Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quá nhiều nghịch lý trong giá lúa
09 | 03 | 2010
Nông dân không có quyền ngã giá nữa dù chính họ là người đổ công lớn nhất làm ra hạt lúa. Đó là một nghịch lý vô cùng lớn.

Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đánh giá nhu cầu lúa gạo năm nay tiếp tục tăng cao. Hiện chỉ có Thái Lan và Việt Nam là chiếm ưu thế nhất. Các nước khác bị hạn hán mất mùa. Vậy mà giá lúa ngày 7-3 ở đồng bằng sông Cửu Long xuống còn 4.050 đồng/kg. Chính phủ nên ra lệnh cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các doanh nghiệp mua lúa của nông dân với giá 5.000 đồng/kg.

Tất cả dồn cho thương lái

Chuyện giá lúa hiện nay có khá nhiều nghịch lý. Nông dân bây giờ không có quyền ngã giá nữa dù chính họ là người đổ công lớn nhất làm ra hạt lúa. Đó là một nghịch lý vô cùng lớn.

Khi lúa thu hoạch rộ, nông dân nào cũng muốn bán ngay, thậm chí bán tại ruộng. Điều đó chứng tỏ nông dân mình còn nghèo, thiếu vốn. Bởi người giàu tất nhiên họ trữ lúa chờ giá cao mới bán.

Bất cập lớn nữa là doanh nghiệp không cần gắn kết với nông dân, tất cả dồn cho thương lái. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, quy chuyện này là do nhà nước. Bởi doanh nghiệp định giá, bắt thương lái ép nông dân thì khỏe hơn, doanh nghiệp cần gì phải gắn với nông dân chi cho cực. Do đó mà tới nay hầu hết doanh nghiệp đều không có vùng nguyên liệu. Mấy doanh nghiệp lớn còn có kho chứa, doanh nghiệp nhỏ thì không. Hạt lúa một khi bán khỏi tay nông dân thì không còn gì trở lại với họ. Bởi thương lái chỉ mua đứt bán đoạn, không tình nghĩa gì với nông dân. Với kiểu phân phối này thì có hay không có thương lái nông dân cũng chết.

Doanh nghiệp xuất khẩu lời quá cao

Cuối năm 2009, Vinafood đại diện cho các doanh nghiệp đi dự và trúng thầu cung ứng 1,6 triệu tấn gạo cho Philippines trong năm 2010 với giá xuất 480-680 USD/tấn gạo. Nếu lấy giá xuất này mà mua thì nông dân có lời nhiều. Nhưng họ nói lúa hiện giờ ứ đọng, ai chịu bán rẻ thì họ mua, còn để vài ngày tới thì chẳng ai mua.

Nếu mua của nông dân với giá 4.000 đồng/kg thì xay ra, mỗi tấn gạo doanh nghiệp chỉ tốn hơn 300 USD, cộng thêm chi phí vận chuyển xuất khẩu thì tối đa giá thành không quá 400 USD/tấn. Như vậy, doanh nghiệp còn lời 80-280 USD/tấn gạo xuất cho Philippines. Nhu cầu lúa gạo năm nay trên thế giới là rất cao nhưng do doanh nghiệp mình luôn có cái tật “tự chém giết nhau” nên họ sẵn sàng bán phá giá.

Vai trò điều hành chuyện xuất khẩu gạo lúc này cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi nhà nước không kịp ra tay thì nông dân sẽ tiếp tục thiệt thòi. Loại gạo 25% tấm hiện nay chỉ có Việt Nam nắm trong tay sản lượng nhiều nhất, ưu thế nhất. Vậy tại sao chúng ta không rao giá xuất khẩu cao lên mà cứ quay về ép nông dân mình?

Cần lập quỹ bù giá cho nông dân

Theo tôi, cần nhanh chóng đưa nghị quyết của Đảng về tam nông đi vào cuộc sống. Tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp) sắp cho ra đời Công ty Cổ phần Nông nghiệp Tam Nông. Công ty này sẽ vận động nông dân đưa đất vào làm vùng nguyên liệu. Trong công ty có kho chứa lúa, có nhà máy xay xát, lau bóng gạo xuất khẩu và nhiều bộ phận khác. Đến mùa thu hoạch, nông dân trích ra khoảng 5%-10% sản lượng lúa thu hoạch được góp cổ phần. Số còn lại được công ty mua hết với giá bảo đảm có lời. Muốn làm được điều này, công ty cần nhà nước hỗ trợ ba chuyện. Đó là cho công ty xuất khẩu gạo thẳng ra nước ngoài; lập quỹ bù giá cho nông dân mỗi khi giá gạo thế giới xuống thấp và cho nông dân mua cổ phần ở công ty theo từng mùa vụ.

Khi công ty xây dựng hoàn chỉnh, hàng hóa công ty sẽ lên sàn giao dịch. Lúc này sẽ có nhiều bạn hàng đăng ký mua. Khi đó công ty biết được số lượng gạo cần sản xuất để mở rộng vùng nguyên liệu. Khi làm được những việc này thì nông dân ai cũng muốn vào công ty. Bởi đầu ra cho hạt lúa của họ được bao tiêu và bảo đảm có lời, lời từ bán lúa và chia lợi tức từ cổ phần làm ăn hiệu quả của công ty. Khi nghe tôi trình bày mô hình này, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng rất ủng hộ.



Theo Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường