Tại hầu hết các địa phương trong khu vực ĐBSCL, giá lúa dao động từ 3.100 - 3.200 đồng/kg đối với lúa hè thu, lúa đông xuân cũ là 3.200 - 3.300 đồng/kg. Riêng lúa Jasmines đã vượt qua ngưỡng 4.000 đồng/kg!
Từ đầu tháng 11 này, giá lúa thường ở ĐBSCL đã vượt qua ngưỡng 3.000 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất kể từ khi Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu lúa gạo thế giới. Hiện nay, dù giá lúa có cao đến đâu thì đại bộ phận nông dân ĐBSCL cũng chẳng có lúa để bán.
Có một thực tế là nông dân chỉ tâm đắc một điều: cố gắng sản xuất ra thật nhiều lúa gạo bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Mỗi khi nghe được thông tin các doanh nghiệp Việt Nam ký được nhiều hợp đồng bán gạo ra nước ngoài thì lòng mừng khấp khởi vì họ biết rằng hạt lúa mình làm ra đã có đường đi. Thế nhưng, suốt thời gian qua, giá lúa gạo trong nước luôn ở mức thấp, trong khi giá vật tư nông nghiệp, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật luôn tăng và giá năm sau lại cao hơn năm trước.
Có một nghịch lý là khi nông dân đi mua các loại vật tư phục vụ nông nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật thì thị trường luôn định giá cho họ. Nhưng khi họ làm ra sản phẩm thì người nông dân không thể tự định giá cho nông sản của mình. Đã vậy có lúc xuất hiện những doanh nghiệp vì lý do cạnh tranh thị trường bỏ giá thầu xuất khẩu gạo thấp, bất chấp khuyến cáo của Nhà nước.
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng: “Các vùng trồng lúa trọng điểm Việt Nam tự nhiên là những vùng quy hoạch lúa hàng hóa lớn. Vấn đề chính là ở đây. Cũng gần như tự nhiên nó lại là vùng an ninh lương thực cho cả nước và là khu vực để điều hành vĩ mô tác động như là một công cụ chống lạm phát. Trong khi khu vực sản xuất nông nghiệp là khu vực nghèo, khu vực trồng lúa càng nghèo hơn trong khu vực nông nghiệp, đó là đặc điểm chung không chỉ riêng Việt Nam.
Giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng, làm giá thành lúa tăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và địa phương chỉ có cách khuyến khích nông dân thực hiện Chương trình “ba giảm, ba tăng”.
Ngược lại, giá lúa có tăng lên khá hơn một chút là các công cụ điều hành vĩ mô lập tức được triển khai. Chỉ tiếc trong nhất thời và trong điều kiện mà cơ sở hạ tầng yếu kém của vùng trồng lúa, kể cả hạ tầng thương mại cho vùng trồng lúa chưa thể phục vụ cho chuyển dịch nhanh cơ cấu cây trồng, cộng thêm lúa dù khó khăn mấy cũng dễ bán hơn các hoa màu khác. Vậy thử hỏi lúc nào vùng trồng lúa và người trồng lúa vươn lên bình đẳng bằng chị bằng em?”.
Đứng về góc độ của doanh nghiệp xuất khẩu gạo, khi có công văn của Chính phủ về việc ngừng xuất khẩu gạo, ông Huỳnh Hiệp Thành, Phó giám đốc Cty lương thực Tp.HCM nhận xét, do ảnh hưởng của rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá gây thiệt hại nặng trên vụ lúa thu đông và do chúng ta xả lũ ngăn chặn dịch hại nên diện tích gieo trồng và năng suất trong vụ lúa này giảm mạnh. Lúa hàng hoá trên thị trường không còn dồi dào như trước, cầu vượt cung khiến giá lúa gạo trong nước tăng liên tục trong thời gian qua, làm ảnh hưởng đến việc thu mua lúa gạo của doanh nghiệp.
Việc lượng lúa hàng hoá trên thị trường giảm mạnh đã đẩy giá lúa gạo trong nước tăng kỷ lục. Đây cũng là dịp để các nhà hoạch định chiến lược kinh tế của Nhà nước nhìn lại kế hoạch sản xuất lương thực của Việt Nam.
Thử hỏi từ trước đến nay, kế hoạch cho cây lúa của chúng ta có phù hợp với nhu cầu lúa gạo thực tế trên thị trường không? Có phải từ trước đến nay chúng ta chỉ hô hào nông dân cả nước sản xuất lúa gạo mà không tính đến bài toán cung cầu, để trong suốt thời gian dài hạt lúa của bà con nông dân chưa được định giá đúng mức?
Trong bất kỳ thị trường nào, quy luật cung cầu luôn tồn tại, nếu không tính toán kỹ, không đưa ra quy hoạch về diện tích trồng lúa hợp lý thì hạt gạo của bà con nông dân sẽ vẫn mãi không được đánh giá đúng, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của WTO. Hàng nông sản của nông dân không còn được Nhà nước trợ giá, khi mà nông dân vẫn còn bỡ ngỡ trước cách làm ăn mới trong thời hội nhập, thì vai trò của Nhà nước trong công tác hoạch định mang tầm chiến lược lại cần thiết hơn bao giờ hết.