Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghệ An: Người trồng mía điêu đứng vì nhà máy thu mua chậm
14 | 05 | 2008
Chưa năm nào dân trồng mía ở Phủ Quỳ (vùng nguyên liệu Cty liên doanh mía đường Nghệ An TATE&LYLE) lại rơi vào tình trạng mía bị ứ đọng nhiều như năm nay.

Mặc cho người dân đang kêu trời, còn nhà máy vẫn đủng đỉnh. Điều này không những gây thiệt hại lớn về năng suất sản lượng mía mà còn làm cho nông dân  rơi vào  khó khăn.

Tại huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, nhiều ruộng mía đã đến kỳ thu hoạch mà vẫn chưa được nhà máy cho lệnh chặt. Riêng Nghĩa Đàn là huyện có diện tích mía đang ứ đọng nhiều nhất. Nhiều người dân bức xúc khi mía đã quá kỳ thu hoạch cả tháng trời mà vẫn chưa thấy Nhà máy đường NAT&T thu mua.

Được biết, Nghĩa Mai là xã nghèo nhất và là xã có diện tích mía ứ đọng nhiều nhất ở vùng nguyên liệu. Bà con nông dân ở đây đang kêu trời vì mía bắt đầu trổ bông, số thì bị héo, số bị xốp và mọc mầm lên cả thân cây. Nếu tình trạng này còn kéo dài, chắc chắn không ít gia đình nông dân ở xã Nghĩa Mai sạt nghiệp vì mía.

Không riêng gì ở Nghĩa Mai, còn 30 xã khác cũng rơi vào thực trạng tương tự. Ông Vũ Đức Công, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa An than thở: “Hiện mía của bà con còn nằm trên ruộng nhiều quá trời, chất lượng tốt, năng suất cao... nhưng do không được thu hoạch nên mía đã quá già, bắt đầu trổ bông và chết dần”. 

Nóng ruột về sản phẩm mình làm ra, bà con nông dân lên kêu cán bộ xã, xã lại phải kêu huyện, rồi huyện kêu nhà máy đường... nhưng vẫn chưa được giải quyết. Toàn xã Nghĩa An có 1.270 hộ dân  trồng mía, với tổng diện tích trên 440 ha, nhưng  hiện mới thu hoạch chưa đầy 60 % diện tích. Việc nhà máy thu mua chậm không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất của mùa sau.

Tính đến nay, toàn bộ vùng nguyên liệu Phủ Quỳ có 24.000 ha mía, riêng huyện Nghĩa Đàn có gần 12.000 ha, năng suất đạt 52 tấn/ha,  sản lượng ước đạt 1.130.000 tấn. Đến thời điểm này vùng nguyên liệu Phủ Quỳ còn khoảng 4.500 ha, huyện Nghĩa Đàn còn  gần 3.000 ha chưa được thu hoạch. 

Điều đáng nói, Nhà máy đường NAT&T có công suất  9.000 tấn mía/1ngày. Với công suất như vậy nhà máy chỉ cần hoạt động trong vòng 4  tháng là tiêu thụ hết lượng mía trên.

Tuy nhiên, thời vụ đã chậm hơn 1 tháng so với vụ mía trước nhưng nhà máy vẫn chưa phát lệnh chặt mía. GĐ Nhà máy đường NAT&T từng có công văn gửi UBND huyện Nghĩa Đàn thông báo dự kiến đến ngày 20/5/2008 sẽ cho thu hoạch gọn diện tích mía trên địa bàn, nhưng với tình trạng này thì chưa biết người trồng mía còn phải đợi đến bao giờ?

Vì diện tích mía ứ đọng quá lớn so với công suất hoạt động của nhà máy. Đó là chưa kể hệ thống xe hợp đồng vận chuyển nguyên liệu của nhà máy hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Ông  Nguyễn Hải Dương- Phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Phía nhà máy đã giải thích là do năm nay thời tiết xấu, rét đậm rét hại kéo dài, phần nào gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây mía, hơn nữa công tác vận chuyển gặp phải một số ách tắc...”. Cách giải thích như vậy là không thuyết phục được người dân trồng mía.

 



Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường