GS.TS Nguyễn Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hội giống cây trồng Việt Nam đã đặt vấn đề khi lý giải sự khó khăn của Việt Nam trước cuộc chiến giá gạo và nguy cơ giảm giá là điều rõ ràng.
Nông dân thiệt đơn, thiệt kép
TS Nguyễn Ngọc Kính e ngại Việt Nam khó mà cạnh tranh được bởi vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp đang phụ thuộc nước ngoài quá nhiều. Do vậy nếu hạ giá thấp quá, người nông dân thiệt đơn thiệt kép?!.
GS Kính nhắc lại dự án phát triển giống lúa lai được Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn thực hiện từ năm 2003 với sự nuối tiếc và vô cùng bức xúc: “Đầu tư dự án 338 tỉ đồng mà hiện nay giống lúa lai vẫn nhập khẩu trên 70%, trong khi đó Bộ trưởng đã hứa trước Quốc hội là sẽ tự túc hơn 70%”.
TS Kính còn thừa nhận thực trạng nông dân phải mua vật tư ngày càng cao vì độc quyền của doanh nghiệp, trong khi bán giá thấp hơn giống chưa đạt được tiêu chuẩn.
“Trong chuỗi lợi nhuận từ sản xuất lúa gạo, hiện tại chỉ thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu hưởng nhiều nhất. Nguyên nhân do doanh nghiệp xuất khẩu chưa gắn kết chặt chẽ với nông dân thông qua việc cung cấp đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm.
Doanh nghiệp không muốn tái đầu tư cho nông dân mà chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh khác như vật tư nông nghiệp, hàng hóa công nghiệp, bất động sản… để tìm kiếm lợi nhuận. Cứ như thế thì làm sao có thể cạnh tranh?”, TS Kính bức xúc.
Thực tế lợi nhuận từ kinh doanh lúa gạo đang rơi vào tay thương lái khá nhiều là bất hợp lý. Song giới chuyên môn nhận định chừng nào thị trường lúa gạo còn ở thế độc quyền từ khâu phân phối vật tư, giống lúa tới xuất khẩu (chỉ Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), chiếm tới hơn 50% thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam), thì người dân sẽ còn thiệt thòi. Sẽ không có doanh nghiệp tư nhân nào muốn ‘xen’ vào để cạnh tranh.
Làm giống – định hướng sai
Trở lại lý giải gạo Việt Nam gặp khó ngay từ giống lúa nhiều ý kiến cho rằng muốn nâng giá trị hạt gạo Việt Nam phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, nghĩa là không xuất khẩu gạo theo kiểu hàng chợ. Đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu chủ động tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đơn hàng đặt hàng từ phía nhập khẩu. Chẳng hạn như, thị trường châu Âu muốn mặt hàng gạo gì, thị trường Mỹ muốn gạo gì. Lúc đó doanh nghiệp sẽ đặt hàng trực tiếp người nông dân, người nông dân tổ chức lại sản xuất, kinh doanh.
GS Nguyễn Ngọc Kính cho rằng, nếu chúng ta có chiến lược xuất khẩu bài bản thì không chỉ giúp cho việc chủ động xuất khẩu mà còn định hướng được cho vấn đề nghiên cứu. Ví dụ chúng ta định xuất khẩu gạo chất lượng cao vậy chiếm thị phần thế nào rồi mới định đoạt để làm số giống. Hay Thái Lan trồng gạo chất lượng cao rồi thì mình có nên đi vào chất lượng cao để cạnh tranh hay chỉ tập trung vào gạo trung bình thôi?
“Thế nhưng từ trước đến nay định hướng của chúng ta là sai. Gạo chất lượng cao Thái Lan đã làm rồi, gạo chất lượng trung bình châu Phi đã làm rồi nên không chú ý vào gạo chất lượng cao. Ngay từ khâu này ta đã lúng túng nên mới có tình trạng mỗi nơi, mỗi giống như vậy”, GS Kính nói.
Về vấn đề này PGS-TS Nguyễn Thị Trâm, nguyên giảng viên Trường ĐH Nông nghiệp I - tác giả của giống lúa lai TH3-3, một giống lúa lai hai dòng 100% "made in VN" được chuyển nhượng cho một công ty tư nhân với giá kỷ lục 10 tỉ đồng cũng thừa nhận khó khăn của việc thiếu chiến lược thì khó mà có những giống lúa thế mạnh, đột phá.
Ngay chính như giống lúa tên tuổi do bà tạo ra cũng chỉ có thể phù hợp với đồng ruộng miền Bắc. “Các nhà khoa học gắn bó với nghề thì đã lớn tuổi rồi, trong khi việc nghiên cứu sâu một giống lúa phù hợp là không đơn giản. Do vậy nếu không có chiến lược tập trung nghiên cứu, lựa chọn giống tiêu biểu dành cho xuất khẩu thì khó mà có thương hiệu gạo riêng cho Việt Nam”, bà Trâm lo ngại.
Theo Bích Ngọc
Đất Việt