Tây Phi ngàn dặm Gặp GS Võ Tòng Xuân tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ông vừa trở về từ Sierra Leone, một đất nước khá ít thông tin, ít ra là vậy khi tôi sục sạo trên xa lộ ảo. GS Xuân cho biết, ông đã để lại đất nước xa xôi ấy 5 cộng sự vốn là những thạc sĩ, kỹ sư của trường Đại học An Giang và Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam. Họ sẽ ở đó 2 năm cho một chương trình rất táo bạo mà không kém phần lãng mạn. Không chỉ vậy, tháng 5.2008 sẽ có thêm 20 nông dân miền Tây - những anh Hai Lúa thứ thiệt - lại đáp máy bay đến vùng đất Tây Phi xa xôi ngàn dặm ấy để làm chuyên gia. Con số ấy sẽ còn gia tăng theo từng năm tới. Tôi lướt vội qua hành trình bay: từ TP.HCM sẽ quá cảnh tại Doha (Qatar), chuyển tiếp qua Dubai (UAE), tiếp đến lại dừng ở sân bay Accra (Ghana), bay tiếp chặng cuối đến sân bay Lungi của Sierra Leone. GS Xuân cười nói: "Vẫn chưa tới đâu, chúng ta còn cách thủ đô Freetown... một cái biển. Chính phủ Sierra Leone sẽ ra đón ta bằng một chiếc trực thăng". Lại thêm 15 phút vi vu trên biển. Nhưng nghĩ cũng oai ra phết! Sẽ có những cánh đồng lúa từ các vùng đất còn hoang hóa nhiều năm ở Sierra Leone (Ảnh do GS Võ Tòng Xuân cung cấp) |
Trở lại với dự án mà tôi cho rằng táo bạo và lãng mạn này (Thanh Niên đã từng giới thiệu hồi tháng 5.2006 với bài viết Việt Nam sẽ xuất khẩu gạo từ châu Phi). Cách đây đúng một năm, GS Xuân đã nói chắc lụi: "Trong khi các tổ chức quốc tế của Tây phương chưa thành công thì Việt Nam có thể giúp gia tăng sản lượng lương thực, góp phần xóa đói giảm nghèo cho châu Phi. Tại sao lại không nghĩ tới việc chúng ta sẽ xuất khẩu lúa gạo ngay chính trên một đất nước Phi châu xa xôi". Hồi đó, đã có không ít người hồ nghi dự án. Thật ra, sau chuyến đi tìm hiểu tình hình an toàn lương thực tại Sierra Leone theo yêu cầu của Chính phủ nước này mà cụ thể là Phó tổng thống Solomon Berewa, GS Xuân đã vận động được kinh phí đầu tư ban đầu. Vậy là "Nhóm công tác An toàn lương thực Sierra Leone" đã nên hình, nên dạng để đặt chân lên đất nước xa xôi chỉ có 6 triệu dân và có đến 1 triệu ha đất canh tác lúa. Và có lãng mạn quá không khi nhóm công tác tin rằng, Việt Nam sẵn sàng giúp Sierra Leone đạt mục tiêu an toàn lương thực cho người dân và lại... có dư để xuất khẩu gạo từ Sierra Leone sang các nước Tây Phi châu khác. Lãng mạn hay không thì chưa biết, chỉ biết Chính phủ Sierra Leone tin và giao ngay 200 ha đất tại Mange Bureh và cả Trại nghiên cứu lúa Rokupr. Đáng mừng là điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Sierra Leone lại khá tương đồng với khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). TS Sama Monde, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-An toàn lương thực (NN-ATLT) Sierra Leone nói thiệt tình, đã có rất nhiều tổ chức tài trợ hay hứa hẹn giúp đỡ nhưng chỉ là... hứa cho vui, thế nên đến nay Sierra Leone vẫn thiếu gạo ăn. Nhiều tổ chức khác cũng có đưa chuyên gia tư vấn nhưng rồi lại đi, bỏ mặc nông dân bản xứ tự bơi. Trong khi đó, GS Xuân hứa chắc lụi nhóm cộng sự của ông sẽ xây dựng ngay một điểm thực nghiệm những kỹ thuật sản xuất lúa của ĐBSCL và nội trong vòng 3 năm sẽ được nâng lên thành một trung tâm huấn luyện sản xuất lúa Tây Phi châu. Trung tâm này cũng là nơi để các chuyên gia xác định khả năng của một số giống lúa triển vọng đem đến từ Việt Nam và xác định cho bằng được quy trình canh tác tối ưu cho những giống lúa hoặc các loại cây trồng trên cạn khác như đậu, rau cải, hoa màu... Trao đổi với Thanh Niên, GS Xuân cho biết: "Tôi tự tin nói rằng, cách làm của chúng ta rất độc đáo mà chưa tổ chức nào thực hiện trên khắp châu Phi này. Nông dân Việt Nam sang đây sẽ dạy cho nông dân Sierra Leone trồng lúa theo hình thức tổ sản xuất 1+4 (tức là 1 nông dân Việt Nam kèm cặp 4 nông dân Sierra Leone). Một số viên chức Chính phủ Sierra Leone phàn nàn rằng dân của họ còn biếng nhác quá, nhưng một khi họ chịu làm, biến kiểu nông dân quảng canh của Sierra Leone thành thâm canh với kỹ thuật cao hơn thì tình thế sẽ khác". Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói: "Thoạt đầu nghe láng máng, tui tưởng đâu ông thầy dẫn nông dân mình qua đó theo kiểu xuất khẩu lao động đơn giản như làm thuê, làm ôsin nên cũng hổng mặn mà gì mấy. Ai dè, dân Hai Lúa xứ tui qua bển làm... thầy, lãnh lương tháng tính bằng đô. Mình kiếm được đường đi theo kiểu cạnh tranh trí tuệ như kiểu làm thầy nông nghiệp, thầy giáo, thầy thuốc, chuyên viên phần mềm... là quá hay". Làng Việt giữa Tây Phi Ngay từ lúc nhìn thấy các chuyên gia Việt Nam khăn gói lỉnh kỉnh tới, người dân làng Mange Bureh, huyện Port Loko đã thấy sẽ có chuyện mới đây. Đã vậy lại đích thân ông Denis M.Kamara, Trợ lý tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Vụ An toàn lương thực của Bộ NN-ATLT và ông Bie Masakoei, Giám đốc Vụ Khuyến nông đưa Nhóm An toàn lương thực Sierra Leone gặp chính thức dân làng. GS Xuân cho biết, mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ chính của Sierra Leone nhưng chỉ có những người trẻ, con nít, trưởng làng mới thông thạo, và nghe nói Sierra Leone có đến 16 ngôn ngữ khác nhau. GS Xuân nói vui: "Mai mốt đây mấy ông Hai Lúa nhà mình qua đây cạnh tranh với Ba Nếp bên này học tiếng Anh. Coi bộ được một công đôi ba chuyện". Cũng may, ông Pa Adikalie Sesan, phát ngôn viên của Hội đồng thôn Mange Bureh và bà Alice Mamah Bangura, ủy viên Hội đồng thôn chuyển ngữ khá dễ dàng. Lại nói thêm về khu đất rồi đây sẽ là Làng Việt đầu tiên giữa Phi châu. GS Xuân cho biết, hồi năm 2006 ông đã đi khảo sát đến 4 vùng đất tại các huyện Port Loko, Mabeni, Lombardi. Mảnh đất mà ông chọn vốn đã bị chiến tranh tàn phá nặng, hoang vu nằm giữa các cánh đồng trồng cọ bị bỏ phế. Hiện nay, các chuyên gia đã tiến hành khai khẩn toàn thể khu thực nghiệm và bắt tay xây dựng các nhà lưới, nhà làm việc; đo đạc thiết kế hệ thống thủy lợi và nhân giống ngay lập tức. Dự kiến, các chuyên gia sẽ thử nghiệm 50 giống lúa cao sản và 10 giống lúa chất lượng cao mang từ ĐBSCL qua. Sẽ có một hội đồng giống tại Rokupr xem xét và đồng tình thì mới nhân rộng ra cho toàn vùng. Các nông dân châu Phi giúp việc tỏ ra khá lạ lẫm với các quy trình làm ruộng hết sức chuyên nghiệp của dân Việt Nam. Và họ cũng chưa hình dung ra mấy khi nghe các chuyên gia xứ Việt khoe sẽ biểu diễn nuôi cá, nuôi tôm trong ruộng lúa. Thật là một điều không tưởng với một xứ sở còn nghèo đói, lạc hậu như Sierra Leone.Khoảng tháng 5.2008 sẽ có 20 anh Hai Lúa chánh hiệu được đưa sang Sierra Leone trong đợt đầu tiên. Dự kiến họ sẽ được lãnh lương tháng khoảng 500 USD. Cũng cần nói thêm, mức chi tiêu của cư dân vùng đô thị xứ này xài cao lắm cũng hết độ 200 USD/tháng. Không chỉ vậy, kéo theo dự án là một loạt máy móc, nông cụ sẽ được xuất sang Sierra Leone. Tỷ như, đến tháng 11 tới đây là mấy thứ vật dụng mộc mạc của Hai Lúa như: vòng hái, nia, sàng, thúng, mủng... cho đến máy móc đo ẩm độ hạt sẽ thẳng tiến Tây Phi. Tiếp đến, vào tháng 5.2008, các nông cụ như máy sạ lúa thẳng hàng, máy tuốt lúa, máy xới, máy cày tay... và cả nhà máy xay xát lúa, đánh bóng gạo, đóng bao, máy sấy lúa vỉ ngang cũng đóng "công" qua Phi châu. Sẽ là không quá lãng mạn, viển vông khi chương trình này đặt ra mục tiêu đến năm 2009 sẽ có từ 1 ngàn đến 5 ngàn ha sản xuất lúa tại Lombardi, kèm theo đó là sản xuất cung cấp rau cải cho các đô thị lớn; đến năm 2010 diện tích sẽ tăng lên từ 2 ngàn đến 10 ngàn ha. Ông cũng tin, vấn đề xuất khẩu lao động nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng theo tỷ lệ 1 "nông dân - chuyên gia nông nghiệp" Việt Nam cho mỗi 10 ha. Kèm theo đó hàng hóa, máy móc của Việt Nam cũng sẽ gia tăng lên nhiều. |