Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làm gì để doanh nghiệp và nông dân cùng “sống khỏe” ?
14 | 10 | 2008
Thời gian qua, tình trạng thừa, thiếu cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long, nông dân quay lưng với cây mía ở một số tỉnh phía Nam… khiến cho doanh nghiệp (DN) và nông dân đều lao đao.
Điều đó cho thấy mối quan hệ giữa DN chế biến và người nông dân chưa gắn kết chặt chẽ để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Một vấn đề được đặt ra là: Làm thế nào để tăng cường sự gắn kết 2 nhà (DN thu mua nông sản và người nông dân), giúp hai bên cùng phát triển bền vững?


Mạnh ai nấy làm…


Trong năm qua, xung quanh con cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra nghịch cảnh làm cả người nuôi cá và DN chế biến đều khốn đốn: Khi cá thừa, giá rẻ, người nông dân bị thua lỗ đành phải “treo” ao. Lượng cá còn ít, giá cá leo cao, người nông dân bán ra cầm chừng làm cho các doanh nghiệp chế biến liêu xiêu vì thiếu nguyên liệu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến nghịch cảnh ấy là DN và người nuôi không gắn kết với nhau bằng các hợp đồng đầu tư và thu mua cá mà mạnh ai nấy làm.


Thực tế, việc gắn kết giữa DN và người nông dân thông qua hợp đồng có thể giúp DN chủ động nguồn nguyên liệu và hoạt động SXKD thuận lợi hơn, ngược lại, người nông dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cả DN và nông dân đều phải nhận thức được họ đang “ở chung một con thuyền”, sự tồn tại của bên này là điều kiện để bên kia tồn tại, nên phải hỗ trợ nhau phát triển trên tinh thần cùng có lợi. Nếu không, cả DN và người nông dân đều “đắm”. Tình trạng người nông dân Bình Định quay lưng lại với cây mía là một ví dụ. Do giá thu mua mía thấp, quy trình thu mua mía của Công ty CP Đường Bình Định không thuận lợi, việc thu mua mía chỉ chăm chắm đến quyền lợi của DN, chưa quan tâm đến người nông dân khiến bà con thua lỗ nặng, người nông dân phá mía trồng sắn. Thế là vùng nguyên liệu mía của DN bị teo tóp, giảm tới gần 1.000 ha so với năm 2007. Gần đây, mặc dù DN đã có những chính sách ưu đãi mới nhưng người nông dân vẫn bất hợp tác khiến việc sản xuất của DN rất khó khăn.


Sớm thấy được vai trò của việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích việc này, nhưng tỷ lệ thu mua nông sản thông qua ký kết hợp đồng rất thấp (chỉ đạt khoảng 5-10% diện tích). Việc thực hiện chủ yếu chỉ nằm ở một số DN có vốn đầu tư nước ngoài, còn không ít hợp đồng chỉ thu mua khối lượng ít. Tình trạng tự phá bỏ hợp đồng xảy ra mà vi phạm từ cả hai phía. Theo lãnh đạo Công ty Mía đường Sóc Trăng, năm nay nhà máy đường trực thuộc công ty đã ký kết hợp đồng và đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng cho nông dân nhưng đến vụ thu hoạch, DN vẫn còn đọng 5 tỷ đồng tiền nợ, do nông dân bán mía cho DN ở nơi khác với giá cao hơn. Sở dĩ DN ở nơi khác vào mua mía với giá cao hơn vì không phải bỏ vốn đầu tư cho nông dân. Thế là nhà máy “khóc dở mếu dở” vì thiếu nguyên liệu.


Cần có tổ chức trung gian và chế tài đủ mạnh


Ngày 25-8-2008, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng và ban hành các chính sách liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Trong đó có đề cập đến việc chỉ đạo dồn điền đổi thửa, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, vốn, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn và vùng nguyên liệu tập trung… Đây là cơ sở để các địa phương, DN chế biến và người nông dân thực hiện nhằm xây dựng mối quan hệ giữa DN và người nông dân theo kiểu hai bên cùng có lợi. Trước mắt, để chấm dứt tình trạng lộn xộn trên thị trường thu mua nông, thủy sản, các DN chế biến cần tính toán nhu cầu nguyên liệu của mình, đăng ký diện tích tại các vùng nguyên liệu để các tỉnh phân chia cụ thể cho từng vùng, đồng thời liên kết với người nông dân thông qua hợp đồng với những ràng buộc chặt chẽ. Trong quá trình liên kết giữa 2 nhà, nên hình thành mô hình HTX thay nông dân ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với DN và định hướng, đôn đốc nông dân sản xuất. Chính HTX này sẽ điều hòa mối quan hệ lợi ích giữa DN và nông dân - điều cốt tử để hai bên gắn kết hiệu quả. Về lâu dài, Chính phủ cũng cần ban hành các chế độ bảo hiểm, bảo lãnh và các văn bản quy phạm pháp luật với chế tài đủ mạnh để xử lý tranh chấp hợp đồng thu mua nông sản nhằm bảo vệ quyền lợi các bên khi có rủi ro.



Nguồn: www.hanoimoi.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường