Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá gạo chưa thể xuống thấp
27 | 07 | 2008
Hôm qua 23-7, bên lề phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH, trao đổi với các phóng viên, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Bùi Bá Bổng khẳng định, mặc dù có hiện tượng người dân đồng bằng sông Cửu Long phá diện tích nuôi tôm sang trồng lúa nhưng sẽ không làm vỡ quy hoạch lương thực chung, giá gạo sẽ không thể xuống thấp.
- Thưa ông, nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang ồ ạt phá vườn, phá diện tích nuôi tôm sang trồng lúa. Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng này?

- Trước đây giá lúa thấp, nông dân chuyển diện tích trồng lúa sang nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái. Nhưng hiện có một số nơi không hiệu quả, vườn cây ăn trái bị nhiễm bệnh vàng lá, nuôi tôm không thành công, nên bà con chuyển lại trồng lúa. Việc chuyển này phù hợp với nhu cầu thị trường và cần khuyến khích. Chỉ có điều chính quyền địa phương phải hướng dẫn nơi nào cần chuyển đổi, cách thức trồng lúa để đạt hiệu quả cao. Bởi để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng quy mô dân số 130 triệu người, Việt Nam cần giữ 3,8 - 3,9 triệu hecta đất lúa.

- Thế nhưng trồng lúa liên quan đến thủy lợi, nếu chúng ta đồng loạt chuyển đổi thì khâu thủy lợi có bảo đảm không, thưa ông?

- Nếu trồng lúa thì vấn đề thủy lợi đơn giản hơn nhiều so với trồng cây ăn quả hay nuôi thủy sản. Nuôi thủy sản phải đầu tư rất nhiều về thủy lợi để dẫn nước mặn, hay trồng cây ăn quả phải đầu tư bờ bao, tránh úng ngập... Còn làm lúa thì không cần đầu tư nhiều, thu lời lại rất nhanh. Chỉ 3 tháng trồng lúa bà con có thể thu lời 15 - 20 triệu đồng/hecta.

- Nếu một hai năm liền thế giới được mùa và giá lúa chững lại, liệu có xảy ra tình trạng người nông dân phá lúa trồng cây ăn quả?

- Chúng tôi dự báo giá gạo sẽ giữ ở mức cao trong một thời gian dài. Thế giới sẽ còn thiếu gạo trong nhiều năm nữa, do vậy, trồng lúa sẽ còn tương lai dài. Nông dân bây giờ đã dần thích ứng với cơ chế thị trường, nhanh nhạy với thị trường chứ không thể nói là nông dân chạy theo cơ chế thị trường. Họ chấp nhận thay đổi theo tín hiệu thị trường là điều tốt, cần khuyến khích. Vai trò nhà nước ở đây là cung cấp kịp thời thông tin thị trường và hướng dẫn kỹ thuật để việc chuyển đổi có hiệu quả.

- Nhưng việc tăng nhanh diện tích lúa, chúng ta có lo ngại dịch bệnh sẽ xảy ra phức tạp hơn?

- Đây là điều chúng ta phải lưu tâm và phải quản lý toàn diện hơn.

- Việc người nông dân liên tục chuyển đổi cây trồng sẽ gây tốn kém và có thể phá vỡ quy hoạch những cây trồng khác. Bộ đã tính đến điều này?

- Không ai dự báo chính xác được thị trường dài hạn, vì vậy cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Theo tôi, tỷ lệ chuyển đổi hiện nay không làm phá vỡ quy hoạch lúa.

- Ông nghĩ sao trước lo ngại nhiều nước cũng tăng diện tích trồng lúa, sản lượng lúa gạo sẽ tăng và giá gạo có thể giảm?

- Chúng ta không lo ngại điều đó, bởi không phải nước nào cũng có thể tăng diện tích lúa. Nếu cố gắng trồng thì sẽ phải đầu tư rất cao. Hiện chỉ một số nước có lợi thế trồng lúa, như Việt Nam. Vì thế chúng ta sợ không tăng được diện tích lúa, chứ không sợ thừa. Về dự báo, phải một thời gian rất dài (10-15 năm nữa) giá lúa sẽ không xuống. Do đó chúng ta có thể nhìn thấy tương lai rất tốt.

- Nông nghiệp Việt Nam từng có nhiều bài học khi ồ ạt chuyển đổi sang trồng cà phê, nuôi tôm và gần đây là nuôi cá basa, nhiều người lo ngại “kịch bản” có thể lặp lại với cây lúa. Ông nghĩ sao về điều này?

- Trước ta thất bại khi để dân phá lúa trồng cây khác, còn bây giờ từ vườn cây ăn quả chuyển sang lúa rất đơn giản, không phải đầu tư nhiều. Lúa là cây người dân điều chỉnh rất dễ vì thời gian chỉ 3 tháng. Còn cà phê một chu kỳ trồng phải mất 5-10 năm. Năm nay làm lúa nhiều, sang năm giá lúa thấp ta có thể chuyển thay vì 3 vụ thì làm 2 vụ, điều chỉnh rất nhanh, không ảnh hưởng lớn đến quy hoạch.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường