Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Cấy lúa" trên lưng nông dân
23 | 05 | 2008
Ông Lê Văn Lam - một nông dân ở Đồng Tháp - gửi thư lên Thủ tướng bày tỏ bức xúc của người làm ra hạt gạo nhưng đời sống quá khó khăn, đề xuất Chính phủ có chính sách để doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân với giá hợp lý nhất.
Nguyện vọng đó không chỉ riêng của ông Lam, mà của đa số người nông dân hiện nay.

Khó khăn ở chỗ nào vậy? Đó là giá lúa thấp, không đủ để bù đắp cho đầu tư sản xuất. Đợt ngừng xuất khẩu gạo này khiến cho giá lúa tụt thê thảm, người nông dân khốn đốn vì sản phẩm của mình làm ra bị hạ giá, trong lúc hàng hoá khác lại tăng cao.



Câu hỏi đặt ra là liệu giá lúa xuống là theo quy luật của thị trường, hay có sự thao túng của những người có tiền và có quyền? Trong tình hình hạn chế xuất khẩu gạo, một số cá nhân, doanh nghiệp đầu cơ thu mua lúa ép giá. Họ biết chắc rằng người nông dân nghèo khổ dù biết bị gài vào thế bán rẻ, cũng không có cách nào khác.

Nông dân thiếu nợ ngân hàng, nợ các nhà cung cấp phân bón đến ngày phải trả, không bán lúa thì tiền đâu ra. Còn các ông chủ đầu cơ thừa sức tính toán, sau khi cho phép xuất khẩu gạo trở lại, họ sẽ hưởng chênh lệch cực lớn vì giá gạo thế giới đang cao và sẽ cao ngất ngưởng.

Ông Lê Văn Lam không quá lời khi nói: "Họ (tức các doanh nghiệp) làm ruộng, cấy lúa trên lưng người nông dân chúng tôi, nông dân mấy chục năm làm lúa cũng chỉ đủ ăn là mừng, trong khi các doanh nghiệp ngồi mát mà ăn tiền tỉ".

Nhìn lại thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước vừa qua tại Quốc hội, trong năm 2006, các doanh nghiệp nhà nước vay hơn 48.000 tỉ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nhưng làm ra chỉ 42.000 tỉ đồng.

Các doanh nghiệp nhà nước thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng làm không đủ trả nợ, ngược lại nguồn thu từ thuế nông nghiệp đạt 130% dự toán. Người nông dân "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để làm ra nguồn gạo dồi dào.

Trong lúc lạm phát gia tăng và nhập siêu quá lớn, thì hạt gạo xuất khẩu của VN góp phần giảm bớt sự thiếu hụt cán cân thương mại quốc gia. Công của nông dân lớn như vậy, không thể để hạt lúa mà họ làm ra chịu cảnh lầm than.

Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia thì phải tính toán đến các chỉ tiêu xuất khẩu gạo, không thể vì lợi nhuận cao mà xuất bằng được, đó là chính sách đúng đắn. Tuy nhiên, còn một chính sách cũng rất đúng đắn song hành là phải thu mua lúa của nông dân hợp lý, đảm bảo tương ứng với giá gạo hiện nay trên thị trường.

Các tổng công ty lương thực, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Nhà nước phải thực hiện được điều đó. Hãy chia sẻ lợi nhuận cho người nông dân để họ bớt khốn khổ.


Nguồn: Lao Động

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường