lời khen ngợi ông Hùng. Ông cho rằng giống lúa đó sẽ mở ra triển vọng mới cho nông dân ĐBSCL. Vì NV1 có phẩm chất gạo thơm ngon, giá thành cao, năng suất cũng cao, hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với lúa gạo Thái Lan và các nước bạn.


Theo ông Hùng, các nước bạn đánh giá rất cao nền nông nghiệp của nước ta. Nông dân Nicaragua cho biết họ không nhận được sự quan tâm của chính quyền và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà khoa học trong sản xuất nông nghiệp như ở Việt Nam. “Họ nói Việt Nam giàu, nông dân Việt Nam cũng giàu. Vì sau buổi hội thảo tại cánh đồng, tôi mời mọi người đi uống bia và móc tiền túi trả, những ánh mắt ngạc nhiên, nói rằng “Hai lúa này bảnh thiệt”- ông Hùng cười nói.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường