Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lúa tụt giá ở ĐBSCL: Thuế XK gạo "rơi" vào nông dân?
04 | 08 | 2008
Sau hơn chục ngày thực hiện việc đánh thuế XK gạo 5% và 10% tấm, theo đó với giá XK từ 600 - 620 USD/tấn thì DN phải chịu thuế 30 USD/tấn, ngay lập tức giá lúa ở ĐBSCL "tụt áp" từ hơn 5.000 đồng/kg xuống còn dưới 4.500 đồng/kg lúa đã phơi khô. Phải chăng chính việc áp thuế XK đã khiến giá lúa ở ĐBSCL "hạ nhiệt"?
Những ngày này nông dân ĐBSCL đều nhờ cậy vào hạt lúa bán đi để lấy tiền trang trải nợ nần mùa vụ và lo cho con cái sắm sửa vào năm học mới. Thế nhưng giá lúa hiện tại đã làm bà con thất vọng và không còn hào hứng như vụ ĐX nữa. Trước sự trượt dốc nhanh của thị trường lúa gạo, đi đâu gặp nông dân cũng nghe than thở: Có lúa bán nhưng không có người mua, có mua thì giá cũng dưới 4.500 đồng/kg. Các loại lúa thơm XK giá chỉ còn 4.000 – 4.500 đồng/kg. Còn riêng lúa MTL 504 và IR 50404 thương lái chê không mua dù nông dân đã bán dưới giá thành sản xuất.

Chỉ vào đống lúa cả ngàn giạ chứa xung quanh nhà, ông Dương Ngọc Em ở ấp Đường Rỗ Lộ, xã Long Thạnh, Giồng Riềng, Kiên Giang lắc đầu: “Lúa chất đầy nhà mà phải mang nợ tứ tung. Mấy bữa trước còn có ghe qua lại hỏi mua lúa, còn 2, 3 bữa nay tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy chiếc nào. Bao nhiêu vốn liếng đổ vào đồng ruộng hết, giờ cần bán ra để trang trải lại không có ai mua. Những năm trước, khi vào chính vụ giá lúa có rẻ một chút nhưng chưa bao giờ nông dân rơi vào tình cảnh không bán được lúa”.

Không riêng gì gia đình ông Ngọc Em mà hàng ngàn hộ nông dân trong khu vực cũng đều chung cảnh ngộ. “Tôi đã thu hoạch xong hơn 10ha lúa cả tuần nay, lúa phơi khô vàng đẹp mà chờ dài cổ cũng chẳng có thương lái thu mua. Công cắt, máy kéo họ còn chấp nhận lấy lúa để trừ. Nhưng còn nợ vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, nợ ngân hàng, không bán được lúa lấy gì mà trả. Khổ nhất là nợ ngân hàng, có lúa đầy nhà mà phải chất đống chịu lãi hàng ngày” – ông Nguyễn Văn Bé ở thị trấn Sóc Sơn, Hòn Đất than thở.

Được biết, trong tháng 8 Việt Nam sẽ tiếp tục xuất khẩu khoảng 400.000 tấn gạo. Như vậy đến hết quý III, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,5 triệu tấn gạo. Hiện nay, giá gạo 5% tấm của Thái Lan trên thị trường thế giới từ 700 - 720 USD/tấn, còn gạo VN dao động từ 620 - 630 USD/tấn. Nếu giá xuất khẩu từ 600 - 620 USD/tấn thì DN phải chịu thuế là 30 USD/tấn nên các DN phải cân nhắc việc thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu. Và thực tế giá lúa đã giảm hơn 500 đồng thì đã ngang bằng với con số chịu thuế 30USD/tấn. Và ai sẽ chịu khoản thuế xuất khẩu này ngaòi nông dân?

