Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông sản Việt Nam: Bao giờ hết cảnh "vừa cười đã mếu"?
13 | 11 | 2008
XK nông sản năm nay theo hai thái cực rất rõ rệt. 6 tháng đầu năm, giá các loại nông sản lên ào ào như nước lũ, phần lớn các ngành hàng đều trúng đậm, lãi to. Nhưng nửa năm về sau, giá lại giảm thê thảm, với tốc độ rơi thậm chí còn nhanh hơn cả lúc lao lên. DN lẫn nông dân chưa kịp vui vì lãi lớn, đã lại khóc bởi lỗ to…
Thắng thua do giá, lớn nhưng không mạnh

Điều dễ nhận thấy là những mặt hàng từng thắng lớn trong 6 tháng đầu năm nay, gần như đều nhờ vào yếu tố chính là sự lên giá chung của thị trường thế giới. Chẳng hạn, giá gạo XK hồi đầu năm chỉ vào khoảng 350 USD/tấn thì cuối tháng 4 đã lên trên 1.000 USD/tấn, tăng với tốc độ kinh hoàng- gần 3 lần. Đã có lúc nông dân rung đùi - chỉ trồng lúa đã thành triệu phú rồi.

Nghịch lý là giá lên vun vút như vậy trong khi chất lượng gạo nói chung của Việt Nam hầu như chưa có cải thiện gì đáng kể, chỉ xêm xêm những năm trước. Chủng loại gạo XK vẫn quanh quẩn theo công thức của nhiều năm qua: gạo thơm, gạo 5% tấm, 10% tấm, 15% tấm và 25% tấm. Như vậy, có thể thấy giá trị gia tăng hầu như không có vai trò đáng kể trong sự thắng lớn của hạt gạo hồi đầu năm nay.

Nhưng cũng chính vì vậy, khi giá gạo trên thế giới giảm mạnh, giá lúa gạo ở trong nước cũng giảm mạnh theo, người trồng lúa và các DNXK không còn bấu víu được vào cái “phao” duy nhất là giá cả nữa, nên đã nhanh chóng chuyển sang thua lỗ nặng. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều loại nông sản chủ lực khác trong năm nay. Phần lớn các DN ngành nông nghiệp (cà phê, TĂCN, thực phẩm, phân bón...) đầu năm đều lãi lớn thì qua đợt giảm giá nông sản, VTNN kỷ lục hơn tháng qua số lãi đó đã bay mất. Từ lãi sang lỗ chỉ trong chốc lát khiến các DN cũng như người nông dân có cảm giác như bị...móc túi.

Tình trạng “lên voi, xuống chó” nói trên của nông sản Việt Nam, là hậu quả của một nền nông nghiệp có nhiều ngành hàng lớn nhưng chưa mạnh. Việt Nam đã đứng đầu thế giới về XK hồ tiêu, đứng thứ hai về XK gạo, cà phê nhưng “ông chủ” trên thị trường thế giới trong những ngành hàng này là ai? “Ông chủ” của thị trường cà phê thế giới là các nhà tư bản ở Luân Đôn (Anh). Người Ấn Độ nắm vai trò chi phối giá cả của thị trường hồ tiêu toàn cầu. Còn trong XK gạo, Thái Lan mới là người nắm thế chủ động.

Do hàng nông sản XK chủ yếu vẫn ở dạng thô, nên các DN và người nông dân Việt Nam hầu như chưa có tiếng nói đáng kể trên thị trường tiêu dùng nông sản thế giới. Bên cạnh đó, khi tỷ lệ xuất thô còn quá lớn, thành ra bấp bênh khi thị trường thế giới biến động. Không những thế, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo, nếu tình trạng này còn chưa được cải thiện, nông sản Việt Nam sẽ ngày càng gặp khó khăn hơn trên "chợ" nông sản toàn cầu, khi mà nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng các sản phẩm nông nghiệp phải ngày một được cải thiện hơn nữa thông qua các hình thức chế biến, làm gia tăng giá trị hàng hoá chứ không phải xuất...nguyên liệu như Việt Nam.

Phải bắt đầu từ nông dân?

Ông Trần Đức Tụng, nguyên chuyên viên cao cấp của Vụ Kế hoạch (Bộ NN- PTNT), nay đang công tác ở Hiệp hội Hồ tiêu VN. Trong những lần đi khảo sát các vùng trồng tiêu, ông Tụng nhận thấy ngày càng có nhiều hộ trồng tiêu có của ăn của để, đã bắt đầu biết tích trữ tiêu lại, chờ khi nào được giá mới bán.

Không ít hộ ở Gia Lai, vẫn còn trữ hàng chục tấn tiêu trong nhà, được thu hoạch từ 2 năm trước. Nhờ vậy, mỗi khi được giá, những hộ này thường thắng lớn hơn các hộ phải “bán lúa non” khác. Còn những khi giá xuống, những hộ có khả năng tích trữ tiêu vẫn có thể kiên trì chờ giá tăng trở lại. Hoặc nếu cần phải bán bớt để làm gì đó, họ không bị thua thiệt nhiều như những hộ thu hoạch đến đâu là phải bán ngay tới đó.

Chính vì vậy, tuy giá hạt tiêu trong nước và XK đang giảm nhiều so với vài tháng trước, nhưng người trồng tiêu nói chung vẫn chưa lâm tình trạng...mặt méo vì thua lỗ, nợ nần chồng chất như người trồng lúa, người trồng cà phê. Và hồ tiêu Việt Nam cũng chưa phải chịu nỗi lo ứ đọng, không tiêu thụ được. Qua đó, ông Tụng cho rằng không chỉ có các DN mà người nông dân cũng phải tham gia vào việc điều tiết “cung cầu” thông qua hình thức tích trữ nông sản. Nếu nông sản được tích trữ ngay từ nông hộ, trước hết sẽ “giảm tải” được khá nhiều cho các DN trong công việc này. Đồng thời, khi chủ động tích trữ, nông dân cũng sẽ chủ động được việc bán nông sản của mình khi thấy giá cả có lợi. Và đây chính là cơ sở đầu tiên để nông sản Việt Nam chủ động hơn trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, trong tình trạng kinh tế chung hiện nay của các hộ dân nông thôn, việc tích trữ nông sản lại không hề dễ dàng. Do thiếu vốn, nợ nần và đủ thứ chi phí trông chờ vào đồng ruộng, nên phần lớn các hộ nông dân vẫn luôn phải “bán lúa non”. Hơn thế, muốn nông dân tích trữ nông sản, tạo cơ sở cho sự chủ động của Việt Nam trên thị trường thế giới thì cơ quan chức năng phải đưa ra được các dự báo giá cả thuyết phục đủ sức níu kéo người dân giữ lại nông sản trong nhà mình khi thu hoạch rộ và bán ra khi thiếu.



Nguồn: Nông nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường