Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Vụ đông xuân được mùa, phấn khởi bước vào vụ hè thu
13 | 04 | 2011
Vụ lúa đông xuân tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa kết thúc với niềm vui được mùa, được giá, nông dân, doanh nghiệp rất phấn khởi và tiếp bước vào sản xuất vụ hè thu.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa tổ chức sơ kết tình hình xuất khẩu gạo quý 1, đánh giá tình hình thu mua tạm trữ và tiêu thụ lúa gạo vụ đông - xuân, đồng thời bàn các giải pháp cho vụ hè thu sắp tới.
Theo nhận định chung, đến thời điểm này, ĐBSCL đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân 2010- 2011 với sản lượng trên 10 triệu tấn, tương đương với vụ Đông Xuân trước, năng suất bình quân đạt 6,6 tấn/ha, có nơi đến 7,4 tấn/ha.

Với giá lúa tiêu thụ bình quân 5.200- 5.400 đ/kg, mỗi ha nông dân lời 13- 15 triệu đồng. Đặc biệt, lúa đạt tiêu chí Global GAP của HTX nông nghiệp Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy, Tiền Giang) không chỉ trúng mùa mà còn được Công ty ADC bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường 20% nên nông dân rất phấn khởi. Bình quân, mỗi ha lúa Global GAP cho khoản lời từ 40- 45 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Vụ lúa Đông Xuân được xem là vụ lúa chính, có năng suất cao, chất lượng tốt nhất trong năm. Cả vùng gieo trồng 1,6 triệu ha tương đương với diện tích các năm trước.

Rút kinh nghiệm các năm trước, ngay từ đầu vụ đông xuân 2011, VFA đã chỉ đạo các DN thành viên phải tiêu thụ hết lúa trong dân. Thực hiện chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, đến nay các doanh nghiệp đã mua vào gần 800.000 tấn, đạt gần 80% kế hoạch. Kết hợp với tiến độ xuất khẩu gạo tăng nhanh trong quý 1, lượng lúa gạo vụ đông - xuân được tiêu thụ khá mạnh, giá ở mức cao mặc dù có biến động nhiều lần do ảnh hưởng của nhu cầu và tâm lý trên thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, các tỉnh đang triển khai kế hoạch xuống giống trên 1,6 triệu ha lúa hè- thu năm 2011, phấn đấu đến cuối vụ thu hoạch trên 8 triệu tấn, chiếm 40% sản lượng lúa cả năm.

Tuy vậy, năm nay, do đỉnh lũ nhỏ, lượng phù sa đổ vào đồng ruộng ít hơn mọi năm. Nhà khoa học, ngành nông nghiệp đã đưa ra nhiều khuyến cáo với nông dân về lịch thời vụ xuống giống; các giống lúa sử dụng; nguy cơ hạn mặn, xâm nhập mặn; biện pháp chăm sóc, sử dụng phân bón tiết kiệm...

Trước thực tế một số khó khăn xảy ra vào cuối vụ đông xuân 2010 - 2011 như một số diện tích có khả năng không đủ nước ngọt tới cuối vụ, xâm nhập mặn, tập trung ở các nơi cuối nguồn nước ngọt. Ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến diện tích lúa đông xuân ven biển của các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre khoảng 100.000 ha/650.000 ha, chiếm 16 % diện tích canh tác lúa của các tỉnh trên.

Ngành nông nghiệp đã triển khai một số giải pháp nhằm ổn định diện tích lúa của khu vực ĐBSCL. Trong đó, yêu cầu các địa phương cần nắm chặt diễn biến của rầy nâu ngoài đồng, vận động nông dân phun trừ rầy tại các nơi có mật số rầy nâu cao, không để cho rầy nâu có điều kiện tích lũy mật số gây hại và lan truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá sang các trà lúa hè thu sớm 2011.

Đặc biệt, từ vụ hè thu 2011, vùng ĐBSCL sẽ triển khai sẽ triển khai xây dựng cánh đồng mẫu theo hướng hiện đại, do vậy các địa phương cần tập trung tuyên truyền, tập huấn cho nông dân ứng dụng biện pháp kỹ thuật; tập trung ứng dụng rộng mô hình “Quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái” trong thâm canh lúa (trồng hoa để hấp dẫn thiên địch) và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa thu hoạch lúa, áp dụng chương trình liên kết doanh nghiệp sấy lúa, nông dân ứng dụng việc ghi chép (đảm bảo truy nguyên nguồn gốc) sao cho phù hợp với từng vùng. Đây là một khâu quan trọng trong giảm thất thoát, giảm chi phí thu hoạch và nâng cao phẩm chất lúa gạo.



Theo Chinhphu.vn
Báo cáo phân tích thị trường