Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá gạo thế giới vượt mức 1.000 USD/tấn, nông dân vẫn… ưu tư!
25 | 04 | 2008
Cuối tháng 4-2008, giá gạo trên thế giới đã vượt ngưỡng 1.000 USD/tấn, tăng gần 3 lần so với cuối năm 2007. Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực xảy ra nhiều nơi trên thế giới, nông dân ĐBSCL đang đổ xô trồng lúa. Ngay bán đảo Cà Mau – nơi được xem là “bất khả xâm phạm” của con tôm sú - giờ cây lúa cũng “lấn sân”.
Dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, giá lúa vẫn tăng!?

“Thời gian qua, các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước liên tục cập nhật diễn biến giá gạo thế giới tăng mạnh. Nông dân Hậu Giang mừng ra mặt” – ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết. Tại Cái Răng, Cần Thơ – nơi được mệnh danh là trung tâm “buôn gạo” của dân hàng xáo, không khí trên bến, dưới thuyền của thương lái tấp nập. “Mỗi ngày giá gạo tăng 120 đồng/kg, tình trạng này kéo dài một tuần qua. Giá gạo nguyên liệu ngày 22-4, đạt 7.000 đồng/kg, tăng gần 800 đồng/kg so với tuần rồi. Giá lúa theo đó nhảy lên 5.000 - 5.300 đồng/kg, tăng 800 – 1.000 đồng/kg so với tháng rồi” - Khánh Lớn, một lái gạo kỳ cựu ở Cái Răng cho biết.

Theo Khánh Lớn, giá lúa – gạo đã tăng tột đỉnh trong gần 20 năm qua. Giá cao nhưng “cơn sốt” lúa - gạo vẫn nóng lên từng ngày. Các lái buôn hoạt động hết công suất cũng không đủ nguyên liệu cung cho doanh nghiệp. Giá gạo bán buôn ở các chợ ĐBSCL nhảy lên 10.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với tuần rồi.

“May mắn là nông dân Hậu Giang nắm rõ tin tức thời sự về giá lúa – gạo. Nhiều nông dân vẫn trữ lúa trong nhà. Vụ đông-xuân vừa thu hoạch, Hậu Giang đạt sản lượng khoảng 500 ngàn tấn, trong đó, nông dân còn dự trữ trên 200 ngàn tấn” – ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang sau khi đi thực địa khảo sát tình hình dự trữ lúa trong dân cho biết. Theo ông Đồng, giá thành sản xuất lúa đông-xuân là 2.300 đồng/kg, nông dân bán giá 4.600 đồng/kg, lời 50%; nếu bán giá trên 5.000 đồng/kg như hiện nay có thể lời đến 60%. “Nông dân Chợ Mới – An Giang bán lúa giá trên 5.000 đồng/kg, thiệt sướng tay. Giá mà để lúa giá tăng tự nhiên theo thị trường, nông dân làm ra hạt lúa ở ĐBSCL mừng lắm. Lâu lắm rồi mới thấy cây lúa “lên hương” như thế”, ông Nguyễn Quang Nguyên, Chủ nhiệm HTX Hiệp Hòa, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới – An Giang nói trong sự phấn khích.

Hạt lúa vẫn còn “ưu tư”?

“Hạt lúa tăng giá, nông dân mừng lắm. Nếu để giá lúa tăng tự nhiên, 80% dân số làm nông nghiệp – chủ yếu là nông dân nghèo sẽ hưởng lợi”, GS-TS Võ Tòng Xuân nói. Nhưng hiện tại, “tính tới, tính lui” đâu chỉ có giá lúa tăng, giá cả vật tư vẫn nằm trong “cơn bão giá”, hạt lúa vẫn lắm... ưu tư!

Tại Cần Thơ, ngành nông nghiệp tính giá thành bình quân 1 kg lúa khoảng 2.500 đồng, trong đó giá vật tư nông nghiệp chiếm trên 50% - 60%. Nhưng nông dân không “có quyền” cộng hết chi phí, công cán vào giá thành. Mấy năm trước, vụ đông-xuân, nông dân lời 20% - 30%, nếu giá phân thuốc, công cán ổn, lời 40% - 50%. Giá thành 1kg lúa 1.500 đồng, bán được 1.950 đồng/kg, lời 30% là mừng, bán được 2.100 đồng/kg là phúc. Vụ đông-xuân 2007 - 2008, chưa vô vụ giá urê leo lên: 8.000 đồng/kg, DAP trên 20.000 đồng/kg, chưa tính NPK, phân bón lá... Tới thu hoạch, giá lúa đầu vụ là 4.000 - 4.100 đồng và lên 5.000 đồng/kg rồi tụt xuống 4.500 đồng/kg. Nếu đợt lúa đầu giá phân chưa lên cao thì lời khá, nhưng khi giá cả đồng loạt leo thang thì khoản lời teo lại. Năm nào trúng mùa được giá thì đi sắm vàng làm của. Làm được 1 ha, năng suất 6 - 7 tấn lúa, nếu giá lúa 2.100 đồng/kg, lời 40%, thành tiền: 12,6 - 14,7 triệu đồng ra chợ mua vàng với giá 12,5 triệu đồng/lượng thì ít gì cũng được 1 lượng vàng. Bây giờ, 1 tấn lúa bán được 5,1 triệu đồng x 6 tấn/ha = 30,6 hoặc 35,7 triệu đồng, lời từ bán lúa: 12,2 - 14,2 triệu đồng. Nếu đầu vụ bán vàng mua phân bón, thuốc trừ sâu... thì cuối vụ lỗ mấy chỉ vàng(!).

Tính toán là vậy, nhưng nông dân thấy giá lúa tăng vẫn “mê”. “Hơn 5 năm trước, bán 100 kg lúa mới mua được 1 kg tôm. Giờ 1 kg tôm đổi ngang 20 kg lúa. Nông dân quay lại làm lúa nhiều lắm”, ông Tư Hơn, nông dân ở huyện U Minh – Cà Mau so sánh. Diện tích lúa ở Cà Mau gieo sạ vụ rồi tăng vượt bậc. Dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Nhiều địa phương, mấy năm trước “cấm” nông dân sản xuất lúa vụ 3 (thu-đông), giờ “xả cửa” cho nông dân làm lúa “hốt bạc” như Hậu Giang, An Giang…

Không vội vã xé... rào

ĐBSCL vừa thu hoạch xong hơn 1,5 triệu ha lúa, sản lượng đạt khoảng 9,9 triệu tấn (tương đương gần 5 triệu tấn gạo). Có ý kiến cho rằng, việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu gạo ngừng hợp ký đồng mới cho đến tháng 6-2008 là quá… “thủ”. Vì hiện tại, gần như Thái Lan độc chiếm thị trường “béo bở” từ các hợp đồng xuất khẩu gạo mới trên thế giới. Việc “tạm dừng” ký kết hợp đồng vô tình chỉ tiếp sức Thái Lan làm giàu!? Trong khi đó, nhiều trà lúa hè – thu ở ĐBSCL đang phát triển tốt và dự kiến sẽ bắt đầu thu hoạch vào cuối tháng 6-2008. Ý kiến này không phải vô lý. Tuy nhiên, nếu tính đến những trắc trở trong sản xuất lúa ở miền Trung và miền Bắc vừa qua và sắp tới; sự biến động của giá lương thực, bất ổn chính trị ở một số nước… chuyện dự trữ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là cần thiết.

“Ở ĐBSCL, tăng diện tích sản xuất lúa vụ 3 là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Song phải bình tĩnh, không thể bất chấp vội vã để nông dân xé rào xuống giống tùy theo ý thích”, tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến cáo. Theo ông Dư, hiện dịch rầy nâu, vàng lùn – lùn xoắn lá vẫn là nguy cơ tiềm ẩn. Các địa phương cần chủ động kiểm soát nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ để né rầy nâu; tăng cường sử dụng các giống chống chịu, kháng rầy. Khuyến cáo nông dân áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”. Đặc biệt, không được sử dụng một giống lúa quá 20% diện tích sản xuất trong vùng để tránh “mất trắng” do rầy nâu tấn công. Đây là những biện pháp cấp bách để bảo đảm an ninh lương thực; duy trì nguồn nguyên liệu xuất khẩu ổn định.

Nguồn: SGGP

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường