Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân "khóc ròng" vì thừa lúa, thiếu tiền
17 | 09 | 2008
Lúa vụ ba ở một số tỉnh đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Đồng Tháp đã bước vào thu hoạch, càng khiến lòng người dân thêm trĩu nặng. Mấy tháng qua, họ đã nhiều đêm trằn trọc vì nợ nần chưa trả trong khi lúa để chật nhà. Đã hai tháng kể từ khi thu hoạch lúa hè thu 2008, hàng triệu nông dân trên vựa lúa lớn nhất nước chưa kịp phấn khởi vì trúng mùa (4,5 tấn/héc ta) thì họ đã phải đối mặt với tình hình giá lúa xuống thấp kinh khủng.
Giá lúa ở một số tỉnh cầm chừng ở mức 3.300 – 3.600 đồng/kg, thậm chí có nơi chỉ 3.000 đồng/kg mà vẫn không có người mua.

Lúa ngập nhà mà tiền khô cháy túi

Đi trên những tuyến kênh chằng chịt khắp vùng ĐBSCL dễ dàng bắt gặp cảnh lúa ngập tràn. Trong nhà, lúa hè thu được cho vào bao chất đầy hiên, xâm xấp nóc nhà. Nhiều nhà chật hẹp, người dân còn chất lúa lấp ngập bờ kênh, chân ruộng nên lúa bị ẩm mốc hư hại, và đã xảy ra những vụ trộm cướp.

Tại nhiều cụm, tuyến dân cư, mặt bằng các trung tâm thương mại hoặc nhà lồng chợ còn trống chỗ cũng trở thành nơi chứa lúa của dân. Dọc vô số các con đường trong thôn ấp cho tới tỉnh lộ và quốc lộ, chưa bao giờ có cảnh lúa chất đống ngập tràn như bây giờ. Nói chung, chỗ nào có đất trống là chỗ đó được người dân tận dụng chất trữ và phơi lại lúa đã bị ẩm mốc.

Anh Trần Văn Ly ở huyện Tịnh Biên (An Giang) nói như khóc rằng, chỉ có mấy trăm bao lúa mà anh cũng không bán được, giá 3.300 đồng/kg thì làm sao bán. “Lúa chất đầy nhà, đầy lộ, tấp nập bờ kênh vậy chớ tiền thì cháy túi vì không bán được. Nhà kẹt tứ bề mà không đường xoay trở, vì mấy ai bán được lúa đâu”, anh Ly than thở.

Không chỉ anh Ly, tình trạng lúa nhiều không chỗ chứa, không người hỏi mua, nợ nần đang đè nặng lên nhiều nông dân vùng đồng bằng châu thổ. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Quới (Thanh Bình, Đồng Tháp) thở dài: “Có ai bán được gì đâu. Xã cù lao này chỉ có mấy trăm héc ta mà làm ra bao nhiêu lúa còn y bấy nhiêu. 20.000 héc ta lúa vụ ba của tỉnh Đồng Tháp đang vào thu hoạch, lại ế. Khắp vùng đồng bằng miền Tây gần hai tháng nay ai cũng sợ… có lúa nhiều. Cứ cái đà giá lúa thấp, không thương lái thu mua, còn thêm lúa vụ 3 nối gót thì dân chỉ còn nước…”, ông Dũng thở dài, bỏ lửng câu nói.

Do chịu hết nổi nhiều món nợ ở ngân hàng, vật tư nông nghiệp, con cái học hành và các khoản chi sinh hoạt gia đình hàng ngày, một số người như ông Hai Thoại ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đành bấm bụng bán lúa khô với giá 3.800 đồng/kg. Nhưng ngẫm ra, so với hàng triệu nông dân khác, ông Thoại còn may mắn hơn nhiều. Không như hàng vạn nông dân khác, tin tưởng rằng giá lúa sẽ cao như thời bão giá chớp nhoáng vào thời điểm giáp hạt vụ đông xuân, giờ phải nằm thức trắng ngoài trời để giữ lúa.

“Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp phải mua lúa của dân từ 5.000 đồng/kg trở lên, nhưng thấy có ai đếm xỉa gì đến”, một nông dân nói trong nước mắt rưng rưng.

