Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam phản ứng kịp thời với thị trường lúa gạo
03 | 01 | 2009
Thị trường lúa gạo Việt Nam trong thời gian vừa qua luôn biến động với những cơn sốt bất thường về nhu cầu xuất khẩu gạo. Đã có những thời điểm giá gạo xuất khẩu được đẩy lên hơn 1000USD/tấn. Nhưng cũng có những lúc thị trường trở nên trầm lắng, lúa thu hoạch không bán được, rớt giá, bị thương lái ép bán rẻ khiến cho người nông dân bị thiệt thòi và phái có sự can thiệp của Nhà nước.

Trong cuộc họp giao ban ngày 9/8/2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dã từng kết luận là “Việc triển khai thu mua lúa – gạo ở ĐBSCL cần phải đảm bảo lợi ích trong mối quan hệ nông dân, thương lái, doanh nghiệp”. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có chỉ đạo các bộ, ngành, hiệp hội, UBND các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tổng công ty lương thực tập trung thu mua hết lúa hàng hóa vụ hè thu, đảm bảo người trồng có lãi từ 40% trở lên. Liệu có tính toán cụ thể nào chứng minh tỷ lệ lợi nhuận 40% là đảm bảo khuyến khích cho người trồng lúa giữ diện tích đất lúa? Và liệu những khó khăn của thị trường trong nước có làm ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam khi thời cơ đến? Và từ trước đến nay cũng chưa có sự đánh giá tổng kết đầy đủ nào về thị trường lúa gạo trong nước trong hoạt động xuất khẩu.

Tại cuộc hội thảo Chính  sách, điều hành và vấn đề an ninh lương thực miền núi vừa qua do Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT tổ chức, Thạc sĩ Phạm Hoàng Ngân cho biết : Công tác chế biến và kinh doanh lúa Việt Nam từng bước được cải thiện, hiệu quả xuất khẩu tăng thể hiện bằng khoảng cách hẹp dần giữa giá xuất khẩu của Việt Nam so với giá gạo thế giới. Năm 1990, giá gạo Việt Nam xuất khẩu loại 5% tấm chỉ bằng 66,6% so với giá gạo thế giới. Giai đọan 1991-1993, khoảng cách giá gạo Việt Nam loại 5% tấm xuất khẩu đã được rút xuống 75-77% so với giá gạo thế giới. Giai đoạn 1994-1997, chiếm 83-85%, 1998-2000, giá gạo tiếp tục rút ngắn khoảng cách, chiếm 91-95% so với giá gạo thế giới.

Suốt giai đoạn 1990 cho đến 1998, giá gạo thế giới liên tục giữ ở mức cao, vì thế sản xuất lúa gạo thế giới liên tục tăng và đó cũng là xu thế tăng trưởng đều đặn của sản xuất  lúa Việt Nam. Từ năm 1999, giá lúa thế giới bắt đầu đi xuống, năm 2000 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP cho phép chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác hiệu quả hơn, cơ chế thị trường vận hành, điều tiết sản xuất, diện tích trồng lúa giảm bớt, tốc độ tăng sản lượng chững lại, sản lượng lúa năm 2001 và 2002 đạt mức 34-35 triệu tấn và hiệu quả sản xuất vẫn cao thể hiện rõ ở giá xuất khẩu gạo tăng. Năm 2002 là năm đầu tiên giá gạo Việt Nam cao hơn 16,6% so với giá gạo thế giới. Giai đoạn 2003-2004, tuy giá lúa gạo thế giới có xu hướng phục hồi nhưng mặt bằng giá vẫn ở giới hạn thấp, chưa đạt tới mức cao trước đây. Sản lượng lúa Việt Nam vì vậy chững lại, tăng chậm ở mức 35-36 triệu tấn từ 2003-2007