Ông Nguyễn Văn Giúp, ấp 1, xã Thành Phú, Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh nói thêm: “Nông dân tụi tui chưa biết tính sao khi giá lúa giảm mạnh trong 10 ngày qua. Tui làm 7 công lúa thu hơn 4 tấn, phơi khô trữ lại với hy vọng được giá nhưng bây giờ thì còn lỗ nặng. Muốn bán lúa để đầu tư phân bón thuốc trừ sâu cho vụ lúa TĐ nhưng giá này làm sao có lời. Hơn nữa, Nhà nước áp dụng thuế XK gạo của các DN thì chẳng khác nào bắt nông dân trồng lúa chịu thuế hộ DN. Tôi là nông dân ít học nhưng tin chắc DN sẽ tính toán có lợi cho họ bằng cách hạ giá lúa để bù vào thuế xuất khẩu”.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, ấp Thanh Trì, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, Trà Vinh cho biết thêm: Cách đây 10 ngày thu hoạch 1ha lúa được 5 tấn, thương lái đến nhà trả với giá 4.800 đồng/kg không bán cố trữ lại chờ giá. Sau hơn 1 tuần trữ lúa không thu được lời mà còn lỗ 500.000 đồng/tấn. Giá lúa tại các vùng sâu chỉ còn 4.200-4.300 đồng/kg, với giá này thì mới chỉ thu lại được vốn là may.

Ông Nguyễn Hữu Trung, Trưởng phòng NN-PTNT Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết, hiện nông dân trong diện đã thu hoạch được hơn 30.000ha lúa, với năng suất trình bình 5 tấn/ha. Tuy nhiên hầu hết nông dân đều đang gặp khó khăn do giá lúa quá thấp lại khó bán. Trước tình hình này, huyện đã làm đề nghị gửi UNDD tỉnh, Sở NN-PTNT, Sở Công thương để chỉ đạo các Cty, DN tăng cường thu mua lúa gạo. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là hầu hết các DN đều kêu thiếu vốn do lãi suất ngân hàng quá cao, hơn nữa lúa đã đầy kho nên không thể thu mua tiếp lúa của nông dân.

Tương tự ở Đồng Tháp, DN không chịu mua lúa cho nông dân, hoặc mua rất dè chừng. Hiện tại, giá lúa trong tỉnh tụt chỉ còn khoảng 4.300 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất lúa đã lên tới 3.500 đồng/kg. Nông dân không chấp nhận bán còn DN thì mua vào rất ít nên khó khăn đang đổ lên đầu nông dân. Trước tình hình này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nên nhanh chóng kêu gọi các DN chia sẻ lợi ích bằng việc cố gắng tiêu thụ lúa cho nông dân.

Trong khi đó một số DN cho rằng, áp thuế XK trong lúc DN XK đang mặc cả với khách hàng nước ngoài là bất hợp lý và hoàn toàn không có lợi cho nông dân. Bởi DN sẽ tính toán cân đối cả giá thành sản xuất, thuế nên đè xuống giá lúa nông dân bán ra. Cần phải thấy rằng lúa gạo trong vùng tạm thời giảm giá và không khí mua bán trầm lắng xuất phát chính yếu là từ thị trường XK cộng thêm áp lực lãi vay ngân hàng. Có DN bức xúc nêu ý kiến: “Trong bối cảnh hiện nay các DN không thể chủ động thương thảo hợp đồng XK với khách hàng chỉ vì mức giá “khống chế” của VFA. Chỉ một hợp đồng XK 1.000-2.000 tấn gạo tấm cũng phải xin ý kiến VFA là quá khó.

Ông Nguyễn Trung Kiên – Giam đốc Cty Gentraco: “Tôi nghĩ trong vòng 3 tháng tới tình hình thu mua lúa và XK gạo sẽ có nhiều chuyển biến thuận lợi. Hiện thời cùng với lãi suất ngân hàng tăng làm các khâu sản xuất, dự trữ tạm thời gặp khó khăn. Có ý kiến cho rằng giá lúa gạo sụt giảm, trong đó có nguyên nhân Chính phủ áp thuế XK lên DN XK gạo có lẽ chỉ đúng một phần. Các DN XK gạo và Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đang kiến nghị Chính phủ về vấn đề này. Hy vọng hết tháng này sẽ khơi thông vướng mắc”.



Nguồn: chebien.gov
Báo cáo phân tích thị trường