Bán nhà máy xay lúa theo giá... sắt vụn

Chưa khi nào những hạt lúa, mặt hàng xuất khẩu bị rẻ rúng đến thế này. Thân phận “một hạt lúa vàng chín giọt mồ hôi” trở nên thê thảm khi bên ngoài các thứ đều tăng cao.

Nông dân bán lúa không được, những dịch vụ liên quan như hàng xáo, nhà máy xay xát cũng “chìm” theo. Đi từ cuối vùng đất mũi Cà Mau theo các tuyến quốc lộ chạy dài hàng trăm cây số về phía các đồng lúa Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp... đâu đâu cũng thấy các nhà máy đóng cửa im ỉm.

Ông Ba Hòn, chủ doanh nghiệp xay xát Đức Hưng ở huyện Phú Tân (An Giang) thở dài: “Vụ lúa đông xuân, người ta đem lúa tới xay không kịp thở. Vậy mà chỉ sau vài tháng, tự dưng vắng hoe vắng ngắt. Các nhà máy xay xát im lạnh vì doanh nghiệp xuất khẩu không đặt hàng mua gạo. Nhà máy của tôi đã đóng cửa, mà hình như ai cũng vậy. Doanh nghiệp không dại gì đi thu mua để phải tốn chi phí trữ, công chuyên chở thêm lúa hư hao. Mọi lỗ lã chỉ người nông dân gánh chịu. Ngay cả những nhà máy đã lỡ mua một lượng lúa của dân giờ cũng đành ôm chịu vì xay ra biết bán cho ai”.

Tình hình còn thảm hại hơn nhiều ở các nhà máy dùng động cơ chạy dầu. Họ đã không cầm cự nổi nhiều khoản nợ ngân hàng, xăng dầu tăng giá và áp lực thuế vẫn phải đóng đầy đủ trong lúc nhà máy không có lúa để xay.

Tại huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), đã có nhiều nhà máy xay được rao bán bằng giá... sắt vụn, nhưng vẫn chẳng thấy người mua. “Mỗi năm lỗ hai ba chục triệu đồng vì giá xăng dầu tăng vùn vụt, nhưng xay gia công thì vẫn 1.000 đồng/giạ. Mấy năm trước còn kiếm ăn chút đỉnh nhờ lúa nhiều. Nhưng xăng dầu tăng giá thì bắt đầu lỗ, muốn chuyển sang xay bằng điện thì không đủ sức đầu tư, vì lỗ và ngân hàng không cho vay. Cứ thế, 20 năm qua từ một nhà máy bốn băng chuyền ngon lành, đầu tư xây dựng trên 500 triệu đồng, mỗi năm tu bổ thêm vài chục triệu đồng, nhưng giờ kêu bán sắt vụn 90 triệu đồng mà không có ai mua. Anh em tôi có cả thảy bốn nhà máy, hai năm trước đã kêu bán được hai cái, hai cái còn lại bây giờ rã bán không ai ngó ngàng, nằm im như đống sắt", ông Phan Văn Sơn, chủ một nhà máy xay xát ở xã Tân Hội (Tân Hiệp, Kiên Giang) rầu rĩ nói.

Bên cạnh các nhà máy xay xát “chết” vì đói lúa xay, lực lượng hàng xáo chuyên thu mua lúa trong dân cũng đang chết dở. “Từ đầu vụ hè thu đến giờ tôi mới mua và bán được ba chuyến hàng với chiếc ghe nhỏ (50 tấn) cho các công ty lớn ở An Giang. Giá gạo không ngừng biến động theo hướng sụt giảm đã ăn đứt của tôi hơn 60 triệu đồng tiền lỗ trong ba chuyến lúa. Mới sáng đó doanh nghiệp ăn gạo giá 6.100 đồng/kg, chiều mang giao tiếp thì họ “ép” xuống chỉ còn có 5.650 đồng/kg gạo. Hỏi vậy sao không lỗ?! Tôi còn ứ đọng hàng chục tấn lúa đã lỡ mua, giờ phải mang ra phơi lại vì doanh nghiệp không mua bán nữa. Cuộc khủng hoảng này chỉ có doanh nghiệp là người thắng thế, hàng xáo, nhà máy và nông dân đều gánh chịu thiệt thòi”, chị Võ Thị Phi, một hàng xáo ở xã Phước Hưng (An Phú, An Giang) than vãn.



Nguồn: Thời báo KTSG
Báo cáo phân tích thị trường