Lúa ngoại tràn vào vựa lúa
Hơn tháng nay, trên tuyến quốc lộ 91 đoạn từ cầu sắt Xuân Tô đến cửa khẩu Tịnh Biên, lúc nào cũng đầy ắp lúa. Người mua, kẻ bán tấp nập. Những chiếc xe lôi chất đầy lúa của Campuchia nằm nối đuôi chờ xuống hàng suốt đoạn đường dài hơn 1 km. Kim Poư - một thanh niên bốc vác người Campuchia nói rằng nhóm của anh (gần 50 người), mỗi ngày bốc vác mướn trên dưới 300 tấn lúa từ Campuchia nhập về. Ngoài nhóm anh, còn đến 4 nhóm khác cũng đông như vậy và không nhóm nào bị thất nghiệp.
Theo lời các thương lái, loại lúa nhập từ Campuchia về trong thời gian gần đây chủ yếu là lúa Khaodakmali, lúa sóc đặc sản Campuchia với số lượng rất lớn. Lúa này khi xay xát sẽ cho loại gạo thơm ngon, mềm cơm mà nhiều người tiêu dùng trong nước rất ưa chuộng. Trong khi đó, mặc dù lúa trong nước tồn đọng nhiều nhưng phần lớn là giống IR 50404, phẩm chất gạo kém, rất khó tiêu thụ.
Tuy nhiên, theo ông Giang Lâm, Phó chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên, phần lớn số lúa nhập về trong thời gian qua là lúa do người dân An Giang sang Campuchia thuê đất sản xuất. “Do người dân khu vực biên giới được miễn 2 triệu đồng tiền thuế/người/ngày nên mỗi xe chở lúa (khoảng 7 - 8 tấn) thường thủ sẵn ít nhất 5 giấy chứng minh nhân dân có sọc (khu vực biên giới) rồi nói rằng xe lúa này là của nhiều người hùn lại. Thế là qua lọt” - ông Lâm nói.
Nông dân bỏ quên “sân nhà”
Một chủ vựa lúa cho biết: Khoảng 10 ngày trở lại đây, mỗi ngày lượng lúa thơm từ Campuchia nhập về trên dưới 12 ghe, tải trọng từ 50 tấn/ghe trở lên. Cũng theo lời chủ vựa này, giá lúa thơm nhập từ Campuchia chỉ trên 4.000 đồng/kg chút ít, rẻ hơn rất nhiều so với giá lúa thơm nội địa (hiện đang rất khan hiếm). Một nguồn tin cho biết tại cửa khẩu Long Bình (An Phú), gạo thơm Thái Lan cũng xuất hiện rải rác trên thị trường với giá 550 ngàn đồng/bao (loại 50 kg).
Sự thật cay đắng này buộc người nông dân và các nhà quản lý, nhà khoa học phải cùng ngồi lại tính toán xem nhu cầu tiêu dùng loại lúa thơm trong nước là bao nhiêu để quy hoạch diện tích trồng cho hợp lý, tránh tình trạng sản xuất “bỏ quên sân nhà”. Mặt khác, cũng cần tính xem nên trồng giống lúa gì năng suất cao, ít sâu bệnh và có sức cạnh tranh trong xuất khẩu. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng nhìn nhận việc nhập lúa ngoại là một thực tế. Ông cho rằng bên cạnh nhu cầu xuất khẩu thì nhu cầu tiêu thụ gạo ngon trong nước cũng rất lớn. Nhưng bấy lâu nay, doanh nghiệp cứ mãi lo chăm bẳm xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa.