Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nâng cao chất lượng hạt gạo xuất khẩu: Cần coi trọng giống lúa chất lượng
15 | 03 | 2008
Hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan. Tuy nhiên giá trị mặt hàng chủ lực này không cao, do giá xuất khẩu thấp. Các nhà khoa học cho rằng, ngoài những yếu tố tác động của thị trường thì khâu chọn giống, cùng các biện pháp canh tác sẽ là giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng hạt gạo xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, theo Cục Trồng trọt, ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ mới sử dụng 34% giống xác nhận trên tổng diện tích gieo sạ của toàn vùng...
HẠN CHẾ NGUỒN CUNG

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 2-2008, mức giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đã lên tới 400 USD/tấn, tăng 95- 100 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Còn hợp đồng giao hàng trong tháng 3- 2008 lần lượt tăng thêm 10 USD cho các loại gạo. Đây là tín hiệu vui cho cả doanh nghiệp và người trồng lúa ở ĐBSCL. Tuy nhiên, nhu cầu về lượng giống xác nhận hàng năm ở ĐBSCL khoảng 400.000 tấn, nhưng năng lực sản xuất của các công ty, trung tâm giống, HTX, tổ hợp tác... chỉ đáp ứng khoảng 34%. Các nhà khoa học cho rằng, từ nay đến năm 2010, giống vẫn là khâu mấu chốt cần chuẩn bị cấp bách để đáp ứng 1 triệu ha lúa xuất khẩu ở ĐBSCL theo kế hoạch đề ra.

Trong vụ lúa đông xuân 2007- 2008, toàn vùng ĐBSCL gieo sạ khoảng 1,58 triệu ha. Hiện nay, một số tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch, giá lúa hàng hóa tăng cao so với vụ đông xuân trước làm nông dân phấn khởi. Mới đây, hội thảo đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2007- 2008, do Viện lúa ĐBSCL tổ chức, đã thu hút rất nhiều nông dân trong vùng tham gia. Điều này cho thấy nông dân rất quan tâm đến những giống lúa chất lượng cao, kháng sâu bệnh. Nhưng tại hội thảo nhiều nông dân cho rằng, việc đưa những giống lúa này vào sản xuất còn phải cân nhắc. Bởi ngoài những “tính vượt trội” thì năng suất của những giống lúa này không cao hơn những giống lúa mà bà con đang canh tác.

Ông Lê Văn Điền, nông dân ấp Đông An A, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Tôi có 7 công đất trồng lúa, một năm canh tác 2 vụ. Ở ấp này, nhiều nông dân sản xuất giống cũ như Tài Nguyên, IR 50404 do năng suất cao hơn mấy giống chất lượng cao mà tỉnh khuyến cáo gieo sạ, vụ đông xuân đạt tới 7 tấn, hè thu 5- 6 tấn/ha. Còn giống OM 1930 mới đưa vào sản xuất vụ hè thu 2007, nhưng nhiều nông dân ở đây chê, không dám sạ vì căn bệnh lúa von. Cái chúng tôi cần là năng suất cao để bù vào phần chi phí sản xuất ngày một tăng”. Hiện nay, nông dân đang đối mặt với chi phí sản xuất lúa đã tăng gấp 2 lần so với vụ trước. Ông Điền tính toán, chi phí sản xuất gồm lúa giống, phân thuốc, công thu hoạch lên đến khoảng 1 triệu đồng/ công, chỉ với mức giá lúa 3.500 đồng/kg (bán tại ruộng) thì nông dân còn có lời khoảng 50%, nếu trúng mùa (khoảng 6 tấn/ha). Nhưng mấy năm nay, dịch bệnh xảy ra liên tục, nông dân còn phải gồng lưng với chi phí tăng, nên nguy cơ thua lỗ rất cao.

Hiện nay, toàn vùng ĐBSCL có trên 100 giống được gieo sạ, trong đó Viện lúa ĐBSCL đưa ra hơn 70 giống. Khi dịch bệnh xảy ra liên tục, nông dân bắt đầu quan tâm những giống lúa chất lượng, kháng sâu bệnh thì lại tìm không ra. Ông Phạm Văn Khiêm, ấp Thạnh Lợi, xã Trung Thạnh, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ, thành viên câu lạc bộ (CLB) sản xuất giống lúa Trung Thạnh, cho biết: “Tôi sản xuất lúa giống từ năm 2005 đến nay, với diện tích 2 ha. Hàng năm, tôi cung cấp khoảng 5- 10 tấn lúa giống ra thị trường, nhưng không đủ nhu cầu. Hiện CLB đang sản xuất giống lúa OM 1490, Jasmine. Giống nguyên chủng OM 1490 có giá 6.000 đồng/kg, Jasmine: 7.000- 7.500 đồng/kg. So với vụ hè thu 2007, giá đã tăng khoảng 800 đồng/kg do chi phí sản xuất tăng. Nhưng đây là giá tôi bán cho khách hàng quen. Cuối tháng 2- 2008, giá lúa thương phẩm của các giống OM đã ở mức 4.000- 4.500 đồng/kg, nếu tính theo công thức 1 kg lúa xác nhận bằng 1,5 lần lúa hàng hóa, nhiều người dân sẽ than phiền vì giá cao”. Hàng năm, CLB sản xuất lúa giống Trung Thạnh cung ứng ra thị trường từ 50- 70 tấn lúa giống nguyên chủng, xác nhận chủ yếu là 2 loại giống OM 1490, Jasmine cho các xã lân cận trong huyện và một số bán ở Kiên Giang. Nguồn giống này phục vụ cho trên 100 ha lúa. Theo ông Khiêm, hiện nhiều nông dân đã quan tâm đến những giống lúa chất lượng và tìm đến CLB để mua giống lúa, nhưng không đủ bán.

Ngoài việc hạn chế nguồn cung giống chất lượng, còn thiếu cả cơ quan kiểm định hạt giống. Toàn ĐBSCL hiện mới có 1 Trung tâm kiểm nghiệm giống nông nghiệp. Do đó, các tỉnh “tự chứng nhận” giống lúa xác nhận khi áp dụng đúng qui trình sản xuất theo qui định. Thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Giống lúa xác nhận phải hơn lúa thương phẩm về chất lượng, sức sống để nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo. Song, thực tế phải thấy rằng, không phải ai cũng mua được giống lúa xác nhận tốt, mà còn phụ thuộc vào nguồn cung. Ở Cần Thơ đã có khoảng 80% diện tích lúa gieo sạ bằng giống xác nhận, nhưng đó là nguồn giống trong dân tự chia sẻ với nhau, chứ chưa qua cơ quan có chức năng thẩm định và công nhận”.

THAY ĐỔI CÁCH LÀM

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã cho phép Viện lúa ĐBSCL và tỉnh An Giang thành lập trung tâm kiểm nghiệm giống. Qua đó, sẽ tạo điều kiện cho việc đăng ký kiểm định giống lúa của các tỉnh, thành trong khu vực, góp phần nâng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận trong gieo sạ tăng lên 40% theo mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đề ra. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho biết: “Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cho Viện trong thời gian tới chỉ tập trung lai tạo ra giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng để cung cấp cho các Sở NN&PTNT; các trung tâm giống lai tạo ra giống xác nhận cung cấp cho nông dân. Để nâng cao giá trị hạt gạo cũng là tăng thu nhập cho mình, nông dân nên chọn giống lúa xác nhận trong canh tác. Có như vậy, giá trị hạt gạo xuất khẩu mới tăng lên. Nhưng quan trọng là phải xử lý tốt các khâu trước và sau thu hoạch bằng những giải pháp canh tác tiên tiến”.

Viện lúa ĐBSCL đang đề nghị Bộ NN&PTNT công nhận 2 giống lúa OM 4930 và OM 4900 là giống quốc gia. Mặt khác, Viện còn đưa ra một số giống triển vọng khuyến cáo nông dân sản xuất như: OM 6561, OM 5199, OM 5636, OM 6073, OM 4668. Qua khảo sát của Viện lúa ĐBSCL, giống OM 6073 được nông dân đánh giá rất cao về năng suất, chất lượng hạt lúa, gạo. Đây là cơ sở để nhân rộng những mô hình trình diễn, nhằm góp phần tạo nhận thức mới cho người nông dân trong xu thế hội nhập kinh tế và trong điều kiện sản xuất ngày một khó khăn do dịch bệnh. Theo nhận định của các nhà khoa học, đến nay, chưa có một giống lúa nào “giữ vững” được tính kháng sâu bệnh mà chỉ kéo dài trong khoảng 3 đến 10 năm là hết khả năng chống chịu. Do đó, PGS. TS Dương Văn Chín, Viện Phó Viện lúa ĐBSCL, cho rằng: “Phải chọn giống cho từng vụ lúa trong năm, có nghĩa giống cho hè thu, giống cho đông xuân riêng biệt, mới nâng cao được chất lượng hạt gạo”.

Thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Mấy năm gần đây, ngành nông nghiệp Cần Thơ đã xây dựng hệ thống nhân giống lúa 3 cấp, bước đầu triển khai cho các HTX, tổ hợp tác, CLB đều khắp các quận huyện. Hiện tại, có khoảng 500 ha làm giống nguyên chủng trong hệ thống, nếu tính bình quân 6 tấn/ha/vụ thì cung ứng khoảng 3.000 tấn giống/vụ, nhưng con số này còn rất nhỏ lẻ. Ngành nông nghiệp thành phố đang xây dựng chương trình hợp tác với Viện lúa ĐBSCL để lai tạo một vài giống lúa đặc trưng cho riêng Cần Thơ, giai đoạn 2008- 2009”. Theo thạc sĩ Quỳnh, đây là nền tảng để ngành nông nghiệp thành phố phấn đấu hình thành vùng sản xuất lúa giống trên toàn diện tích lúa để cung cấp cho cả ĐBSCL, chứ không sản xuất lúa thương phẩm hàng hóa như hiện tại.

Tỉnh An Giang cũng đã phát động phong trào thi đua thực hiện Chương trình sản xuất lúa theo hướng công nghiệp hóa giai đoạn 2008- 2009. Theo đó, sẽ thực hiện 5 chủ trương của tỉnh: cơ giới hóa đồng ruộng; áp dụng “3 giảm 3 tăng” trong sản xuất; thiết lập hệ thống thủy lợi nội đồng tốt; xây dựng kinh tế hợp tác trong nông nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp gắn kết với nông dân ở vùng trồng lúa chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày cao trong hội nhập. Mặt khác, xây dựng thương hiệu cho những giống lúa, gạo chất lượng của địa phương. Đây đang được xem là hướng đi đúng để nâng cao chất lượng hạt gạo ở ĐBSCL trong xu thế hội nhập.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường