Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
300.000 tấn gạo tắc ứ tại Hải Phòng
08 | 04 | 2014
Nguyên nhân sâu xa là do Bộ GT-VT bất ngờ siết chặt kiểm soát tình trạng xe chở quá tải khiến phí vận chuyển tăng cao, người buôn gạo lỗ nặng.
Phí vận chuyển tăng vọt
 
Việc Bộ GT-VT bất ngờ siết chặt kiểm soát tình trạng xe chở quá tải, được coi là một việc nên làm. Nhưng nó lại đang ảnh hưởng không nhỏ tới việc XK gạo sang Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh áp lực tiêu thụ lúa gạo hàng hóa đang rất lớn ở ĐBSCL khi vụ đông xuân đang thu hoạch rộ.
 
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Trung Quốc vẫn đang là thị trường tiêu thụ gạo số 1 và chủ yếu của Việt Nam. Trong quý 1 vừa rồi, nước ta đã XK được 1,219 triệu tấn gạo, thì có tới 40% là đi Trung Quốc. Chính vì thế, việc giữ và đẩy mạnh được lượng gạo XK sang thị trường Trung Quốc đang là một trong những giải pháp sống còn đối với công tác XK và tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong năm nay.
 
Năm ngoái, trong tổng số khoảng 3,5- 3,6 triệu tấn gạo Việt Nam đã XK sang Trung Quốc, có tới 1,4-1,5 triệu tấn đi đường tiểu ngạch. Điều này cho thấy XK gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc đang ngày càng được nhiều DN lựa chọn và là một lối ra quan trọng cho hạt gạo Việt Nam. Đầu năm nay, XK gạo qua đường tiểu ngạch vẫn tương đối nhộn nhịp.
 
Ông Phạm Vỹ Bền, một thương gia trong ngành lúa gạo ở ĐBSCL, lý giải: “Nếu mua gạo qua đường chính ngạch, thì nhà NK phải chịu thuế tới 17%. Còn mua bán tiểu ngạch, họ không phải chịu khoản thuế ấy. Do đó, các nhà NK Trung Quốc vẫn đang thích mua gạo qua đường tiểu ngạch”.
 
Tuy nhiên, từ ngày 1/4 trở lại đây, XK gạo qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đã bất ngờ chùng hẳn xuống. Ông Phạm Vỹ Bền hiện đang có mặt tại Hải Phòng cho hay, nguyên nhân chính là do ngành GT-VT bất ngờ xiết chặt kiểm soát xe chở quá tải trọng. Bởi do bị kiểm soát chặt, nên hiện nay, các xe chở gạo từ Hải Phòng (Hải Phòng là nơi tập kết gạo từ ĐBSCL chở ra bằng đường biển) lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc đều phải giảm rất mạnh lượng gạo chuyên chở so với trước đây, khiến cho cước phí vận chuyển trên mỗi kg gạo XK bị đội lên khá nhiều.
 
Giới thương nhân ở Hải Phòng tính toán, mỗi kg gạo từ Hải Phòng đưa lên cửa khẩu ở Lào Cai đang phải tăng thêm 550-600 đồng cước phí, khiến cho cước phí từ mức 500-550 đ/kg hiện đã tăng lên tới 1.100 đ/kg. Trong khi đó, giá gạo ở cửa khẩu vẫn giữ ở mức từ cuối tháng 3 trở về trước là 9.500 đ/kg (gạo OM 6976). Do đó, các thương nhân buôn bán gạo qua biên giới phía Bắc đang chịu lỗ nặng.
 
Và để giảm lỗ, họ buộc phải giảm mạnh lượng gạo đưa lên biên giới. Vả lại, nếu có muốn đưa gạo lên biên giới cũng rất khó bởi hàng loạt nhà xe do đã gia cố trọng lực, tăng tải trọng so với thiết kế, nên bây giờ không dám đưa xe ra đường vì sợ bị phạt nặng. Vì thế, ước tính trong những ngày đầu tháng 4/2014 này, có khoảng 300 ngàn tấn gạo đang nằm trong các kho ở Hải Phòng.
 
Không những bị lỗ về cước vận chuyển, các nhà buôn gạo còn phải lỗ thêm khoảng 100 đ/kg gạo cho chi phí đưa vào kho cất giữ thay vì bốc thẳng từ tàu lên xe rồi đưa lên biên giới như trước đây. Với mỗi kg gạo đưa từ miền Nam ra Hải Phòng, nếu bình thường, doanh nghiệp chỉ lãi 100-200 đồng. Nay bị lỗ tiền cước tới 550-600 đ/kg, thì không nhà buôn gạo nào chịu nổi.
 
Điều này đang dẫn tới nguy cơ làm ảnh hưởng tới việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL khi mà các tỉnh đang thu hoạch rộ lúa đông xuân. Theo Cục Trồng trọt, đến ngày 4/4, các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch được 1,1 triệu ha lúa đông xuân, sản lượng đã thu hoạch là 7,48 triệu tấn lúa.
 
Trong khi đó, đến hết tháng 3, các DN mới tiến hành thu mua tạm trữ được 349.267 tấn quy gạo (tương đương với khoảng gần 700 ngàn tấn lúa). Mặt khác, khi các DN phải chịu cước phí cao khi bán gạo sang Trung Quốc, nhiều khả năng, giá thu mua lúa gạo hàng hóa trong nước sẽ bị giảm xuống, ảnh hưởng xấu tới lợi nhuận của nông dân.
 
Một thương gia ngành gạo cho rằng việc xiết chặt tình trạng xe chở quá tải trọng là không có gì sai. Nhưng giá như ngành GT-VT thực hiện việc này từ lâu và một cách thường xuyên thì sẽ không gây khó khăn lớn, thậm chí là làm thiệt hại không nhỏ cho các DN XK gạo nói riêng và XK nông sản nói chung.
 
Bởi nếu như lâu nay, việc kiểm soát tải trọng xe tải được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, thì giá cước vận chuyển gạo hay nông sản khác chắc chắn phải khác (theo hướng cao hơn) so với giá cước từ tháng 3/2014 về trước, qua đó DN có cơ sở để đàm phán giá XK với bạn hàng Trung Quốc. Đằng này, ngành GT-VT cứ thả nổi việc xe chở quá tải trọng, rồi lại bất ngờ xiết chặt, khiến cho DN XK gạo trở tay không kịp bởi đã chốt giá với nhà NK khi tính với giá cước vận chuyển cũ rồi.
 
Một thương nhân khác lại tiết lộ rằng ở Trung Quốc, người ta không xiết tải trọng căn cứ vào tải trọng thiết kế như ở ta, mà nếu DN muốn tăng thêm tải trọng của xe so với tải trọng thiết kế, chỉ cần DN có biện pháp gia cố thêm trọng lực như thêm số bánh xe..., và đảm bảo đóng thêm và đủ số thuế của chỗ hàng hóa vượt tải trọng cho phép, thì DN vẫn được phép chở nông sản quá tải trọng một cách bình thường.
 
Theo Nông nghiệp Việt Nam

 



Báo cáo phân tích thị trường