Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam: làm gì để đứng vững nếu khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo dài?
26 | 11 | 2008
Bài viết này đánh giá về cuộc khủng hoảng của hệ thống tín dụng toàn cầu đang xảy ra và những tác động tạm thời lên nền kinh tế Việt Nam trong 2 năm 2008 - 2009 dựa trên giả thuyết cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ được kiềm chế trong 6 - 9 tháng tới (với xác suất 80%, 20% xác suất sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng lớn hơn). Nếu cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn, sẽ phải xét lại việc đánh giá cho nền kinh tế Việt Nam năm 2009 theo hướng phân tích ảnh hưởng có phân bổ đối với toàn bộ nền kinh tế và thị trường tài chính.
Khủng hoảng tín dụng có thể kéo dài hơn 6 tháng nữa

Thị trường thế giới vẫn chưa ổn định, bất chấp sự can thiệp mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED (phối hợp với ngân hàng trung ương các nước G7 khác) trong vài tuần qua, kéo theo khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lớn với xác suất lớn hơn. Những gì được coi là căn bệnh tín dụng của riêng nước Mỹ nay đã xuất hiện ở nhiều nơi: khủng hoảng về cho vay dưới chuẩn của Mỹ đã lan sang châu Âu và các thị trường đang phát triển; khủng hoảng tín dụng đã biến hình thành khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư vào khả năng của các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ trên thế giới.

Trong chuyến thăm ngắn ngày gần đây đến phố Wall, phỏng vấn những chuyên gia phân tích kỳ cựu tại đây và chiêm nghiệm lại lý thuyết các cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã qua, người viết hiểu rõ hơn tầm nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hiện tại. Những gì đang diễn ra chính là sự sụp đổ tín dụng toàn cầu, vì những lý do sau:

Người tiêu dùng chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều tổ chức tài chính Mỹ hầu như bị tê liệt do không tin tưởng uy tín tín dụng của nhau đã dẫn đến lãi suất liên ngân hàng Libor tăng cao và mất tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Kết quả là, việc đánh giá tín dụng khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi muốn vay mua nhà hay mua xe. Nhu cầu và doanh thu đối với những hàng hóa quan trọng này giảm làm cho tiêu dùng của khối tư nhân cũng giảm và nền kinh tế Mỹ có thể từ việc chỉ suy giảm hiện tại nhanh chóng rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

- Kế hoạch giải cứu của Mỹ là không đủ. Gói giải cứu 700 tỷ USD của Mỹ với 350 tỷ USD cho giai đoạn 1 chỉ được nhìn nhận như là biện pháp lấp chỗ trống. Người ta dự tính phải chi ra 2.000 tỷ USD để giải quyết vấn đề cho vay dưới chuẩn. Các biện pháp và gói tài chính đang áp dụng chỉ là chất xúc tác để tái lập niềm tin của nhà đầu tư, nhất là các ngân hàng trong việc tái vận hành hệ thống tín dụng một cách nhanh chóng, kết quả tùy thuộc phản ứng của nhiều tác nhân kinh tế trên toàn cầu.

- Hoạt động thương phiếu bị ảnh hưởng. Vài tuần trước, FED tuyên bố dành 100 tỷ USD để chống đỡ cho thị trường thương phiếu ngắn hạn. Thị trường này là nơi huy động vốn lưu động ngắn hạn cho các hoạt động kinh doanh, bất kỳ tổn thất nào của thị trường này cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức sản xuất của doanh nghiệp. Việc can thiệp khẩn cấp (và cần thiết) của FED cho thấy nguy cơ đổ vỡ của thị trường này.

- Việc phối hợp cắt giảm lãi suất không đủ hiệu quả. Thị trường thế giới đã không phản ứng tích cực như mong đợi khi FED cũng như các ngân hàng trung ương khác cắt giảm thêm lãi suất. Nhiều nhà phân tích cho rằng, lãi suất cơ bản cần phải được cắt giảm thêm ít nhất 0,5% nữa, mặc dù hôm 30/10, FED đã thông báo giảm 0,5%, xuống mức rất thấp là 1% cho lãi suất chỉ đạo.

- Nguy cơ rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng. Chính phủ Mỹ và các nước châu Âu có thể phải nâng mức bảo hiểm đối với tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng (mức bảo hiểm ở Mỹ của FDIC hiện là 250.000 USD/người) để tránh việc rút tiền hàng loạt.

- Đầu tư chênh lệch lãi suất tiền tệ (carry trade) giảm mạnh. Khủng hoảng hiện tại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đầu tư chênh lệch lãi suất tiền tệ vì đồng tiền của nhiều quốc gia đã giảm giá so với đồng USD và đồng Yên - hai loại tiền tệ sử dụng phổ biến nhất - do nhà đầu tư và ngân hàng ở nhiều nước đang giảm đòn bẩy tài chính và rút lại vốn bằng hai loại tiền này.

- Giảm giá tiền tệ. Lợi tức bản địa cao chưa đủ để tránh việc tiền tệ mất giá, nó còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố cơ bản khác như dư nợ nước ngoài và thâm hụt tài khoản vãng lai. Trong vài tuần qua, đồng tiền của nhiều nước đã mất giá mạnh từ 20 - 30%, bất chấp việc tăng lãi suất nội địa.

- Tốc độ phát triển GDP chậm lại. Tổ chức IMF vừa dự đoán tốc độ tăng trưởng của các nước công nghiệp sẽ giảm, khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng toàn cầu tăng lên nếu như sự hỗn loạn tài chính vẫn còn tiếp diễn. Riêng nước Mỹ đã có độ tăng trưởng GDP âm (-0,3%) trong quý 3 vừa qua, nếu có thêm một quý tăng trưởng âm nữa sẽ chính thức bị xếp loại là đi vào suy thoái.

Cuối cùng là sự thiếu vắng phương hướng lãnh đạo và chính trị trong bối cảnh thế giới có những nét chính như: tình trạng không rõ ràng về mặt chính sách do có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ; sự cần thiết của hợp tác chính sách hiệu quả giữa các nước Tây Âu, đặc biệt là phải chú ý đến vai trò của nền kinh tế lớn mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil; IMF không thể hiện rõ vai trò trung tâm trong việc hướng các phương án giải quyết của các nước G7 vào vấn đề khủng hoảng tài chính thế giới. Vai trò này cần được tăng cường trong thời gian tới như Thủ tướng Brown của Anh vừa lên tiếng đề nghị.

Khủng hoảng tín dụng có thể kéo dài hơn 6 tháng nữa, kéo theo áp lực giảm phát toàn cầu, thể hiện ở việc giá cả của hầu hết hàng hóa đang giảm mạnh và giá dầu có thể rơi về mức 60 USD/thùng.

Ảnh hưởng đối với Việt Nam: Các vấn đề chính

Trong ngắn hạn, ảnh hưởng trực tiếp của khủng hoảng toàn cầu đối với Việt Nam không lớn:

• Việt Nam chịu tác động gián tiếp hơn tác động trực tiếp, do hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa có nhiều hoạt động giao thương trực tiếp với các trung tâm tài chính và các luồng chuyển dịch tiền thế giới.

• Tốc độ tăng trưởng GDP có thể chậm ở mức 5,5 - 6%.

• Dòng vốn đầu tư vào chứng khoán sẽ còn nhiều hạn chế.

• Tác động tâm lý đối với TTCK trong nước: VN-Index đã giảm xuống mức thấp mới 322 điểm vào ngày 28/10, dưới mức 366 điểm (mức thấp cũ của tháng 6/2008).

• Thị trường trái phiếu sẽ có lợi.

• Ảnh hưởng đối với thị trường xuất khẩu có thể không sâu sắc do hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam rẻ hơn, thay thế hàng hóa xuất khẩu đắt hơn từ các nước Đông Á. Tuy nhiên, các chỉ tiêu dự đoán xuất khẩu và nhập khẩu nên được xem xét lại, giảm đi khoảng 10 - 15%, dựa trên căn bản là tốc độ tăng trưởng GDP toàn thế giới giảm và giá dầu giảm.

Nhưng xét về mặt dài hạn, những tác động này có thể trở nên sâu rộng hơn:

• Nếu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo dài và dữ dội hơn, Việt Nam cũng sẽ chịu những ảnh hưởng kinh tế và tài chính khó lường trước.

• Cuộc khủng hoảng hiện nay có thể biến thành một sự vỡ vụn tín dụng nghiêm trọng của nền kinh tế Mỹ, nơi mà: các ngân hàng lo sợ không dám cho các ngân hàng khác vay do chưa xác định được rõ rủi ro tín dụng trong bản thân các ngân hàng này; thanh khoản giữa các ngân hàng thấp dẫn đến ít hoạt động cho vay doanh nghiệp và cho vay hộ gia đình (như cho vay mua nhà hay cho vay tiêu dùng).

• Những vấn đề trên sẽ gây ra áp lực giảm phát đối với nền kinh tế thế giới khi giá các hàng hóa tiếp tục giảm. Những nền kinh tế mới nổi phát triển dựa trên giá cả hàng hóa tăng vọt sẽ phải gánh chịu giảm phát, đặc biệt nếu tích lũy tiết kiệm của những nước đó bị hạn chế; nhu cầu tiêu dùng của Mỹ giảm sẽ tác động xấu đến các nước chú trọng đến xuất khẩu (ví dụ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam).

Để giảm bớt tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam nên có chiến lược tồn tại bằng cách củng cố dòng tiền mặt. Các doanh nghiệp cũng nên định hướng xuất khẩu sang các thị trường mới ở Trung Đông và ASEAN cũng như thị trường nội địa.

Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần rút ra những bài học kinh nghiệm từ một loạt các sự kiện gần đây.

• Chúng ta cần ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng liên quan đến các khoản cho vay bất động sản xấu. Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành nghiêm khắc và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên sẵn sàng bơm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng khi cần thiết và có kế hoạch sáp nhập những ngân hàng yếu vào những ngân hàng mạnh.

• NHNN nên có kế hoạch bảo hiểm các khoản tiền gửi ngân hàng.

• Trong trường hợp khủng hoảng thế giới xấu đi, cơ quan quản lý cần kích thích tiêu dùng trong nước thông qua chính sách tín dụng mềm dẻo hơn. Việc NHNN cắt giảm lãi suất cơ bản cùng một số biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ khác là bước đi đúng hướng.

• Cơ hội chủ yếu là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tìm kiếm thị trường cũng như các nhà đầu tư mới từ Trung Đông.

Kết luận
• Những viễn cảnh đề cập trên đây nên được thảo luận theo khả năng các sự kiện có thể xảy ra, vì chúng phụ thuộc chủ yếu vào chính sách của chính phủ các nước trong tương lai và phản ứng tâm lý của người dân với các chính sách này.
• Vấn đề ngày càng phức tạp và tác động toàn cầu của nó cho thấy, vẫn chưa có sự thống nhất một cách rõ ràng trong những giải pháp toàn cầu hay kết quả của những gói chính sách riêng lẻ trên thế giới.
• Trong tình hình khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần phải cảnh giác và linh hoạt trong chính sách kinh tế vĩ mô, đủ để nhận ra và đáp ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị trường thế giới, nhằm làm giảm nhẹ những ảnh hưởng xấu của chúng.



TS. Phạm Đỗ Chí
Báo cáo phân tích thị trường