Mất 7 - 8 triệu đồng/ha lúa
“Cách đây khoảng 40 ngày, tôi bán lúa chỉ có 4.500 đồng/kg. Giờ giá lúa đến 6.000 đồng/kg, mất 1.500 đồng/kg, tiếc quá, giá như có đủ khả năng trữ lúa thì…” - anh Nguyễn Trung Đậu, nông dân xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang tiếc nuối.
Cùng tâm trạng với anh Đậu, ông Điền Văn Bảnh, Trưởng ấp Phương Quới C, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Cách đây 1 tháng tôi bán gần 6 tấn lúa với giá 5.000 đồng/kg, nay giá lúa 6.000 đồng/kg mất gần 6 triệu đồng. Thật sự tôi rất muốn trữ lúa nhưng áp lực trả nợ, chi xài trong gia đình phải bấm bụng bán lúa”.
Theo ông Bảnh, hiện 10 nhà chỉ còn 2 - 3 nhà khá giả là trữ lúa đông-xuân. Bình quân nông dân bán lúa với giá 4.800 - 5.000 đồng/kg, mất khoảng 7 - 8 triệu đồng/ha so với hiện nay và đầu vụ. Đây cũng là tình trạng phổ biến hiện nay ở ĐBSCL. Thậm chí một số nơi tỷ lệ này còn thấp hơn.
Thời điểm cách đây khoảng 45 ngày, nông dân ĐBSCL thu hoạch rộ lúa đông-xuân, giá lúa đột ngột giảm còn 5.000 đồng/kg. Khi đó, UBND tỉnh Hậu Giang đã kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ. Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, giá thành sản xuất lúa khoảng 3.700 - 3.800 đồng/kg, nếu bán 5.000 đồng/kg, nông dân khó đạt lợi nhuận 30%.
Đông-xuân là vụ sản xuất chính trong năm của nông dân ĐBSCL, sản lượng hơn 10 triệu tấn lúa. Trong đó, có khoảng 6 triệu tấn lúa hàng hóa (tương đương 3 triệu tấn gạo). Diễn biến giá lúa gạo trong vụ đông-xuân những năm gần đây cho thấy: đầu vụ giá cao, vào vụ giá giảm, cuối vụ giá tăng trở lại.
Câu hỏi đặt ra năm nay có bao nhiêu nông dân và bán được bao nhiêu với giá khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg! Những diễn biến trên thị trường cho thấy giá lúa gạo sẽ tăng cao. Nhưng nhiều nông dân phải “bất lực” bán lúa với giá 5.000 đồng/kg!
|
Hơn 90% nông dân ĐBSCL phải bán lúa qua thương lái. Ảnh: CAO PHONG |
Có một điều trái khoáy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thường đưa ra cách tính giá mua lúa cao hơn mức bình thường. Điều này cũng dễ hiểu bởi VFA thường chỉ mua gạo, rồi sao đó quy ra giá lúa. Mà mua gạo thì chỉ có thương lái và các chành, chủ nhà máy xay xát bán cho VFA. Giá lúa VFA tính thường thấp hơn giá thực tế của nông dân bán cho thương lái!
Trong khi đó, các nhà khoa học ước tính có hơn 90% lúa hàng hóa của nông dân bán trực tiếp cho thương lái. Chuyện VFA tổ chức thương lái mua lúa trực tiếp của nông dân để giảm bớt thiệt thòi cho họ (không thông qua trung gian) cũng bỏ ngỏ!
Mua dự trữ thấp, rớt giá cục bộ
Theo cách tính của Viện Lúa ĐBSCL, sản lượng lúa hàng hóa đông-xuân ở ĐBSCL khoảng 6 triệu tấn nhưng VFA chỉ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Khi giá lúa ở nhiều địa phương như Hậu Giang rớt xuống dưới mức 5.000 đồng/kg, doanh nghiệp lại khó triển khai mua vì chỉ tiêu phân bổ mua tạm trữ quá thấp.
Cụ thể, Hậu Giang có sản lượng khoảng 500.000 tấn lúa nhưng chỉ được phân bổ chỉ tiêu mua 20.000 tấn gạo (tương đương 40.000 tấn lúa) nên chẳng thấm vào đâu. Nhiều nông dân vẫn ấm ức khi nhớ lại, thời điểm giữa tháng 3-2011, khi họ tập trung thu hoạch lúa đông-xuân, VFA lại hai lần điều chỉnh giảm giá sàn xuất khẩu gạo khó hiểu! Ngày 9-3, VFA điều chỉnh giảm 10 - 20 USD/tấn gạo. Cụ thể giá xuất từ 520 USD/tấn gạo 5% tấm xuống 500 USD/tấn, 490 USD/tấn xuống còn 480 USD/tấn gạo 25%.
Ngày 17-3, VFA lần thứ 2 giảm giá xuất khẩu thêm 20 USD/tấn đối với 5% và 25% tấm. Đây cũng là bối cảnh giá lúa từ 5.600 - 7.000 đồng/kg giảm xuống chỉ còn khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg (tùy theo loại). Đây phải chăng là một chiêu dìm giá!
Một chuyên gia chuyên theo dõi kênh mua bán lúa gạo ở ĐBSCL bức xúc phân tích về những nghịch lý trong hệ thống thu mua lúa gạo hiện nay: “Nông dân bán lúa nhưng doanh nghiệp lại mua gạo. Điều này trước mắt nông dân sẽ mất một số lợi nhuận vào trung gian. Trong khi mua lúa gạo theo kiểu “lời ăn lỗ chịu”, con mắt của doanh nghiệp sẽ ngó xung quanh. Thấy ngon thì mua rẻ với số lượng nhiều nhưng nếu giá xuất thấp doanh nghiệp sẽ có bài “đình đốn” để ép giá xuống thấp”!?
Phân tích này có “ngẫu nhiên” trùng hợp với việc VFA hai lần hạ giá sàn xuất khẩu trong tháng 3-2011, thời điểm nông dân ĐBSCL thu hoạch rộ lúa đông-xuân!?
Trong những ngày qua, tình hình mua bán lúa gạo lựng khựng vì các kho của doanh nghiệp đã đầy ắp gạo - một doanh nghiệp lúa gạo ở Phong Điền - Cần Thơ cho biết. Hiện nay nhiều doanh nghiệp, chủ nhà máy xay xát, chành gạo đang “khoái ra mặt” vì trúng lớn nhờ trữ gạo khi mua lúa với giá khoảng 5.000 đồng/kg. Tất nhiên phần lợi nhuận mất đi của nông dân từ 1.000 - 1.500 đồng/kg đang chuyển sang các đối tượng này.
|
Trữ lúa để bán vào thời điểm thích hợp là ước mơ của nhiều nông dân ĐBSCL. |
Chuyện xây dựng chợ đầu mối để nông dân ký gởi bán lúa gạo hàng hóa đã nói nhiều trong những năm qua nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy. Nếu không có giải pháp can thiệp hỗ trợ, kịch bản nông dân bán lúa mất 1.000 - 1.500 đồng/kg sẽ tái diễn trong các vụ sau.
“Thái Lan có cách làm hay của họ. Cụ thể chính phủ đứng ra mua lúa tạm trữ, rồi cấp tín phiếu cho nông dân. Sau đó, các doanh nghiệp khi có khách hàng xuất khẩu phải tham gia phiên bán đấu giá mua gạo…” - tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận xét. Bao giờ nông dân ĐBSCL bán lúa theo cách này?