Giai đoạn 2005-2007, do tác động của việc tăng giá các yếu tố đầu vào sản xuất, giá dầu mỏ thế giới tăng, nhu cầu đất trồng các cây lương thực sản xuất nhiên liệu sinh học tăng... nên tuy sản xuất và cung ứng lúa gạo thế giới tương đối ổn định, nhưng giá lương thực thế giới tăng rõ. Giá gạo xuất khẩu thế giới đạt 300-320 USD/tấn, tăng khoảng 20-30 USD/tấn so với năm 2005, tốc độ tăng giá khoảng 6%/năm. Trong giai đọan này, mặc dù phải vượt qua nhiều yếu tố bất lợi trong sản xuất (năm 2005 bão lớn làm mất 600 ngàn tấn, năm 2006 rầy nâu ở đồng bằng sông Cửu Long làm mất gần 1 triệu tấn lúa, năm 2007 đồng bằng này giảm diện tích lúa vụ thu đông để phòng chống rầy, việc chuyển đất lúa sang công nghiệp và đô thị tăng nhanh, giá lao động và vật tư nông nghiệp tăng cao,…) nhưng sản xuất lúa ở Việt nam vẫn duy trì ở mức sản lượng 36 triệu tấn,

Mức sản xuất lúa gạo của Việt Nam trong giai đọan này thể hiện khá hợp lý quan hệ cung cầu, với mức xuất khẩu khá cao, giá gạo Việt Nam xuất khẩu bằng khỏang 90% so với giá gạo thế giới, nếu tăng sản lượng nữa thì đã phải tăng xuất khẩu và giá xuất của Việt Nam sẽ tụt thấp hơn, giảm hiệu quả.

Như vậy, giai đọan (2005-2007) giá gạo trên thế giới tăng, Việt Nam phản ứng kịp thời với thị trường, duy trì sản xuất và xuất khẩu lúa gạo ở mức cao hợp lý, cũng không có chuyện lỡ nhịp.

Sản xuất, xuất khẩu đầu năm 2008: do các đột biến về cầu, giá gạo thế giới xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2008 tăng gần 260 USD/tấn so với thời điểm đầu năm 2008. Như các năm trước, vào đầu năm, Hiệp hội Lương thực VN và các doanh nghiệp triển khai tìm và ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo sản xuất ngay từ vụ đông xuân. Trong 2 tháng đầu năm 2008, Việt Nam đã ký các hợp đồng với tổng khối lượng gạo xuất khẩu là 2,4 triệu tấn, gần 60% so với kế hoạch chỉ tiêu xuất khẩu gạo của cả năm 2008 (4-4,5 triệu tấn), thời gian giao hàng đến hết tháng 6. Lượng gạo này tương ứng với mức xuất khẩu bình thường từ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cho đến thời điểm này dự báo về sản lượng gạo miền Bắc chưa rõ ràng do vụ đông xuân vừa trải qua rét đậm.

Khi giá gạo trong và ngoài nước lên mạnh, trong tình hình lạm phát trong nước tăng đột biến, từ 25/3, Chính phủ chỉ đạo doanh nghiệp ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Đến hết tháng 6/2008, các doanh nghiệp chỉ thực hiện các hợp đồng đã ký.

Trong tháng 3 và tháng 4, do đã chốt giá từ thời điểm ký các hợp đồng xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gạo với giá thấp hơn giá thế giới từ 30-40%. Trong tháng 5, giá xuất khẩu của Việt Nam đã theo sát hơn, bằng 84% so với giá gạo thế giới, và đến tháng 6, giá xuất khẩu bình quân của Việt Nam đã hồi phục hoàn toàn, đạt 1004 USD/tấn, cao hơn giá thế giới 24%, nhưng phần khối lượng giao tháng 6 chỉ còn lại 210.000 tấn gạo, phần lớn lượng gạo đã xuất trong tháng 2-4. Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2008, Việt Nam xuất khẩu 2,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,8 tỷ USD. Tính bình quân 4 tháng đầu năm 2008 và 7 tháng đầu năm, giá gạo Việt Nam xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 83-85% so với giá gạo thế giới . 
Từ những thực tế sản xuất và xuất gạo nói trên cho thấy Việt Nam đã và đang chủ đông với việc xuất khẩu gạo ra thế giới đem về một nguồn thu ngoại tệ lớn.



Thuận Phương/AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường