Tuy nhiên, cho đến nay chưa có doanh nghiệp trong nước thắng thầu xuất khẩu gạo vào thị trường này.
Ngày 27-4, đoàn doanh nghiệp các công ty nhập khẩu gạo của Hàn Quốc, dẫn đầu là Tổng công ty Thương mại nông thủy sản Hàn Quốc (aT Center) đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Công Thương tại TPHCM và một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam để phố biến về quy chế tiếp cận thị trường tối thiểu (MMA).
MMA là quy chế tiếp cận thị trường tối thiểu của Hàn Quốc. Theo quy chế này hàng năm Hàn Quốc sẽ nhập khẩu gạo theo hai hình thức, nhập theo hạn ngạch riêng cho bốn nước (Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Úc) và hạn ngạch MFN (quy chế tối huệ quốc) dành cho các nước thành viên WTO khác tham gia đấu thầu.
Hàn Quốc cũng là một nước sản xuất lúa gạo nên trước đây chỉ có bốn nước nói trên được cung cấp gạo cho nước này nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Từ năm 2004, theo quy định của WTO, Hàn Quốc mở hạn ngạch thêm cho các nước thành viên WTO nhưng chỉ mới có thêm Pakistan bán gạo vào nước này.
"Năm nay Hàn Quốc dự kiến nhập khẩu khoảng 347.000 tấn, trong đó hạn ngạch MFN là trên 142.000 tấn và họ muốn Việt Nam tham gia đấu thầu trong đợt đấu thầu này với loại gạo 5% tấm.", ông Phan Thế Hào, Trưởng đại diện cơ quan Bộ Công Thương Việt Nam tại TPHCM cho biết.
Cũng theo ông Hào, năm trước các doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia đấu thầu, tuy nhiên đã không trúng thầu.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước, mặc dù về giá bán cho Hàn Quốc có thể cao, nhưng với một số quy định đòi hỏi chất lượng gạo phải cao, đồng đều, chẳng hạn như quy định phải có dưới 4 hạt hỏng trên mỗi kilogram gạo, hay yêu cầu tỷ lệ ký quỹ cao vẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp.