Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chợ Tết vắng người đóng hàng về tỉnh
14 | 01 | 2009
Giá mứt, bánh, măng, nấm khô... không tăng nhưng sức mua thì chỉ bằng nửa năm ngoái.

Những ngày cận Tết, khu chợ đầu mối Bình Tây, Phạm Văn Hai, Bà Chiểu... đã đông hơn hẳn so với những ngày thường. Thế nhưng khi được hỏi về sức mua, các tiểu thương người nào người ấy đều lắc đầu ngán ngẩm: “Hàng ế ẩm lắm, lượng hàng bán ra chẳng bằng một phần so với năm ngoái”.

Mặt hàng nào cũng ế

Thông thường, chợ Tết thì hàng nào cũng đắt khách từ khăn trải bàn, quần áo, giày dép đến những thực phẩm khô như măng, nấm đông cô, đặc biệt là mứt Tết. Thế nhưng năm nay, khu chợ Bình Tây chỉ thực sự hút khách ở những mặt hàng thực phẩm khô và mứt Tết, còn các gian hàng khác thì buồn hiu.

Ngay cả tiểu thương từ các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang... lên lấy hàng cũng ngày càng thưa vắng dần. Chị Khánh Hà, một tiểu thương ở chợ Bình Tây, nói: “Tiểu thương các tỉnh lên than về việc giá lúa năm nay không được mùa nên người dân cũng ít mua sắm lại. Ngay cả cửa hàng tôi, vì dự đoán sức mua yếu nên cũng phải lấy ít hàng, mua bao nhiêu thì bán bấy nhiêu chứ không dám trữ hàng như mọi năm”.

Riêng mặt hàng măng khô, nấm đông cô... các tiểu thương đều khẳng định giá cả không tăng so với năm ngoái nhưng sức mua thì thua rất nhiều. “Thông thường, thời điểm này tôi đã bán gần hết hàng rồi, vậy mà giờ vẫn còn đầy hàng, không có người mua, hàng gì cũng ế” - chủ sạp hàng Thu Dung cho biết. Hiện giá của các loại măng khô thấp nhất là 60.000 đồng/kg, cao nhất là 110.000 đồng/kg.

Cũng theo chủ sạp nêu trên, các tiểu thương không lên lấy hàng Tết nhiều như mọi năm là do nhiều công ty có xe chở hàng về tận các tỉnh, kể cả những vùng sâu, vùng xa. Vì hàng về đủ, giá cũng không tăng nên người dân mua hàng trực tiếp ở đó. Đây chính là lý do năm nay tiểu thương ngại lên thành phố cất hàng về bán.

Tại các sạp hàng mứt Tết chỉ còn lác đác khách lẻ đi sắm Tết. Còn các tiểu thương từ các tỉnh không về lấy hàng như mọi năm. Sức mua ở các chợ thấp một phần cũng do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, chỉ mua những thứ thật cần cho ngày Tết. Tuy nhiên, chị Thu Hà - một khách hàng ở quận 3 phân tích: “Tôi hạn chế mua tất cả mặt hàng nào không cần thiết. Thậm chí, nếu so với năm ngoái lượng măng khô tôi mua tới cả ký để ra Tết còn dùng tiếp nhưng năm nay tôi chỉ mua đủ dùng. Còn mặt hàng mứt thì do tôi không tin tưởng vệ sinh an toàn thực phẩm nên cũng hạn chế mua”.

Quà Tết nhái nhãn hiệu nổi tiếng

Dọc đường Nguyễn Tri Phương, Hòa Hảo (quận 10), chợ Bình Tây (quận 6), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)..., các gian hàng bán quà Tết đã mọc lên rất nhiều. Người mua muốn loại giá nào cũng có. Loại 120.000 đồng/gói cũng có đủ thứ gồm rượu, bánh, trà... Loại quà 500-600 ngàn đồng/gói thì cũng đầy đủ bằng đó thứ.

Gần Bến xe Chợ Lớn, các gian hàng quà Tết mấy ngày nay trở nên nhộn nhịp hơn. Nếu như mứt, bánh kẹo ế ẩm thì quà Tết lại được chuyên chở về các tỉnh khá nhiều. Một nhân viên bán quà Tết khu vực này cho biết: “Hàng ngàn gói quà Tết của cửa hàng chúng tôi đã được chuyển về Cần Thơ, Đồng Tháp... Lúc đầu, cửa hàng cũng lo ngại sức mua năm nay yếu nhưng đến những ngày cận Tết thì sức mua lại tăng mạnh”.

Theo quan sát của chúng tôi, “ruột” của các giỏ quà Tết tại đây có một số loại hàng nhái những nhãn hiệu nổi tiếng. Trong đó có tên sản phẩm lạ như bánh Choco-pic (nhái nhãn hiệu Chocopie) hoặc Trà Cam liên doanh Singapore...

Chỉ vào giỏ quà, một nhân viên bán hàng cho biết: “Giá gói quà này là 170.000 đồng, gồm một chai rượu sâm-banh, một bánh khoai tây chiên Ông Già, một hộp kẹo dẻo Trung Quốc... Còn chiếc hộp gói trên cao nhất thì chỉ là vỏ chai rượu, gói vào cho đẹp!”.

Lo ngại về chất lượng của các sản phẩm trong gói quà, chị Nguyễn Thị Lan (nhà ở quận 5) cho rằng: “Năm nay tôi không dám mua những gói quà Tết để đi biếu vì thấy chất lượng không đảm bảo. Mình còn không dám dùng huống chi là biếu cho khách. Tiền mua quà đó, tôi đi mua một chai rượu vang có nguồn gốc đàng hoàng hoặc thùng bia... còn tốt hơn gói quà to mà chất lượng tùm lum”.

Tuy nhiên, không phải giỏ quà nào cũng là hàng nhái thương hiệu. Ông Đinh Thái, chủ một cửa hàng bánh kẹo tại quận 10, nói thêm: “Cửa hàng tôi vẫn gói tất cả mặt hàng có thương hiệu, giá tính bằng từng món hàng lẻ cộng lại, chỉ có thêm tiền gói khoảng 15.000 đồng/gói. Việc gói quà Tết chủ yếu là muốn đẩy nhanh lượng hàng tiêu thụ”. Cũng theo ông Thái, sức mua quà Tết tại cửa hàng ông năm nay bị giảm mạnh, từ đầu tháng đến nay chỉ bán được 1-2 gói.

Về vấn đề chất lượng quà Tết, ông Đào Phúc Hùng, Phó Trưởng phòng Hành chính, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, khẳng định nếu người tiêu dùng mở những gói quà và phát hiện hàng hết đát, không nhãn mác thì có thể liên hệ ngay với chi cục để các đội kiểm tra và xử lý.

Sức mua tại siêu thị lại tăng

Trái ngược với tình trạng ế hàng ở các chợ lẻ thì tại các siêu thị, lượng khách ra vào ngày càng đông và quá tải. “Sức mua tại hệ thống siêu thị Co.op Mart được cập nhật và thay đổi từng ngày” - bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc marketing Saigon Co.op, khẳng định. Cũng theo Công ty cổ phần Kinh Đô, sức mua tại công ty này hiện đang tăng từ 15% đến 20%. Sản lượng bánh kẹo bán ra thị trường đã đạt 85% kế hoạch đề ra. Một khách hàng đến siêu thị đã phải bày tỏ: “Đi mua hàng tại siêu thị nhà tôi phải có hai người, một người xếp hàng thanh toán, còn người kia đi lựa hàng”.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường