Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá lúa giảm, nông dân nghèo, vì đâu?
24 | 09 | 2008
Việc xuất khẩu gạo của chúng ta năm nào cũng có vấn đề. Những điệp khúc: “trúng mùa rớt giá”, “giá lúa giảm do thu hoạch rộ”, “giá lúa giảm do doanh nghiệp kẹt vốn” năm nào cũng vang lên như một tín hiệu kéo giá lúa xuống thấp.
Năm nay khi mà thế giới thiếu lương thực trầm trọng và giá gạo tăng đột biến, nông dân Thái Lan đã hưởng lợi từ tình hình này. Còn nông dân Việt Nam bán gạo với giá thấp và hiện tại có lúc không có cả người mua.

Điều gì đã tạo ra sự khác biệt đó? Theo tôi, có những khác biệt chính như sau:

1- Chính phủ Thái lan trực tiếp mua lúa của nông dân

“Ngày thứ Sáu, 5-9, Chính phủ Thái Lan đã thông báo sẽ tăng thêm 40% số lúa mua với mức giá bảo đảm cho nông dân. Mức giá bảo đảm không thay đổi do Chính phủ công bố là 14.000 baht/tấn lúa chưa chế biến… Chính phủ Thái Lan từ trước đến nay vẫn áp dụng chính sách mua lúa của nông dân, sau đó tùy thời điểm sẽ bán lại cho các công ty xuất khẩu” (1)

Trước đó vào khoảng giữa tháng 5/2008, Chính phủ Thái Lan cũng đã mua lúa thường của nông dân với giá 14.000 baht/tấn (tương đương với 7.000.000 đồng Việt Nam) (2)

Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam giao việc xuất khẩu gạo cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Điều này có một số hạn chế như sau:

Việc xuất khẩu gạo có nhiều tầng lớp trung gian nên không thể đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu và điều này cũng làm tăng chi phí.

Việc xuất khẩu gạo nhiều lúc cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, cùng hệ thống ngân hàng. Không có sự điều hành trực tiếp của Chính phủ thì việc phối hợp này không thực hiện được.

Nhiệm vụ kinh doanh của các doanh nghiệp trong VFA là đạt lợi nhuận và đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu gạo được giao. Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong VFA = giá bán gạo xuất khẩu – (giá thu mua gạo trong nước + phí xuất khẩu). Lợi nhuận này không phụ thụôc vào giá gạo xuất khẩu mà chỉ phụ thuộc vào sự chênh lệch giá. Do đó, nếu ký bán gạo xuất khẩu giá thấp thì các doanh nghiệp sẽ ép giá mua lúa của nông dân và họ vẫn có lời.

Vì lợi nhuận do chênh lệch nên các doanh nghiệp trong VFA không thiết tha đến việc tạo thương hiệu cho công ty mình và thương hiệu cho gạo: “Gạo xuất khẩu không có tên, chỉ gọi chung là “gạo trắng hạt dài”, và phân biệt bởi phần trăm tấm : 5%, 10%, 25% (3)

Việc đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu được giao đôi khi đã khiến cho các doanh nghiệp trong VFA ký bán gạo giá càng lúc càng thấp có lúc dẫn đến lỗ lã: “Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu gạo cho rằng việc các doanh nghiệp đua nhau ký hợp đồng bán gạo khi giá đang thấp không phải do “thiếu vốn”, mà là chạy theo “thành tích xuất khẩu” (4)

Là hiệp hội kinh doanh xuất khẩu gạo mà khi giá gạo thế giới lên lại ngừng ký hợp đồng nên mất hết các bạn hàng truyền thống, đến khi giá gạo xuống không tích cực tìm kiếm khách hàng lại tự ý ngừng mua đẩy hết gánh nặng lên vai nông dân. Trao lúa gạo cho hiệp hội như vậy nông dân chúng tôi không thể chấp nhận được.

2- Bộ Nông nghiệp Thái Lan có chiến lược lúa gạo cụ thể

Vào năm 2004, Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã Thái Lan đã soạn thảo chiến lược lúa gạo giai đoạn 2004- 2008. Đây là chiến lược nhằm hoạch định đường lối nâng cao hiệu quả phát triển lúa gạo của Thái Lan trong những năm trước mắt. Bản dự thảo gồm 5 lĩnh vực: 1/ Nâng cao năng suất; 2/ Nâng cao giá trị; 3/ Tiếp thị quy mô toàn cầu; 4/ Đảm bảo đời sống người lao động và tránh rủi ro; 5/ Nâng cao hiệu quả dịch vụ.

Còn chúng ta thì trồng giống gì, bán ra sao, là do tự nông dân.

3- Gạo Thái Lan có uy tín trên thị trường thế giới hơn gạo Việt Nam

Chỉ Thái Lan và Việt Nam có gạo 5% tấm. Chất lượng gạo như nhau, nhưng gạo Thái Lan luôn bán cao giá hơn gạo Viêt Nam từ 50 đến 100 đô la Mỹ/tấn. Sự chênh lệch này là do thương hiệu.

Có một điều cần phải nói rõ là không phải vì cạnh tranh với Thái Lan mà gạo chúng ta có giá thấp: gạo thường của Thái Lan luôn bán với giá cao hơn gạo của ta. Thế giới thiếu lương thực trầm trọng nên lý do cạnh tranh là không có lý.

Tóm lại, Chính phủ nên trực tiếp thực hiện việc xuất khẩu gạo. Phân phối lợi nhuận cho nông dân và cho các doanh nghiệp trong VFA một cách công bằng; đặt ngang bằng tiếng nói của hội nông dân và tiếng nói của VFA; đánh giá đúng đắn ý kiến của nông dân trong mọi hoạt động liên quan đến nông nghiệp.

Vài tháng nữa nông dân chúng tôi sẽ làm lúa đông xuân. Đây là vụ chính của chúng tôi. Rất mong rằng những hạt lúa đông xuân sẽ được trao vào tay Chính phủ. Rất mong chúng ta có được một chiến lược lúa gạo hợp lý để nông dân chúng tôi có một vụ thu hoạch “trúng mùa được giá".





Nguồn: Thông tin thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường