Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiểu thương “chê” chợ gạo đầu mối
27 | 11 | 2008
Bình thường, một sạp bán 3-5 tấn gạo/ngày nhưng nay chỉ bán được vài ký. Ai cũng nhận mình chỉ bán lẻ.
Tháng 5-2008, chợ đầu mối gạo Bình Điền (TP.HCM) chính thức đi vào hoạt động với gần 200 vựa kinh doanh cả gạo, đường, đậu... Thế nhưng tính đến nay đã gần sáu tháng hoạt động mà tất cả số hộ hiện bày bán kinh doanh tại chợ chưa tới 20.

Chưa khi nào các tiểu thương gạo lại phải chứng kiến một chợ đầu mối đìu hiu, vắng vẻ đến như vậy.

Cả chợ đầu mối có 18 vựa

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM thì kể từ tháng 3 đến tháng 6-2008, TP sẽ hoàn tất cơ bản di dời 10 chợ đầu mối nông sản thực phẩm trong nội thành ra ba khu chợ đầu mối nằm ở ba cửa ngõ. Trong đó, chợ An Lạc, chợ gạo Trần Chánh Chiếu sẽ di dời về khu chợ đầu mối Bình Điền (quận 8).

Tuy nhiên, trong những ngày qua, có mặt tại chợ đầu mối gạo Bình Điền, chúng tôi chứng kiến cảnh chợ vắng vẻ người qua lại. Một diện tích rộng của khu nhà lồng H với 16.000 m2, trong đó có đến 190 vựa dành cho kinh doanh gạo, đậu, đường... nhưng tất cả đều yên ắng. Trong số 18 vựa đang kinh doanh tại chợ thì may lắm mới đếm được khoảng 20 người có mặt. Thỉnh thoảng mới có những chiếc xe nhỏ chở một vài bao gạo về.

Ông Mai Ngọc Thắng, Tổ trưởng Tổ ngành hàng nông sản Bình Điền, cho biết những ngày đầu, tổng số hộ đăng ký kinh doanh cũng rất đông nhưng dần dần các chủ hộ đều rút tên. Thậm chí số vựa bán hàng thời gian đầu còn được 22 vựa nhưng nay giảm xuống còn 18 vựa. “Bình thường tôi bán 3-5 tấn gạo nhưng đến nay cả ngày tôi bán chưa đến vài ký, sức mua tại chợ quá thấp. Từ một chủ kinh doanh bán gạo cả sỉ và lẻ mà nay chúng tôi có số lượng gạo bán không bằng một bà bán lẻ ở chợ nhỏ” - chị Nguyễn Thị Thu Phương, chủ một vựa gạo tại chợ đầu mối, cho biết.

Theo các tiểu thương tại đây thì có quá nhiều lý do khiến chợ đầu mối vắng cả người bán lẫn người mua. Bởi chi phí đưa gạo về khu Bình Điền bị đội lên so với chợ cũ. Hơn nữa, đường sá quá xa, người dân không thể vượt hơn 10 km để mua vài ký gạo. Đặc biệt, nhiều hộ đăng ký kinh doanh “biến tướng” các mặt hàng khác để tiếp tục kinh doanh gạo và bán ở các chợ nhỏ lân cận. Vì vậy, người dân vẫn có thể mua ở ngay gần và không cần đả động đến những chợ đầu mối.

Các tiểu thương đề xuất, cơ quan quản lý nên thúc bách các hộ kinh doanh lớn chuyển về. Bởi chợ không thể có sức mua tốt khi vắng cả những người bán.

Ngay cả với những tiểu thương gạo cố bám lấy chợ cũ Trần Chánh Chiếu thì tình cảnh sức mua yếu cũng bao trùm. Bà Nguyễn Thị Quang, một tiểu thương bán gạo lâu năm tại chợ Trần Chánh Chiếu, cho biết: “Tôi cũng đã đăng ký một vựa nhưng thấy tình hình dưới đó rất khó khăn nên đành chấp nhận về lại. Nếu chỉ có chợ độc quyền này thì khi di dời về đó bắt buộc người dân phải xuống mua nhưng đằng này ở đường nào cũng có những sạp gạo lẻ thì làm sao người dân xuống đó mua được”.

Kinh doanh sỉ mới di dời về

Theo ông Trương Trung Việt, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, TP đã nêu rất rõ, chỉ những hộ kinh doanh sỉ mới di dời về các khu chợ đầu mối, còn hộ bán lẻ thì không thể về. Hơn nữa, chủ trương của TP đã rõ, tạo điều kiện cho những hộ kinh doanh về tập trung tại khu đầu mối, cơ sở hạ tầng bảo đảm.

Cũng theo ông Việt, các tiểu thương đưa ra lý do đường sá xa xôi là không chính đáng. Bởi các mặt hàng nông sản vẫn về chợ Bình Điền và sức mua bán tốt. Tới đây, Sở sẽ đề xuất với chợ Bình Điền, các tiểu thương nào đã ký hợp đồng mà không vào thì sẽ thông báo và xin ý kiến UBND TP.HCM thanh lý hợp đồng để cho những người khác có nhu cầu vào.

Ông Hồ Phước Hải, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền, cho biết: “Chúng tôi đã phản ánh tình hình này lên UBND cũng như Sở Công thương. Hiện UBND TP.HCM cũng đã có ý kiến và biện pháp nhằm động viên các hộ kinh doanh gạo đến nhận sạp. Yêu cầu những quận, huyện nội thành không cấp phép mới các mặt hàng nông sản thực phẩm nữa. Với những người bán buôn, khi đã có danh sách thì phải di dời đến chợ”.

Ông Hải cũng khẳng định, đúng nguyên tắc thì về chợ đầu mối là phải bán sỉ. Theo quy hoạch của TP thì một số chợ tự phát xung quanh các tuyến đường có sản lượng lớn thì phải di dời về chợ đầu mối cho phù hợp.

Ai cũng nhận mình chỉ bán lẻ Theo bà Nguyễn Thị Quang - tiểu thương tại chợ Trần Chánh Chiếu cũ, trước đây chợ Trần Chánh Chiếu đúng là nguyên mẫu của chợ gạo đầu mối. Vì các thương lái đưa gạo về đây rồi chà và rải các chợ lẻ. Thế nhưng trong bảy đến tám năm lại đây, các thương lái chà gạo ngay tại các tỉnh, vậy nên chợ Trần Chánh Chiếu cũng đa số là các hộ kinh doanh lẻ, may lắm mới có từ bốn đến năm hộ là bán sỉ thực sự. Vì vậy, khi di dời chợ đến khu chợ đầu mối Bình Điền, ban quản lý chợ đầu mối đã nói rất rõ là các hộ nhỏ thì không nên về đó. “Thế nhưng thực tế chúng tôi là những hộ bán lẻ vẫn bị quy chụp và bắt di dời về” - bà Quang nói.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường