Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người tiêu dùng và nông dân đều bị “móc túi”
25 | 11 | 2008
Trong các báo cáo vừa công bố, hai Bộ Công Thương và NN&PTNT đặc biệt lưu ý sự chênh lệch quá cao giá một số mặt hàng nông sản trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến người nông dân.
Bắc - Nam: Chênh lệch giá quá cao

Theo đó, giá gạo có sự biến động đáng chú ý nhất. Nếu so với hồi tháng 4/2008 khi mà giá gạo đang sốt mạnh nhất thì nay giá mặt hàng này đã giảm tới 50%. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa giá lúa và giá gạo thành phẩm lại không tương thích.

Theo đó, giá lúa trung bình hiện nay chỉ khoảng 2.800-3.500 đồng/kg. Thế nhưng, giá gạo thành phẩm lại vẫn khá cao, dao động ở mức 7.000-12.000 đồng/kg (tức là chỉ giảm 20-30% so với tháng 4/2008).

Một nghịch lý nữa là giá gạo giữa 2 miền Nam - Bắc đang có sự chênh lệch đáng kể. Ví dụ, tại TP HCM, giá gạo tài nguyên chợ Đào dao động 13.000 - 15.000 đồng/kg nhưng tại Hà Nội, giá lên tới 19.200 đồng/kg. Hay gạo nàng thơm tại TP HCM giá 18.000-18.500 đồng/kg nhưng tại Hà Nội lại lên tới 22.500-24.000 đồng/kg.

Đối với gạo hạt dài xuất khẩu là loại gạo sản xuất ở phía Nam được bán phổ biến ở miền Bắc, nếu tại TP HCM giá khoảng 6.000 đồng/kg thì tại Hà Nội giá dao động 8.200-8.500 đồng/kg. Đặc biệt, đối với các loại gạo đặc sản, cao cấp thì giá chênh lệch lại càng lớn.

Mặt hàng thịt lợn cũng có sự chênh lệch đáng kể. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, lúc cao nhất giá thịt ba chỉ, mông sấn dao động 60.000 - 70.000 đồng/kg thì hiện nay giá thịt lợn hơi đã giảm khoảng 20%. Thế nhưng, giá thịt tại các chợ vẫn cao, chỉ giảm so với lúc đỉnh điểm cỡ 5-7%.

Mặt hàng rau quả có sự chênh lệch giá cao nhất, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Theo đó, giá trái cây tại vườn trung bình chỉ 2.500-3.000 đồng/kg nhưng người tiêu dùng phải mua với giá đắt gấp 2, 3 lần, có nơi cao gấp 5 lần...

Theo nhiều chuyên gia, dù đã trừ các chi phí như vận chuyển, hao hụt... thì cũng không thể có sự chênh lệch như vậy được. Thực tế cả nông dân sản xuất ra hàng hóa và người tiêu dùng đều bị tư thương “móc túi”.

Giá nhiều mặt hàng nông sản (trong đó có lúa gạo) chênh lệch bất hợp lý khiến người nông dân và người tiêu dùng đều thiệt Ảnh: Đức Kế

Nên áp dụng giá sàn, giảm khâu trung gian

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Ngọc Thiều - Trưởng Phòng Kế hoạch kinh doanh và Sản xuất cơ bản (Tổng Cty lương thực miền Bắc) cho rằng, riêng về giá gạo, sở dĩ có sự chênh lệch này là do tập quán tiêu dùng của người miền Bắc là chỉ ăn gạo miền Nam khi nguồn cung gạo miền Bắc thực sự thiếu.

Cũng theo ông Thiều, Tổng Cty sẵn sàng và luôn muốn đưa gạo phía Nam ra ngoài Bắc phục vụ nhân dân nhưng rất khó có thể tiêu thụ với lượng lớn để có thể cân đối thu chi. Thực tế, hiện nay miền Bắc đang đảm bảo tự cung cấp gạo cho thị trường. Bà con nông dân ngoài Bắc lại chủ yếu “lấy công làm lãi”, buôn bán nhỏ lẻ nên hạ được giá thành gạo.

Trong khi nếu doanh nghiệp nào đưa gạo trong Nam ra thì phải chịu thêm tiền vận chuyển, chi phí kho bãi, cửa hàng, lãi suất; tiêu thụ lại chậm nên khó có lãi. Do đó, để điều chỉnh được chênh lệch giá gạo giữa 2 miền là rất khó.

Còn theo Bộ Công Thương, nguyên nhân sự chênh lệch giá nhiều mặt hàng nông sản chính là do có nhiều khâu trung gian trong quá trình tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, thiếu cơ chế kiểm soát và sự lũng đoạn của thương lái (lợi dụng sự thiếu thông tin của người nông dân để ép giá) cũng là nguyên nhân khiến giá nông sản có sự chênh lệch bất hợp lý.

Chính vì thế, theo Bộ Công Thương, biện pháp trước hết để bình ổn giá, hạn chế sự chênh lệch giá bất hợp lý là Nhà nước nên áp dụng giá sàn đối với một số mặt hàng nông sản, nhất là các mặt hàng có tính mùa vụ.

Chính phủ nên giao cho các đơn vị Nhà nước thu gom nông sản bằng hoặc cao hơn giá sàn rồi dùng các hợp đồng Chính phủ để xuất khẩu; tổ chức liên kết để người nông dân tham gia sâu hơn nữa trong quá trình tiêu thụ nông sản, hạn chế các khâu trung gian, giảm giá thành... Làm được như thế, vừa đảm bảo lợi ích của người trực tiếp làm ra sản phẩm (người nông dân) vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.



Nguồn: www.tienphong.vn
Báo cáo phân tích thị trường