Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành chăn nuôi kêu cứu: Vì sao nông dân bỏ chăn nuôi?
15 | 10 | 2008
"Gia đình tôi làm chăn nuôi này đã được hai mươi năm, trước lúc nào cũng có 4-5 nghìn vịt nuôi lấy thịt và trứng, thuê 2-3 nhân công nhưng giờ khó khăn quá. Tính riêng hai tháng vừa qua, mỗi ngày nhà tôi lỗ "nhẹ nhàng" cũng tới bảy tám trăm ngàn thậm chí hơn triệu đồng. Bỏ thì không dám vì còn cái máy ấp trứng, chuồng trại mà tiếp tục thì làm sao chịu được” – Anh Nguyễn Minh Thắng, xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc vừa chỉ vào chuồng vịt trống không vừa xót xa than vãn.
Khi giá trứng không “cập” giá cám

Câu chuyện của anh Thắng không cá biệt. Ở quy mô hộ gia đình, anh Nguyễn Thế Toản, xã Bình Dương, Vĩnh Tường cũng đang “mếu máo” vì chuồng trại đã đầu tư kha khá tiền nhưng từ khi nuôi gà thì chỉ thấy “lỗ là lỗ”. Anh tính toán: “gần 250 con gà Ai Cập nuôi lấy trứng, bình quân đầu tư cho mỗi con là 100 nghìn đồng, vị chi tất cả là 25 triệu. Nhưng giá trứng không "cập" được với giá cám giờ đã lên 185 nghìn/bao 25 kg. Mỗi ngày nguyên tiền lỗ là một, hai trăm ngàn”. Vậy là mới tập tành chăn nuôi “quy mô” được một năm anh đã phải tạm dừng, đeo theo khoản nợ lãi ngân hàng gần 10 triệu không biết khi nào mới trả xong.

Giá cám cũng chính là nguyên nhân khiến gia đình chị Trần Thị Nhâm lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì nợ” gần năm nay. “Mấy tháng thôi mà giá thức ăn tăng "chóng mặt" từ 140, 150 tới 220 và hiện trên 300 nghìn/bao 25kg mà giá thịt bán chỉ ở mức 37-38 nghìn/kg, mỗi ngày nuôi lãi được một hai chục bạc, còn công xá đổ vào đấy nữa, lỗ quá nên chẳng đành nhà tôi mới phải "bán tháo" đi”.

Dãy chuồng trại nhà chị đã bỏ không 6 tháng nay nhưng khi “ngắm” cơ ngơi đã đầu tư gần bằng một sào ruộng đất, tính cả tiền đầu tư giống má, thức ăn ngót trăm triệu, chị lại thở dài vớt vát “tiền lỗ đã lên đến 45-50 triệu rồi nhưng chắc sau này đỡ khó khăn thì vẫn phải nuôi thôi vì đầu tư tốn kém quá”.

Tình hình khó khăn vì “giá trứng không “cập” giá cám” không chỉ khiến người chăn nuôi ở Vĩnh Phúc lao đao. Từ Bắc Ninh, Hà Tây (cũ), Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An… đến các tỉnh phía nam đâu đâu cũng kêu than giá thức ăn chăn nuôi quá sức chịu đựng. Mức tăng bình quân ước tới 60% so với cùng kỳ năm 2007 do một số nguyên liệu tăng đỉnh điểm, như khô đậu tương (150%), methionin (207%)… Kết quả thức ăn hỗn hợp cho gà broiler hiện lên đến tăng 48,8%, hỗn hợp thức ăn lợn thịt tăng 33,1%...

Nhưng theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi –các doanh nghiệp sản xuất thức ăn cũng chẳng sung sướng gì. Nông dân dừng chăn nuôi đã kéo theo 35 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi “chết chìm” theo.

Thực tế, tình trạng chăn nuôi ko đủ “lấy công làm lãi” mới “tấn công” các hộ chăn nuôi có quy mô tương đối mấy tháng nay khi giá thức ăn lên đỉnh điểm vào tháng 7, tháng 8 nhưng đã diễn ra với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ kiểu “tăng gia” từ vài năm trước. Nếu cách đây chục năm, mỗi gia đình nông thôn Việt Nam đều gắn với một mảnh vườn nhỏ, dăm con gà, vài ba con lợn thì nay rất nhiều nhà đã để “chuồng không trại trống” vì hiệu quả chăn nuôi quá thấp.

“Giờ ai mà đi vớt bèo về nấu cám lợn như trước nữa, nuôi thế, giỏi lắm cả năm mới xuất chuồng được 2 lứa, nuôi cám công nghiệp thì đắt đỏ càng nuôi càng lỗ, “hầu nó” lại mệt nên nhiều nhà thôi lâu rồi”- ông Phạm Quang Việt (Kim Sơn, Ninh Bình) vừa chỉ tay về kho để củi – nguyên là chuồng lợn cũ- vừa bảo. Theo ông, đến nửa xã đã bỏ nuôi lợn gà vì “thanh niên đi thoát ly hết, ông già bà cả nuôi vất lắm mà có lời lãi gì”. Còn nuôi vịt, gà theo ông, dân lại sợ dịch bệnh “cứ dịch vào là thôi cụt hết cả vốn, bị vài lần, nản chả muốn nuôi nữa”.

Dịch bệnh - rủi ro rình rập

Nỗi lo lắng của ông Việt là thể hiện tâm lý bất an có thật của những người nông dân. Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ngay trong 2 tháng đầu năm, những đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã làm chết hơn 200 nghìn trâu, bò; dịch bệnh tai xanh, lở mồm long móng đã khiến thêm 300.000 trâu, bò, lợn bị chết, hoặc buộc phải tiêu hủy. Trong khi đó, số lượng đầu lợn trên cả nước lại giảm trên 3% do hồi đầu năm, một số lượng lớn lợn thương phẩm bị tư thương xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Vì vậy, giá lợn giống có lúc tăng tới 106% so với cùng kỳ năm ngoái, gây khó khăn cho việc gây dựng lại đàn lợn.

Trong 8 tháng đầu năm 2008, dịch cúm gia cầm đã tái phát cũng tại 74 xã thuộc 51 huyện, quận, thị xã của 27 tỉnh, thành phố. Số gia cầm chết và tiêu hủy là 75.170 con trong khi “lỗ hổng” từ những đợt dịch các năm trước chưa kịp được bù đắp.

Tất cả những thiệt hại trên không chỉ làm giảm nghiêm trọng nguồn cung thịt cho thị trường mà còn làm nản lòng người chăn nuôi. Dịch bệnh liên miên làm tăng chi phí sản xuất do phải phòng chống dịch, phải tiêu hủy theo yêu cầu nhưng nguy cơ tái phát các bệnh dịch vẫn rất khó kiểm soát khiến không ai an tâm đầu tư lớn. Có những hộ chăn nuôi đã đóng của chuồng cả năm nay vì không thể vay tiếp vốn ngân hàng sau nhiều lần “vỡ nợ” vì dịch bệnh.

Bỏ nuôi vì không chịu được… xú uế

Với diện tích chăn nuôi hơn 1500m2, gồm 17 chuồng nuôi lợn, chị Vân, thôn Lai Gián, xã Cổ Đông, huyện Sơn Tây, Hà Nội có thể coi là hộ chăn nuôi quy mô công nghiệp. Nhờ có ký kết “trọn gói” với công ty chăn nuôi CP Xuân Mai, Hoà Bình, chị không phải lo lắng về giống má, thức ăn hay đầu ra mà chỉ cần bỏ vốn đầu tư chuồng trại là có thể yên ổn sản xuất.

Nhưng cách đây 4 tháng chị đã phải dừng việc chăn nuôi khi đáo hạn hợp đồng. Lý do không đến từ phía chị hay công ty CP mà từ chính những người… hàng xóm. “Tôi đã xây chuồng trại đúng mẫu công ty, cũng xây hầm Bioga nhưng vẫn có mùi lắm vì số lượng lợn lớn quá, dân xung quanh họ không chịu được mùi nữa nên không cho mình kí tiếp”. Đầy vẻ tiếc nuối, chị cho biết, trước một năm, chị lãi khoảng 200 triệu nhưng giờ ô nhiễm quá thì không còn cách nào khác phải dừng.

May mắn hơn chị Vân, chị Minh, chủ trại lợn 4000 con vẫn chưa bị dân xung quanh “cấm” nhưng chị cũng không thể phủ nhận mùi nồng nặc phát ra từ khu chăn nuôi nhà mình. Giờ nếu muốn được ký tiếp hợp đồng với công ty, chị vẫn phải chờ xem có được cơ quan xã và bà con dân xung quanh cấp “quota” cho không.

Thực tế, khi số lượng chăn nuôi lên đến cỡ vài trăm con đã nảy sinh vấn đề xử lý môi trường. Cho dù đã làm theo thiết kế của công ty CP nhưng do nằm giữa khu dân cư nên việc xử lý mùi xú uế không thể triệt để được.

Các số liệu thống kê cho thấy năm 2007 đã có 61 triệu tấn chất thải chăn nuôi, trong đó chỉ có 40% là được xử lý còn lại đều xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm tại các vùng tập trung chăn nuôi quy mô lớn. Số liệu khảo sát của Sở Khoa học công nghệ Hà Tây (cũ) tại xã Trung Châu, Đan Phượng – nơi có 93,33 hộ nuôi lợn, quy mô trung bình từ 3-43 con cho thấy ô nhiễm khá nghiêm trọng. Mức độ nhiễm khí NH3, H2S trong không khí cao hơn cho phép 4,7 lần, nhiễm khuẩn ecoli trong nước rất cao, 25% số mẫu nước thải nhiễm trứng giun….

Do vậy, người dân khó mà phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp khi có quy hoạch vùng chăn nuôi riêng rẽ khỏi khu dân cư cũng như chưa tìm ra giải pháp xử lý môi trường chấp nhận được.

Mặc dù giá thức ăn, dịch bệnh, môi trường…. đều là những vấn đề nổi cộm “níu chân” ngành chăn nuôi phát triển nhưng trong thời gian vừa rồi, thủ phạm trực tiếp gây ra cơn khốn khó của ngành chăn nuôi chính là giá thức ăn. Đó là thực tế khó thể phủ nhận khi giá thức ăn có lúc đã chiếm gần 70% giá thành sản xuất. Một tỷ trọng quá cao và quá phi lý, ai sẽ được lợi từ việc giá thức ăn chăn nuôi bị đẩy lên cao? Vietimes mời độc giả cùng đối thoại với ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn Chăn nuôi vào kỳ 3:




Nguồn: viet linh
Báo cáo phân tích thị trường